Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Suy nghĩ về việc giảm tải chương trình và SGK

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS sẽ có nhiều thời gian trao đổi với nhau khi chương trình học được giảm tải. Ảnh: N.Anh

Là một giáo viên chuyên toán đã từng trực tiếp đứng lớp và hiện nay đang làm công tác quản lý, tôi rất quan tâm đến chương trình “giảm tải” của Bộ GD-ĐT.

Cách đây 24 năm, tôi và một số đồng nghiệp đại diện cho Sở GD-ĐT TP.HCM tham dự Hội nghị triển khai thay sách giáo khoa (SGK) Toán lớp 8 tại Hà Nội do Bộ GD-ĐT tổ chức. Trong hội nghị, đại biểu các tỉnh trong cả nước đã kiến nghị điều chỉnh một số sai sót trong SGK Toán lớp 6 và 7, khi tổng kết hội nghị, đại diện bộ đã trả lời: Một là: Hiện nay, các tác giả SGK Toán lớp 6 và 7 đang dạy ở nước ngoài nên chưa thể điều chỉnh được. Hai là: Theo quan điểm của bộ, SGK là tài liệu tham khảo để giáo viên soạn giáo án lên lớp, khi thấy nội dung SGK có sai sót hoặc không thích hợp thì tự điều chỉnh để nội dung kiến thức truyền thụ cho học sinh (HS) đảm bảo tính chính xác và vừa sức.
Từ đó đến nay, đã biết bao lần thay SGK, chỉnh lý SGK, cho đến năm học 2008-2009 là lần thay sách giáo khoa lớp 12 cơ bản và nâng cao. Trong các hội nghị thay SGK lớp 10, 11, 12 tổ chức tại TP.HCM, tôi và các đồng nghiệp đều có ý kiến về nội dung SGK, nhưng chưa lần nào được các cấp quản lý giáo dục và nhóm tác giả biên soạn SGK có ý kiến phản hồi. Nhân dịp năm học mới 2011-2012, thực hiện chủ trương “giảm tải” của Bộ GD-ĐT, tôi xin có vài suy nghĩ bước đầu sau đây:
Một là: Đầu năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT đặt vấn đề in ba cuốn sách đính chính SGK hiện hành và sẽ gửi về các trường để giáo viên hướng dẫn HS tự điều chỉnh SGK của mình. Nhưng cuối cùng, chỉ có những bản đính chính không đầy đủ và đa số giáo viên không biết và không quan tâm đến các nội dung của đính chính đó. Thực tế nhiều giáo viên đã dựa vào tài liệu đã có để soạn bài và HS sử dụng SGK, sách tham khảo đã có để học bài, làm bài, thi cử.
Hai là: Theo UNESCO, mục tiêu giáo dục trong thời đại hội nhập của thế kỷ 21 là “Học để biết – Học để làm – Học để tự khẳng định mình – Học để cùng chung sống”. Đó cũng là triết lý giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi. Trên cơ sở đó, để thực hiện “giảm tải” trong khi chờ thiết kế chương trình và biên soạn SGK mới, tôi đề nghị cần thống nhất các quan điểm sau: Chương trình và chuẩn kiến thức là phần cốt lõi phải biên soạn trước phù hợp với truyền thống Việt Nam và chuẩn mực quốc tế. Đó là pháp lệnh và được sử dụng trong thời gian dài nên cần biên soạn có trách nhiệm và hết sức cẩn thận. Kế hoạch giảng dạy là phần định hướng thực hiện chương trình và chuẩn kiến thức, thay đổi theo thời gian và yêu cầu của xã hội hóa giáo dục. SGK là tài liệu tham khảo giúp giáo viên soạn bài theo định hướng của kế hoạch giảng dạy, mục tiêu, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và mức độ của từng tiết dạy. Đồng thời SGK là một tài liệu học tập quan trọng và cần thiết đối với HS để tham khảo khi học bài, làm bài, kiểm tra, thi cử dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ban biên soạn SGK, cần thành lập ban thẩm định và tu thư SGK hoạt động độc lập với ban biên soạn SGK, có nhiệm vụ đánh giá, điều chỉnh SGK và hướng dẫn giáo viên về phương pháp giảng dạy.
Ba là: Với quan điểm đó, để “giảm tải”, tôi xin đề nghị: Biên soạn lại chương trình, chuẩn kiến thức với phương châm “tinh giản, vững chắc, chính xác”. Thiết lập kế hoạch giảng dạy, phân bố các tiết dạy hợp lý giữa các bộ môn, tăng cường tiết luyện tập và tự luyện tập, phát huy năng lực tự học và tính sáng tạo của mọi đối tượng HS. Thực hiện việc đánh giá bằng nhận xét (không cho điểm) ở ba môn trên tổng số 12 (hoặc 13) môn bậc THPT. Hướng dẫn cụ thể mục tiêu, mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy từng chương, từng bài. Thực hiện “giảm tải” trong nội dung và phương pháp kiểm tra, thi cử phù hợp với “giảm tải” nội dung chương trình SGK.
Bốn là: Đối với SGK hiện hành, tôi xin đề nghị: Bỏ một số bài học và bài tập quá tải, không cần thiết. Chuyển một số bài học sang phần đọc thêm (rất cần thiết đối với HS). Chỉnh sửa hầu hết sai sót về kiến thức và kỹ thuật ở tất cả các bộ môn. Viết lại một số đơn vị kiến thức cần thiết. Nội dung chỉnh sửa SGK được in thành sách và gửi đến từng giáo viên bộ môn làm tài liệu để soạn bài, không đặt yêu cầu HS phải chỉnh sửa trong SGK, bởi vì đối với HS thì SGK là một trong các tài liệu tham khảo được sử dụng dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
(Còn tiếp)
Lê Văn Lung
(Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, nguyên chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)