Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên tài năng: Bài 1: Hùng biện “kết nối” Đông Nam Á

Tạp Chí Giáo Dục

Bùi Ái Liên (thứ hai từ phải qua) nhận giải nhì cuộc thi Nhà hùng biện trẻ lần thứ 14 do Hiệp hội ĐHQG khối Đông Nam Á tổ chức tại Indonesia
Bùi Ái Liên từng được bạn bè nể phục khi xuất sắc đậu thủ khoa ngành quản trị kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) năm 2009; một năm sau đó, em bắt đầu khẳng định mình qua việc tham gia các cuộc thi, giao lưu văn hóa mang tầm quốc tế… Từ đó, danh từ “đại sứ” đã được báo chí đặt cho cô nàng đầy bản lĩnh này.
Học ngoại ngữ trên… bãi biển
Khi còn học phổ thông, Ái Liên có năng khiếu văn nghệ, luôn tự tin biểu diễn trước đám đông nhưng chưa bao giờ thử sức với việc hùng biện hay dẫn chương trình. Vì không có điều kiện học ở các trung tâm ngoại ngữ nên Ái Liên rèn kỹ năng nghe – nói tiếng Anh bằng cách ra bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) sau giờ học để làm quen và nói chuyện với khách du lịch nước ngoài…
Khi vào ĐH, Ái Liên tham gia AIESEC – Tổ chức Sinh viên quốc tế lớn nhất hiện nay với bề dày hoạt động hơn 60 năm, có mặt ở hơn 110 quốc gia. Tham gia tổ chức này giúp em năng động hơn, có cơ hội giao lưu với các bạn sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới; qua đó tạo điều kiện cho em sử dụng tiếng Anh nhiều hơn trong giao tiếp. Khi có vốn tiếng Anh khá vững, Ái Liên bắt đầu dẫn chương trình các sự kiện nhỏ trong trường, rồi đến những cuộc thi lớn mà khởi đầu là cuộc thi IU Singer (dẫn song ngữ qua các vòng thi). Bên cạnh đó, em còn nhận lời mời hợp tác với nhiều chương trình khác như: Hội thảo về cách luyện thi IELTS của Hội đồng Anh, Cuộc thi ý tưởng sáng tạo Master Mind 2012… Gần đây nhất là Hội nghị quốc tế về khoa học máy tính lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của các giáo sư hàng đầu đến từ khắp nơi trên thế giới, Ái Liên hoàn thành xuất sắc vai trò dẫn chương trình của mình.
“Người châu Á có tầm suy nghĩ”
Tháng 6-2013, Ái Liên là một trong 41 gương mặt tiêu biểu đại diện cho 13 nước trong khối ASEAN + 3 tham gia Diễn đàn giáo dục và cuộc thi Nhà hùng biện trẻ lần thứ 14 do Hiệp hội ĐHQG khối Đông Nam Á tổ chức tại Indonesia. Trong vai trò đại diện cho Việt Nam, Ái Liên đã vượt qua đại diện từ các quốc gia và giành giải nhì chung cuộc.
Để được lựa chọn tham gia, Ái Liên phải ứng tuyển với hồ sơ gồm: Học lực, thành tích, các hoạt động đã tham gia, trình độ tiếng Anh kết hợp với bài báo cáo về chủ đề “Vai trò của lãnh đạo các cấp ở ASEAN + 3 trong việc giải quyết các vấn đề về kết nối khu vực để phát triển kinh tế” dựa trên tài liệu về Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN. Sau khi ứng tuyển, em vượt qua vòng sơ loại ở cấp trường, sau đó là cấp ĐHQG.
Ở vòng chung kết tại Indonesia, Ái Liên bốc thăm chủ đề “Dựa trên tình hình của quốc gia bạn và bài thuyết trình của bạn trong vòng bán kết, nếu bạn là một trong những lãnh đạo tương lai trong khu vực, hãy trình bày định hướng của bạn trong việc triển khai Kế hoạch kết nối tổng thể ASEAN vào đất nước mình sao cho nhân dân ở mọi tầng lớp đều được hưởng lợi”. Sau 45 phút chuẩn bị, Ái Liên có 5 phút để hùng biện. Sau đó em nhận thêm câu hỏi phản biện từ Ban giám khảo: “Trong kế hoạch triển khai của bạn, bạn nhận thấy có những rủi ro gì? Bạn sẽ khắc phục nó như thế nào?” với 1 phút suy nghĩ. Trong phần thuyết trình của mình, Ái Liên đã đề cập những khó khăn còn tồn tại trong kết nối khu vực như cơ sở hạ tầng, giao thương, cách biệt về sự phát triển giữa các nước và chất lượng cuộc sống của con người… Từ đó đề ra những giải pháp dài hạn, ngắn hạn nhằm tăng cường, thúc đẩy giao lưu giữa các nước ASEAN + 3. Phần hùng biện của em được ông Choltis Dhirathiti, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH khối ASEAN (ASEAN University Network), nhận xét: “Trước khi chấm giải tôi chưa có cơ hội đọc xong trọn vẹn quyển sách Can Asians think? (Người châu Á có tầm suy nghĩ không?). Nhưng bây giờ có lẽ tôi không cần đọc tiếp nữa vì qua những gì các bạn trẻ đã thể hiện, trong đó có phần hùng biện đến từ Việt Nam, tôi tin rằng người châu Á thực sự có tầm suy nghĩ. Trong cuộc thi này, tôi không chỉ tìm người có khiếu ăn nói hay nhất mà là người có suy nghĩ lớn để đóng góp cho sứ mệnh phát triển của khu vực”.
Đây là lần đầu tiên đại diện của Việt Nam đoạt giải trong cuộc thi này. Việc đoạt giải không chỉ đem lại niềm vui cho những nỗ lực của Ái Liên mà còn đem lại sự tự hào vì đã thể hiện được với Hội đồng giám khảo, với những đại diện trẻ tiêu biểu từ các nước rằng giáo dục ở Việt Nam đang được đẩy mạnh, sinh viên Việt Nam có thể tự tin sánh vai cùng bạn bè thế giới ở bất kỳ môi trường quốc tế nào. “Lần đầu tiên em tham gia một chương trình mang tính học thuật và nghiêm túc như thế, nơi mà tinh thần nghiên cứu, thảo luận, đóng góp kiến nghị vào việc phát triển kinh tế khu vực được các bạn trẻ tham gia rất sôi nổi. Em còn phải trau dồi nhiều hơn nữa về ngôn ngữ, nhất là kiến thức về khu vực ASEAN để là một trong những nhân tố tích cực của thế hệ trẻ Việt Nam, đóng góp vào việc xây dựng đất nước và thúc đẩy mối giao thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực”, Ái Liên tự hào nói.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
Bùi Ái Liên từng lọt vào top 4 vòng chung kết quốc gia cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh quốc tế (KICC) của Tập đoàn Kiểm toán KPMG tổ chức năm 2012. Trong năm đó, em còn giành suất học bổng toàn phần khóa học trao đổi tại European School of Business – trường kinh doanh hàng đầu tại CHLB Đức. 
 

Bình luận (0)