Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên Sư phạm hoài nghi về nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sinh viên đang theo học ngành Sư phạm băn khoăn, thậm chí tỏ vẻ bi quan và hoài nghi về nghề mình đã chọn. Ngay cả số sinh viên chọn nghề xuất phát từ sở thích, đam mê cũng mang tâm trạng lo lắng.

Chia sẻ này được các giảng viên đến từ nhiều trường ĐH trên địa bàn TPHCM đề cập tại tọa đàm "Tiếp lửa lòng yêu nghề" cho sinh viên (SV) ngành Sư phạm (SP) do ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 23/11.

Đam mê hay không cũng… nản

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM kể rằng trong nhiều năm gần đây, nhiều SV tìm đến cô tâm sự về những băn khoăn về nghề nghiệp. Cụ thể là các em ưu tư về những tiêu cực trong giáo dục và tương lai ảm đạm cũng như về cuộc sống vất vả của nghề dạy học.
Nhiều SV ngành Sư phạm hoài nghi về nghề mình đã chọn. Trong ảnh: SV Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày hội nghề nghiệp.
Theo cô Huyền, chưa có số liệu xã hội học điều tra chính thức nào nhưng những ai trực tiếp làm việc với SV ngành SP có thể thấy rõ suy nghĩ đó đang ngày càng tăng.
Nhiều giảng viên đều cho rằng các em bi quan vì công việc nghề giáo hiện nay rất nhiều áp lực. Còn áp lực như thế nào họ không muốn đề cập, không muốn nhắc đi nhắc lại vì… ai cũng biết.
ThS Vũ Thị Lụa, Trường CĐ SP Trung ương TPHCM cho hay nguyên nhân SV ngành SP hiện nay mang nặng cảm giác “lung lay” với nghề xuất phát từ đầu vào. Các các em chọn thi SP vì các lý do như được miễn giảm học phí, do cha mẹ chọn hoặc vì khả năng… có hạn vì những năm gần đây đầu vào SP rất thấp. Đã không đam mê lại thầy công việc quá nhiều áp lực các em chán nản là điều dễ hiểu.
"Nhà giáo là công việc mang tính chất lý tưởng chứ không phải nghề kiếm cơm thông thường”. – TS Nguyễn Thị Bích Hồng.
“Ở quê tôi (Thái Bình) con học đến lớp 12 bố mẹ nào cũng chỉ tay nói thi SP, học SP không mất học phí”, ThS Vũ Thị Lụa nói.
Còn với những em chọn ngành vì sở thích, nghĩa là các em có lòng yêu nghề nhưng không hiểu đúng về nghề, thiếu phương pháp theo đuổi đam mê thì khi gặp thất bại, khó khăn cũng rất dễ bi quan về công việc mình đã chọn.
Truyền lửa để "chữa cháy"?
Tuy nhiên, cho rằng các yếu tố tạo nên áp lực nghề giáo chưa thể khắc phục ngày một ngày hai, các giảng viên tại buổi tọa đàm cho rằng chính người thầy phải có trách nhiệm “tiếp lửa” yêu nghề cho học sinh, SV của mình. Mà cách hiệu quả nhất bằng chính hình ảnh của mình.
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay, để SV yêu nghề mình đã chọn thì chính hình ảnh của người thầy trước hết phải tích cực.
“Tôi nghĩ bản thân người thầy phải thay đổi. Mỗi ngày đến trường tôi cười nhiều hơn, đổi mới nhiều phương pháp dạy học chủ động, phong cách thay đổi sao cho gần gũi với SV hơn, kể cho SV nhiều câu chuyện ý nghĩa về nghề giáo”.
Qua đó cô Huyền nhận ra rằng: “Người giáo viên có yêu công việc dạy học thì mới có thể giúp SV yêu nghề này được. Chính nhiệt huyết, tâm tư, hành vi, cách sống của người thầy là một trong những cách tác động rất tốt đến lòng yêu nghề của SV ngành SP”.
Trong tham luận của mình, ThS Nguyễn Hữu Long, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM – người thi vào SP vì từ gia đình ép buộc – cho hay với công việc này, anh trải qua nhiều cung bậc như thờ ơ, thất vọng, chán nản, lung lay và rồi đến… hăng say với nghề.
Khi nhìn bạn bè cùng thời làm những công việc khác rất thành đạt, thậm chí giàu có mình chỉ là một ông giáo “thiếu” đủ thứ”, anh Long đã từng có ý định bỏ nghề. 
Anh Long chia sẻ kinh nghiệm, lòng yêu nghề của mình được hình thành qua những va chạm trong cuộc sống như đi dạy kèm, đi dạy chữ ở nhà mở, mái ấm… Và điều giúp anh không bỏ cuộc chính là những người thầy đi trước, họ cho anh thấy được những giá trị nghề
“Tôi đã “thử” yêu, yêu những việc làm rất nhỏ của mình, yêu lấy học trò của mình, yêu cả những thử thách của nghề… Và rồi không biết mình yêu công việc của mình từ lúc nào”, anh Long cho hay.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng, ĐH Sư phạm TPHCM cho hay nhiều người biết nghề giáo nhưng lại ít hiểu về nghề. “Nét đẹp nghề giáo rất tự nhiên, ẩn chứ không có hào quang, lấp lánh bên ngoài, nếu khám phá được thì sẽ nhận thấy đây là một công việc rất thú vị. Nhà giáo là công việc mang tính chất lý tưởng chứ không phải nghề kiếm cơm thông thường”.
 
“Đối với người thầy có lý tưởng nghề nghiệp, có hoài bão, ước mơ trở thành nhà giáo thì trong quá trình dạy học người thầy mới dễ dàng truyền ngọn lửa đam mê nghề nghiệp cho học sinh.” – bà Nguyễn Thị Gái, Phó Chủ tịch công đoàn giáo dục TPHCM.

Việc GV tiếp lửa lòng yêu nghề của SV ngành SP là rất cần thiết khi mà nhiều năm nay ngành SP đang mất dần sức hấp dẫn, là một trong những ngành có đầu vào thấp. Tuy nhiên, phải chăng đó chỉ là biện pháp mang tính “chữa cháy”? Để có một đội ngũ nhà tốt, cần hạn chế tình trạng SV thi vào SP chán nản rồi chúng ta phải tìm cách “tiếp lửa”. Hơn nữa, chỉ khi phát từ đam mê công việc, người thầy mới có thể thành công trong việc truyền lòng yêu nghề được cho thế hệ sau.

ThS Vũ Thị Lụa đồng tình với bộ phận SV chọn nghề không xuất phát từ đam mê cần được phát hiện và định hướng lại càng sớm càng tốt. Các em có thể chuyển sang ngành học khác hoặc có nếu xác định tiếp tục học thì cần tìm những cái hay, cái thú vị của nghề để vun đắp cho lựa chọn của mình.
Tuy nhiên, để thật sự bền vững, theo bà Lụa cần có định hướng nghề nghiệp tốt bắt đầu từ sở thích, năng lực, nhu cầu bản thân và nhu cầu thực tiễn của xã hội cũng như người học phải hiểu rõ công việc mình theo đuổi. Khi đó sẽ thu hút được được nhiều em vào ngành SP và hạn chế được tình trạng nhiều em chọn nghề không thích rồi lại phải hoay hoay tìm cách theo công việc chỉ vì… lỡ chọn.
Hoài Nam
(Dân trí)


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)