Cuối tuần qua, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP.HCM). Tại đây, gần 500 học sinh của trường được ban tư vấn cung cấp những thông tin bổ ích cho việc chọn ngành nghề…
Các em học sinh giơ tay xin đặt câu hỏi. Ảnh: Linh Vy |
Không học công an vẫn có cơ hội làm ngành này
Nguyễn Trung Văn (học lớp 12A5) băn khoăn: “Em rất thích ngành công an nhưng học lực của em không tốt nên khó có cơ hội vào ngành này. Nếu em học luật thì sau này có cơ hội làm ngành công an không?”. Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho biết sinh viên học các trường ngoài ngành công an hoàn toàn có cơ hội được làm việc tại ngành này. Theo yêu cầu xây dựng lực lượng, ngành công an ngoài những chuyên ngành được đào tạo trong trường công an còn tuyển dụng nhiều ngành khác từ các trường ĐH khác. “Hàng năm, một số trường vẫn tuyển sinh đào tạo nhân lực theo yêu cầu của Công an TP.HCM như cảnh sát điều tra kinh tế lấy từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, công sát môi trường lấy từ Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, CNTT lấy từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM… Đối với trường hợp của Văn, em hoàn toàn có cơ hội nếu Công an TP.HCM có yêu cầu về xây dựng lực lượng lấy nhân lực từ ngành luật. Em có thể liên hệ phòng tổ chức của Công an TP.HCM để biết thêm về nhu cầu này”, ông Cường phân tích.
Cũng băn khoăn về nghề nghiệp, Nguyễn Đức Thịnh (học lớp 12A2) hỏi: “Em muốn học ngành tâm lý, nhưng trường em chọn đăng ký lại không có tổ hợp bộ môn thi của em và cũng lấy điểm rất cao. Vậy em có nên chọn ngành khác không?”. ThS. Đào Lê Hoà An (Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) nhìn nhận: “Tâm lý học hiện đang là ngành có nhiều lối đi sau khi ra trường. Có rất nhiều trường đào tạo ngành này như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH kỹ thuật công nghệ TP.HCM (Hutech)… Mỗi trường tương ứng với một mức điểm tuyển sinh khác nhau, em có thể tham khảo thông tin và chọn cho mình một trường phù hợp với năng lực bản thân. Em cần hiểu nghề, hiểu mình để thực hiện các bước: Chọn nghề để làm, chọn ngành để học, chọn trường để nộp hồ sơ. Cái quan trọng là đích đến, còn đường đi sẽ có nhiều cách để em đạt được mục đích của mình”.
Đừng ảo tưởng về giá trị vật chất
Đặng Hồng Vy (học lớp 12A6) thắc mắc: “Em muốn học ngành ngôn ngữ Anh nhưng nghe nói ngành này phải học thêm một ngoại ngữ khác. Nếu em đăng ký ngành này mà không học môn ngoại ngữ đó có được không?”. ThS. Mai Đức Toàn (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, UEF) cho biết trong chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh của tất cả các trường hiện nay đều đi kèm với một ngoại ngữ khác, đa phần là tiếng Trung. Đây là môn học bắt buộc nên sinh viên phải học môn này. “Đây là ngành có cơ hội việc làm rất lớn, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế hiện nay. Việc biết thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh sẽ giúp em có cơ hội được tiếp cận với nhiều nền kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật khác nhau, đồng thời cũng mở ra cơ hội việc làm phong phú và đa dạng hơn cho chính bản thân. Do đó, em nên suy nghĩ tích cực hơn cho vấn đề này, không nên coi đó là áp lực mà từ chối ngành học cũng như cơ hội của bản thân mình”, ông Toàn phân tích.
Một học sinh khác hỏi: “Em nghe nói học ngành điều dưỡng tại Nhật Bản được trả lương rất cao. Vậy nếu du học ngành này, sau này về nước em có được làm điều dưỡng trong các bệnh viện không?”. ThS. Nguyễn Hồng Thư (Giám đốc du học Nhật Bản Redbook) khẳng định: “Ngành điều dưỡng tại Nhật Bản và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Tại Việt Nam, nhân viên điều dưỡng sẽ làm việc trong các bệnh viện. Nhưng tại Nhật Bản, nhân viên điều dưỡng không làm nhiệm vụ y tế mà làm công tác phúc lợi xã hội, cụ thể là họ sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão, lo miếng ăn giấc ngủ cho người già. Ngành này được trả lương rất cao ở Nhật Bản (trung bình 42-45 triệu/tháng, chưa kể tiền thưởng) nhưng trước khi lựa chọn, em cần phải xem mình có phù hợp với ngành này không như: Có đồng cảm với người già không? Đã chăm sóc người già chưa?… Khi trả lời được những câu hỏi này, em sẽ biết bản thân có phù hợp với ngành này không. Em cần suy nghĩ chín chắn trước khi đưa ra quyết định, đừng nên ảo tưởng về giá trị vật chất mà đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến những hậu quả sau này”.
Ngọc Anh
Bình luận (0)