Sự kiện giáo dụcTin tức

Hệ thống y tế trường học: Chưa theo kịp sự bùng phát của dịch bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp bán trú trong bữa cơm trưa

Sáng 24-9, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác y tế và an toàn trường học năm học 2008-2009, triển khai phương hướng hoạt động năm học 2009-2010. Tại hội nghị, lãnh đạo hai sở đã thừa nhận sự phát triển của hệ thống y tế trường học vẫn chưa theo kịp sự bùng phát của dịch bệnh…
Nguy cơ lây truyền bệnh rất cao
TP.HCM hiện có 1.575 trường công lập và ngoài công lập với 1.480.524 học sinh (HS). Theo nhu cầu của xã hội, ngày càng có nhiều trường tổ chức bán trú và nội trú. Đến nay đã có 1.127 trường bán trú tổ chức cho 520.740 HS ăn trưa tại trường, 36 trường tổ chức nội trú với trên 8 ngàn HS ở lại. “Một buổi trưa mà có hơn nửa triệu HS ăn, ngủ ở trường, trong khi cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được. Ở một số bếp ăn trường học vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Còn tiền ăn ở trường, tuy có tăng nhưng vẫn không theo kịp giá cả ngày một leo thang, thử hỏi làm sao tránh khỏi ngộ độc thực phẩm cho HS. Buổi trưa, vài chục HS/lớp nằm ngủ xếp lớp như “cá mòi”, không lây bệnh lẫn nhau mới lạ. Đặc biệt là ở các trường nội trú. Khảo sát phòng ngủ tại một số trường tư thục có tổ chức nội trú, chúng tôi phát hiện giường (từ 2- 3 tầng) được kê san sát nhau. Diện tích trung bình của mỗi HS chỉ khoảng 1,1m2. Do vậy, HS này thở ra cũng đồng nghĩa với việc HS kia hít vào, 1 HS trong phòng mắc bệnh thì lây cho cả phòng”, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM lo ngại.
Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – cán bộ y tế học đường (YTHĐ) Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết: “Toàn thành phố hiện có 905 trường học tổ chức bếp ăn tập thể, trong đó vẫn có 54 bếp ăn chưa được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Tuy vẫn có một số khó khăn nhưng các trường đã xây dựng và quản lý bếp ăn theo 1 chiều nên đã không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh những trường có bếp ăn vẫn còn 222 trường đặt suất ăn công nghiệp. Mặc dù các công ty này đều có giấy chứng nhận VSATTP nhưng vẫn để xảy ra ngộ độc cho HS tại một số trường”…
Vấn đề mà Sở GD-ĐT TP.HCM lo ngại hơn cả là chất lượng của đội ngũ cán bộ YTHĐ. Theo báo cáo từ các quận, huyện, đến nay vẫn còn 980 trường (chiếm 65,1%) chưa có cán bộ YTHĐ. Trong số 524 trường (34,9%) có cán bộ YTHĐ thì có tới 320 người chưa đạt trình độ chuẩn theo qui định của Thông tư 35 (của Bộ GD-ĐT). “Vì không đạt chuẩn nên có trên 50% cán bộ YTHĐ không được vào biên chế, theo đó nhà trường phải tự trả lương. Mà lương thì còn thấp, chế độ đãi ngộ cũng chưa thỏa đáng, dẫn đến nhân sự không ổn định. Mặt khác, hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có mã ngạch đào tạo cán bộ YTHĐ”, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM giải thích về việc thiếu cán bộ YTHĐ.
Phòng bệnh ở trường học khó hơn ngoài cộng đồng

Học sinh ngủ chung như thế này rất dễ lây bệnh lẫn nhau

“Hiện các trường không chỉ đối mặt với dịch bệnh cúm A/H1N1 mà các dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, rubella, sởi… cũng đang đe dọa HS. Bởi môi trường học đường là môi trường tập trung nhiều người trong một thời gian dài nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Có thể nói việc phòng chống dịch bệnh ở trường học còn khó khăn hơn ở ngoài cộng đồng”, ông Giang khẳng định.
Nói như vậy không có nghĩa là các trường buông xuôi mặc kệ cho dịch bệnh bùng phát. “Đã đến lúc các trường cần thay đổi cách vệ sinh phòng bệnh, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhiều trường chỉ quét lớp chứ không lau chùi, nhất là lau chùi bằng dung dịch khử khuẩn. Đến khi dịch bệnh xảy ra mới lau chùi thì đã trễ rồi. Theo tôi, hiệu trưởng, hiệu phó cần phải tập cho mình thói quen “khó chịu” khi nhìn thấy nền nhà chưa sạch, cái quạt còn bám bụi, nhà vệ sinh còn mùi hôi… Chỉ khi nào cán bộ quản lý biết “khó chịu” thì lúc đó trường lớp mới sạch sẽ, dịch bệnh mới không có cơ hội xảy ra”, ông Đạt nhấn mạnh.
Để “nói không với dịch bệnh”, đặc biệt là bệnh cúm A/H1N1 trong khu vực trường học, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã đi đến thống nhất: tăngcường phòng chống cúm A/H1N1 để duytrì dạy và học bình thường. Theo đó, các trường phải giáo dục cho HS, giáo viên hiểu rõ các biện pháp cần phải thực hiện để phòng chống dịch bệnh. Không chỉ đơn giản là phát tờ rơi, tuyên truyền mà phải thực hành. Nghĩa là trường phải chuẩn bị sẵn khẩu trang, khi phát hiện HS có dấu hiệu bất thường là cho đeo khẩu trang và đưa vào phòng cách ly. Sau đó, cho tất cả HS trong lớp có HS nhiễm bệnh ra ngoài (khoảng 20 – 30 phút), nhân viên vệ sinh sẽ tiến hành vệ sinh, khử khuẩn. Ngoài ra, các trường cũng phải tăng cường số vòi nước, xà bông để HS rửa tay. Hiện nay vẫn còn nhiều trường thiếu vòi nước hoặc chỗ đặt vòi nước quá xa gây cho HS thói quen làm biếng rửa tay.
“Trường nào không tăng cường phòng chống cúm A/H1N1 mà để dịch xảy ra, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ đóng cửa trường đó”, ông Giang cho biết.
Với các dịch bệnh sốt xuất huyết, hai sở cũng thống nhất sẽ xử phạt nghiêm theo Nghị định 45 đối với những trường để lăng quăng xuất hiện. Vì vậy, hai sở đề nghị các trường phải giáo dục cho HS biết phát hiện và diệt lăng quăng.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)