Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bi hài chuyện ở trọ nhà người thân

Tạp Chí Giáo Dục

Chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học, Phượng được bố mẹ gửi ở nhờ nhà người cô họ để an toàn và cũng yên tâm con có chỗ ở tốt. Tuy nhiên nhiều chuyện vui buồn ra nước mắt cũng bắt đầu từ đấy.
Ở trọ bên ngoài sẽ tốn nhiều tiền hơn nhưng đổi lại được sống thoải mái theo sở thích cá nhân….

Mất hẳn… tự do

Trong khi nhiều bạn còn đang vất vả tìm chỗ trọ thì Phượng ĐH KH&NV đã có ngay một chỗ ở lý tưởng ở nhà cô họ với đầy đủ tiện nghi. Phòng riêng, có máy tính riêng, giường chiếu đầy đủ sạch sẽ mà trong mơ cô cũng chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ tìm được chỗ ở trọ nào tốt hơn.
Điều kiện sống lý tưởng khiến cô tân sinh viên này vô cùng hào hứng và nghĩ ở đó sẽ an tâm học tốt. Tuy nhiên lâu dần Phượng mới thấy mọi chuyện không hề đơn giản như thế, cảm giác tù túng như bị giam lỏng khiến cô ngạt thở lúc nào cũng muốn được ra ngoài.
Cùng hoàn cảnh như Phượng, Loan (Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng không thoải mái khi ở nhờ nhà bác họ. Hai bác Loan đã về hưu cần sự tĩnh lặng còn Loan thì còn trẻ nên nói chuyện không hợp.
Bác Loan là người nghiêm khắc và khó tính nên không thích cháu ra ngoài chơi với bạn bè ngày cuối tuần mà phải ở nhà học tề gia nội trợ. Ban đầu Loan vì sợ bác buồn sẽ gọi điện về nói với bố mẹ nên cứ lúc nào được nghỉ là ngoan ngoãn ở nhà.
Tuy nhiên tuần nào cũng thế và bị bác quản lý thời gian một cách nghiêm ngặt, cô đâm ra chán và buồn phiền. Có lần cả lớp rủ nhau cùng đi du lịch và chơi công viên, Loan cẩn thận xin phép bác nhưng trái lại với mong đợi của cô, hai bác được dịp tuôn ra một chàng nào là “đi chơi để làm gì chỉ tổ hư người”, nào là “để thời gian đó mà học tập” khiến cô toát mồ hôi.
Trường hợp của Ngọc (Hải Phòng) sống cùng anh chị nên tâm lý có phần thoải mái hơn. Nhưng chị dâu không thích em chồng nên thường đặt điều nói xấu và nói với chồng rằng: không chịu dọn dẹp nhà cửa, không dỗ cháu, để đồ đạc bừa bộn… khiến Ngọc như ngậm cục tức trong cổ.
Mối quan hệ giữa hai chị em cũng từ đó dần dần rạn nứt khiến Ngọc ấm ức phải xin ra ngoài ở cho tự do. Anh trai dù biết tính vợ nhưng vẫn ngậm bồ hòn nhìn em gái chịu thiệt thòi để trong nhà yên ấm. Sau phen đó cô cũng cạch luôn khi bố mẹ có gợi ý ở cùng với người thân
Trở thành osin không công
Đó là trường hợp khác của Lan (Chí Linh, Hải Dương) khi cũng trong cảnh ở nhờ nhà người quen. Vì thương Lan nhà nghèo nên người cô họ không lấy tiền ăn, tiền trọ của em nhưng bù lại em sẽ giúp cô các công việc vặt trong gia đình như nấu cơm, đi chợ, đưa hai em đi học, giặt đồ…
Ban đầu nghe cô bạn nghĩ đơn giản cũng chỉ là vài ba công việc vặt trong nhà mà ở quê cô vẫn thường làm, hơn nữa ở đây lại không mất tiền học và tiền ở nên đỡ cho bố mẹ.
Tuy nhiên sự thật hàng ngày Lan phải dậy từ rất sớm để nấu bữa sáng sau đó đưa em đi học và giặt quần áo. Công việc nhiều nên thường xuyên Lan đến trường muộn và trong tình trạng mệt phờ phạc người.
Hoàn cảnh của Phượng, trường ở Đông Ngạc, nhà cô ở Hoàng Hoa Thám nên phải đi 2 tuyến xe bus về nhà. Tuy nhiên cô bạn không dám than vãn bởi : “Có hôm về đến nhà, người mệt rũ nhưng chẳng dám than, mà than với ai? Mình vẫn phải cố nấu cơm vì cô chú đi làm chưa về, hai đứa em là con trai”- Phượng tâm sự.
Không những thế, hai em Phượng còn coi chị như osin “chính cống” nên có việc gì cũng kêu Phượng làm. “Có lần vào buổi tối trời mưa, thằng thứ 2 đòi ăn phở nên bắt mình phải mua bằng được. Vì nó đòi nhiều và cũng nể cô chú nên đành lóc cóc ra quán mua cho nó nhưng đi về thì mình ướt hết cả”
Do làm việc vất vả lại không có thời gian học nên năm thứ 2, Phượng xin phép cô cho ra trọ với lý do “Nhà xa trường”. Giờ đây sau khi ra ngoài ở trọ, nhiều người thấy mình trưởng thành hơn, biết tự lập, lo cho cuộc sống bản thân, có thời gian học và gặp gỡ bạn bè…
Thế mới thấm “Ở nhà người thân không phải lúc nào cũng tốt như nhiều người vẫn nghĩ bởi vào trong chăn, mới biết chăn có rận”, Phượng tâm sự.
Theo Dân Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)