Đọc câu chuyện giáo dục “Cháu tôi… tiến bộ nhanh quá!” (Giáo dục TP.HCM ngày 29-9), tôi ngỡ ngàng vì sao giống hệt câu chuyện của con bạn tôi quá! Nhưng nếu câu chuyện trên kể về một cháu học tiểu học thì câu chuyện về con người bạn tôi đang học lớp 12. Chuyện học thêm có từ tiểu học đến trung học nên học sinh phần lớn không còn thời gian tự học, tự giải quyết bài vở mà chỉ chờ thầy cô giải giùm trong các lớp học thêm!
Con người bạn tôi là gái nên cháu rất siêng năng, chịu khó học tập. Cháu học thuộc hạng khá trong lớp nên khi thầy cô bộ môn “gợi ý” học thêm thì cháu không bao giờ đăng ký. Cháu nói rằng: Học thêm cũng có cái hay và cái không hay nhưng cái không hay nhiều hơn. Vì khi học thêm, bài tập, bài soạn sẽ được thầy cô giải sẵn, người học chỉ việc chép vào cho xong. Như vậy là cách học thụ động, không thể đào sâu kiến thức và kiến thức có được không phải mình tìm ra nên rất mau quên. Ngược lại, tự học ở nhà hoặc học theo nhóm, bắt buộc mình phải động não, phải cố mày mò tìm ra lời giải, cách giải. Đó chính là kiến thức của mình, nên nhớ rất lâu bởi được khắc sâu qua quá trình tư duy, suy nghĩ… Từ đó, cháu bị một số giáo viên tìm cách “dìm”, trong đó có cô giáo môn Anh văn! Khi vào lớp, điều đầu tiên là cô gọi ngay cháu và một số bạn không học thêm lên bảng trả bài. Nếu cháu trả lời đúng những kiến thức trong bài giảng ở lớp thì cô lại tìm một số từ mới, từ lạ (chưa học) để “quay” đến khi nào cháu “bí” mới thôi… Những con điểm thấp đã làm cho cháu buồn và may thay, cháu đã có cách “đối phó” khá thông minh để “vượt qua thử thách”. Đó là khi vừa hết đợt học thêm trước, cô giáo “tuyển mộ” đợt học tiếp thì cháu đăng ký trước tiên. Và một điều không quên là cháu đóng tiền trước, không chờ kết thúc đợt học. Nhưng có điều khác các bạn là cháu không đến lớp học thêm mà vẫn tự học ở nhà. Đóng tiền là để có tên trong danh sách học thêm, “tiện lợi” cho cô theo dõi mà thôi. Quả nhiên, từ đó cô không còn kêu cháu lên bảng “quay” nữa mà thỉnh thoảng gọi học sinh (có cả cháu) xung phong trả bài (những câu hỏi dễ), trả lời câu hỏi và cho điểm cao. Từ đó, cháu dần dần ghi nhiều điểm cao và cuối học kỳ, cuối năm đều đạt khá. Cháu cho biết sau đó còn nhiều lớp học thêm nữa; lớp nào cháu cũng đăng ký và đóng tiền đều đặn nhưng không đi học, chỉ tự học ở nhà. Cháu còn truyền “bí kíp” này cho nhiều bạn khi gặp những tình huống như vậy để “bảo trọng thân mình”.
Hồng Lam Sơn (Sóc Trăng)
Bình luận (0)