Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học cá thể hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trong học sinh vẫn còn có em học để đối phó với thi cử. Ảnh: T.L1. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ trong thư gửi giáo viên ngày 5-10-1946 đã xác định: “Kể từ nay chúng ta xây dựng một nền giáo dục của Việt Nam, cho người Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển tiềm năng vốn có trong lòng học sinh”. Bác đã từng khuyên các thầy cô giáo khi dạy học phải căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng, tôn trọng đặc điểm người học. Người nói: “Vì trình độ người học không đồng đều nhau, cần có tài liệu thích hợp cho từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có lợi gì”, hoặc “Bài giảng cần chuẩn bị tốt và cần chọn những bài thích hợp cho học sinh”.

Ph.Mayao, Tổng giám đốc UNESCO đã nói: “Vai trò của giáo dục không phải chỉ là tích tụ tri thức mà là thức tỉnh tiềm năng sáng tạo to lớn trong mỗi con người”. Cùng tư tưởng trên, ông William Butlee Yeats cũng nêu Giáo dục không phải là làm đầy một thùng chứa mà là thắp lên một ngọn lửa”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Huỳnh Mai trả lời phỏng vấn báo Thế Giới Trong Ta (số 189-2003) đã nhấn mạnh “Điều quan trọng là phải biết trẻ có cái gì, cần cái gì, từ đó giáo viên bám sát mục tiêu cấp học, lớp học, môn học mà tác động đến từng đối tượng. Nếu thầy cô giáo hết lòng thương yêu các em, giúp đỡ từng em thì các em sẽ đạt tiến bộ nhất định”. “Sự đổi mới phương pháp chẳng qua là trả lại bản chất của quá trình giáo dục, tức là sự quan tâm của thầy cô giáo đối với từng đứa trẻ. Và đây cũng chính là vì số phận của mỗi con người”.

Tại sao phải chú ý sự khác biệt? Vì mỗi con người có những đặc điểm khí chất, tính tình, đặc điểm cơ thể, hoàn cảnh sống, sự phát triển trí óc, trạng thái cảm xúc của trí tuệ khác nhau, vì thế nên sự tiếp thu kiến thức, cách học, kiểu học, nhu cầu của người học không giống nhau. Nhà giáo dục cần nhạy cảm với sự khác biệt cá nhân, quan tâm đến nhận thức người học, về các mức độ khác biệt và thích nghi bằng cách “đo ni đóng giày”người học cho đúng.

Nhìn chung ở các nước tiên tiến phát triển, phương pháp dạy học cá thể hóa được áp dụng từ lâu. Dạy học theo từng học sinh, từng xu hướng, năng lực, hứng thú và triển vọng của mỗi học sinh là một xu thế tiên tiến, nó đòi hỏi phải có điều kiện rất cao. Phương tiện dạy học ngày càng cực kỳ hiện đại, sĩ số lớp rất ít, chỉ trên dưới hai mươi em, giáo viên phải rất giỏi và tâm huyết. Do đó, năng lực, xu hướng, hứng thú của trẻ được phát triển một cách tối đa. Tất nhiên, phải tập trung giáo dục nhân cách. Nhân cách của từng người không thể giáo dục đồng loạt được.

Về mặt vĩ mô, ngành giáo dục nước ta chưa đạt được những điều kiện ở mức độ cao. Đó là chưa có cơ chế mạnh mẽ cho vấn đề này: chương trình học chưa phân biệt rõ đối tượng, còn áp dụng chung cho học sinh mọi trình độ, từ thành phố lớn đến vùng xa xôi, hẻo lánh. Cách dạy còn đối phó với thi cử không cho phép giáo viên dừng lại hay có biện pháp riêng với những đối tượng học sinh đặc biệt. Trình độ và nhận thức và phương pháp đổi mới của giáo viên chưa cao; giáo viên mức sống còn thấp, còn loay hoay cơm áo gạo tiền, chưa dành thời gian thích đáng cho học sinh; sĩ số lớp quá đông, phương tiện dạy học chưa đầy đủ tiện nghi. Ý thức phân loại đối tượng cũng đã hình thành trong nhận thức của thầy cô giáo nhưng sự tác động lên từng đối tượng chưa thể hiện một cách riêng biệt, cụ thể sát hợp.Nhiều giáo viên trong quá trình dạy vẫn còn áp dụng phương pháp đồng loạt, máy móc, rập khuôn cho tất cả mọi thành viên trong lớp. Thực tế vẫn tồn tại những hiện tượng đáng buồn như: học sinh ngồi im phăng phắc, phát biểu thì y hệt trong sách giáo khoa, không dám nêu những ý kiến khác biệt; trả lời khác ý thì thầy cô bị la rầy hoặc cho điểm kém. Khi làm văn thì muôn người như một, chẳng những ý tưởng thống nhất mà diễn đạt cũng như nhau.Vì thế ta không ngạc nhiên khi cả lớp, các em tả con gà, con chó nuôi trong nhà rất giống nhau, buổi sum họp gia đình cũng giống nhau, thậm chí…khi tả ông nội, cả lớp cũng tả y khuôn, như thể các em có cùng một ông nội vậy! Đó là hậu quả của lối dạy rập khuôn, sáo mòn, máy móc, giết chết khả năng tư duy sáng tạo.

2. Trong lúc chờ đợi những điều kiện tốt hơn về mặt vĩ mô của ngành Giáo dục, thì ngay tại từng trường, nếu Ban giám hiệu và giáo viên nhận thức đầy đủ về vấn đề “Dạy học chú ý sự khác biệt cá nhân trong học tập” vẫn có thể thực hiện được một số việc sau đây.

– Giảm sĩ số học sinh xuống it đi (chỉ từ 35-40 học sinh em trở xuống) để giáo viên có điều kiện sâu sát học sinh.

– Giáo viên điều tra cơ bản học sinh thật chắc. Trong quá trình dạy tiếp tục quan sát, khám phá đặc điểm tâm lý học sinh qua ngôn ngữ hành vi, quan hệ đối xử, ghi nhận đặc điểm và kết quả rèn luyện từng học sinh qua từng giai đoạn.

– Giáo viên phải hết sức tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao và thương yêu học sinh, quan tâm đổi mới phương pháp, sâu sát và am hiểu đặc điểm hoàn cảnh và sức học từng em học sinh trong lớp. Nên dành thời gian tiếp xúc với học sinh: trước, trong và sau giờ học để nắm bắt thông tin cá nhân và có biện pháp giáo dục phù hợp. Cần thường xuyên gặp phụ huynh học sinh để trao đổi, nắm bắt thông tin cần thiết.

– Căn cứ theo trình độ mà nêu những yêu cầu sát hợp trong việc thực hiện chương trình, soạn giáo án và hệ thống bài tập. Mỗi bài giảng cần có những phần thích ứng với từng đối tượng học sinh: giỏi, khá, trung bình, yếu.

– Có thang bậc đánh giá, cho điểm cụ thể cho từng loại đối tượng- căn cứ vào mức khởi điểm. Vì nếu áp dụng theo một công thức chung cho cả lớp sẽ không thấy được nỗ lực của những em yếu kém và không tạo động lực cho những em khá, giỏi. Vô hình chung sự đánh giá đồng loạt là không công bằng.

– Tôn trọng những ý kiến cá nhân cho dù ý kiến đó có khác suy nghĩ thông thường của người thầy hoặc có thể chưa đúng, chưa hay lắm. Khuyến khích các em phản biện, chấp nhận cách giải toán, làm bài tập khác cách giải thông thường miễn hợp logic và đúng đáp số. Cho điểm cao những suy nghĩ độc lập, sáng tạo, chân thật.

– Hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, có tư duy độc lập, biết các diễn đạt suy nghĩ của mình, chống lối học vẹt, học từ chương. Khuyến khích việc sinh hoạt nhóm, tạo điều kiện cho các em dịp thể hiện ý kiến cá nhân trong tập thể, khuyến khích sự sáng tạo, năng động.

– Thực hiện môi trường học thân thiện để trẻ có cảm giác an toàn, vui tươi, hứng khởi trong việc học. Từ mối quan hệ thầy trò tốt đẹp, học sinh sẽ tự tin, mạnh dạn trao đổi với giáo viên điều chưa hiểu hay vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Giáo viên cần quan tâm lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và định hướng tư tưởng cho học sinh. Nếu giáo viên cùng tham gia với học sinh một số hoạt động như: lao động, tập văn nghệ, làm báo, tham quan, cắm trại… sẽ hiểu học sinh hơn, tạo mối quan hệ gắn bó gần gũi và dễ dàng thực hiện phương pháp giáo dục cá thể hóa.

3. “Dạy học chú ý sự khác biệt cá nhân” một phương pháp giáo dục tiến bộ, tôn trọng độc lập tư duy, khơi gợi sáng tạo, ươm mầm cho từng cá nhân phát triển. Không máy móc nào có thể thay thế được người thầy với tình cảm cao đẹp tâm hồn phong phú, nhân cách hướng thiện và sự nhạy cảm với từng cá nhân học sinh. Chính người thầy chứ không phải ai khác sẽ “đo ni đóng giày” cho học sinh.

Phương pháp ấy chẳng khác nào chăm sóc từng búp măng non, từng nụ hoa lớn dậy dưới ánh mặt trời. Việc bón phân, tưới nước, phun thuốc liều lượng phải phù hợp với từng cây, từng hoa; việc chăm sóc cây như bắt sâu, tỉa lá, uốn cành phải kỹ càng, đều đặn; cây nào chậm phát triển thì chăm sóc chu đáo hơn để từng bông hoa tươi thắm sẽ nở tốt tươi trong vườn hoa chung của đất nước.n

Trần Thị Minh Thi

(Trường THCS Khánh Hội A – quận 4)

Bình luận (0)