Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Máy thu câu của anh thợ cơ khí

Tạp Chí Giáo Dục

Ba chàng trai làng biển bên máy thu câu cải thiện đời sống ngư dân (anh Hoàng (trái, ngồi) và hai người bạn)
“Cả chục năm lênh đênh trên biển với nghề bủa câu, tui không dám ước một ngày có được chiếc máy làm hộ công đoạn nặng nhọc cho con người như thế này. Từ ngày gắn máy thu câu trên tàu, tui không còn phải vất vả tìm bạn đi biển nữa…”, bà Nguyễn Thị Sen, chủ tàu đánh cá ĐNa 36271TS, phấn khởi nói với chúng tôi.
Máy thu lưỡi câu là một sáng chế của ba chàng trai “tay ngang” Lê Văn Hoàng, Phan Thành Nhân và Nguyễn Văn Xuân ở làng biển Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).
Ký ức đi biển nhọc nhằn
“Cả cuộc đời ba tôi nhọc nhằn với chiếc thuyền câu lênh đênh trên mặt biển để nuôi 6 đứa con. Cho đến khi ông nằm xuống, vẫn không có lấy một ngày thảnh thơi. Con người ta sinh ra ở biển, lớn lên nhờ biển, rồi nằm xuống cũng vì biển! Nỗi trăn trở làm sao để ngư dân đỡ khổ cực luôn hiện hữu trong từng giấc ngủ của tôi…”. Anh Lê Văn Hoàng mở đầu câu chuyện bằng chất giọng trầm trầm.
Cũng như bao nhiêu gia đình khác ở làng biển Nại Hiên Đông, cái nghèo luôn hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ của gia đình anh Hoàng. Tầm chục năm về trước, cuộc sống của đa phần bà con đều bấp bênh trên những ngôi nhà chồ sát mặt nước. Trước khi nghĩ đến việc học cái chữ, thành đạt bằng con đường học vấn, người ta buộc phải nghĩ đến việc phải lao động, phải ra khơi để đảm bảo cái ăn mỗi ngày. Anh Hoàng cũng không ngoại lệ. Chưa học hết cấp 3, anh đã theo chân người thân ra biển. “Nghề biển cực lắm. Cực nhất là khi sức khỏe yếu, say sóng”, anh Hoàng nói.
Sau vài lần đi biển bằng tàu lớn của gia đình, anh Hoàng quyết định xuống tàu nhỏ để đi bạn, tập làm quen sóng gió. Thế nhưng, đận ấy anh say sóng sấp ngửa, cứ tưởng không chịu được đến giờ phút tàu cập bờ. “Từ lần ấy cộng với việc ba tôi sau một chuyến đi biển trở về bị đột quỵ và qua đời, tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng thưa với mẹ xin đi học nghề cơ khí. Nhưng lúc chọn đi học nghề, tôi cũng chỉ mới nghĩ làm sao để thoát khỏi nghề biển thôi. Đến năm 2007, anh trai cả của tôi mất trong một lần đi biển, khi ấy anh mới 28 tuổi chưa có gia đình riêng. Lần đó tôi suy sụp hẳn và bắt đầu suy nghĩ cách làm sao cho các ngư dân quê mình đỡ nhọc nhằn, hiểm nguy”, anh Hoàng cho biết.
Sáng chế nhỏ, lợi tích lớn
Thời gian đầu, anh Hoàng theo người anh rể học nghề “tay ngang” rồi sau đó xin vào làm công nhân ở một xưởng tiện – hàn gần nhà. Làm được vài năm, anh Hoàng quyết định về nhà mở xưởng riêng. Từ đây, ngoài thời gian làm việc, anh mới có thời gian suy nghĩ về cách sáng chế ra sản phẩm máy thu câu giúp ngư dân. Tuy nhiên, sau hai năm tìm tòi, vẽ ra mô hình nhưng do không học qua trường lớp nên anh Hoàng gặp khá nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu đưa vào hệ thống nguồn điện dùng cho máy tời thu câu. “Sau khi hình thành ý tưởng, vẽ được mô hình, tôi tìm đến hai người bạn cùng nghề là Phan Thành Nhân và Nguyễn Văn Xuân cùng bàn bạc. Sau nhiều lần thử nghiệm, một chiếc máy tời thu câu chạy bằng nguồn điện nặng 95kg đã ra đời”, anh Hoàng hân hoan nói.
Chiếc máy đầu tiên này được nhóm gắn thử nghiệm ở tàu câu cá ĐNa 37106TS của gia đình ông Phạm Văn Lên. Anh Hoàng kể: “Sau ba tháng thử nghiệm, anh Lên cho biết là công việc khá thuận lợi, máy chạy ổn. Với chiều dài khoảng 11 hải lí cùng 7.000 lưỡi câu  trên tàu chạy bằng máy đã tiết kiệm được từ 2,5 giờ đến 3 giờ”.
Chưa dừng lại ở đó, anh Hoàng lại nghĩ cách làm sao để thay thế nguồn điện bằng một phương tiện khác an toàn hơn cho người sử dụng. Không có cách nào khác ngoài việc dùng hệ thống thủy lực chạy bằng dầu. Nghĩ là làm. Hai tháng sau, một máy chạy bằng thủy lực ra đời, số cân nặng của máy lần này được giảm đi còn 45kg. Tàu cá mang số hiệu ĐNa 36271TS của bà Nguyễn Thị Sen đã được áp dụng mô hình thử nghiệm này. “Giây phút nhận điện thoại, lời chị Sen bạt trong sóng gió nói máy chạy ngon quá, anh em không còn lo bủa câu con nước nghịch, không còn phải gò lưng kéo câu đến chảy máu tay… Thay vì mỗi chuyến tàu chỉ đi 3 ngày, nay có máy này tàu có thể đi cả tuần. Tôi nghe mà vui trào nước mắt”, anh Hoàng nhớ lại.
Tuy nhiên, anh Hoàng trăn trở: “Để làm được một cái máy thu câu mất chi phí đến 27 triệu đồng, chưa tính tiền công cán. Bởi vậy, đối với ngư dân nghèo không dễ bỏ ra được chừng ấy tiền để lắp đặt, dù chúng tôi đã hỗ trợ phần nào về công cán. Hiện ở Đà Nẵng có gần 150 tàu, nhiều nhất là ở làng Nại Hiên Đông làm nghề câu trên biển, hầu hết bà con làm nghề chủ yếu dựa vào lao động thủ công nặng nhọc. Tôi chỉ mong sao có một kênh nào đó làm nhịp cầu hỗ trợ bà con vốn để có thể gắn máy móc thay công lao động, cải thiện đời sống!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Vừa rồi, chúng tôi cũng đưa máy tham dự cuộc thi Sáng kiến kỹ thuật toàn quốc. Sản phẩm đứng thứ 98 trong tổng số 173 sản phẩm sáng tạo mang lại hiệu quả cho người dân. Dù chưa như mong đợi nhưng chúng tôi rất vui vì được đông đảo bà con ngư dân ở làng Nại Hiên Đông tin tưởng sử dụng”, anh Nguyễn Văn Xuân cho biết. 
 

Bình luận (0)