Sau khi báo chí, trong đó có Báo Quân đội nhân dân đăng tải nhiều ý kiến, phản ánh của bạn đọc, lạm thu trong năm học mới một lần nữa trở thành vấn đề “nóng”. Nhận thấy lạm thu đang gây nhiều bức xúc trong xã hội, các cấp, các ngành, gần đây nhất là Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã vào cuộc mạnh mẽ. Ngày 14-10, trong Hội nghị Giao ban lần thứ nhất Cụm thi đua vùng 7 ngành giáo dục và đào tạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề lạm thu một lần nữa bị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trích gay gắt.
Sau niềm vui khai giảng năm học mới của học sinh là nỗi lo các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh. Ảnh: Hải Hà
|
Cơ sở kêu: Không thể không lạm thu
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt cho rằng không thể cấm các trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp để xây dựng, cải tạo, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. “Ngay chuyện 1 cái bóng đèn hỏng, nếu chờ tiền Nhà nước thì phải mất từ 1 đến 2 tháng mới thay nổi”, ông Đạt lấy một ví dụ cụ thể để chứng minh không thể không cho phép các trường thu tiền từ phụ huynh.
Theo Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội) Đinh Thị Lan Duyên, khoản tiền ngân sách Nhà nước cấp cho các trường không thể bảo đảm cho mọi nội dung dạy và học. Bởi vậy, các trường học đều có mong muốn và nhu cầu nhận được sự hỗ trợ từ xã hội và từ cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, vị đại diện chính quyền quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận có nhiều trường thực hiện việc thu – chi các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh một cách thiếu minh bạch và hiệu quả, dẫn tới có nhiều đơn, thư khiếu, kiện. “Quận chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Thực tế cho thấy, nếu trường nào thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của văn bản thì không phát sinh khiếu, kiện”, bà Duyên nói.
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Kim Hoãn đưa ra ý kiến: Không thể chỉ vì những gia đình khó khăn mà bỏ qua nguồn huy động từ cha mẹ học sinh. “Ở Hà Nội chỉ có khoảng 20% gia đình khó khăn. Nếu chỉ vì 20% này mà tự trói buộc mình, không huy động được sự đóng góp của xã hội thì chưa hẳn đã là hay”, ông Hoãn nói. Vì thế, ông Hoãn đề xuất cho phép các trường huy động nguồn lực từ những phụ huynh có khả năng đóng góp. “Thay vì huy động đại trà mỗi phụ huynh 100 nghìn đồng, nên tập trung vào vài chục phần trăm phụ huynh khá giả, những người có khả năng đóng góp hàng triệu đồng, sẽ hiệu quả hơn”, ông Hoãn kiến nghị.
Ý kiến không nên “tự trói buộc mình” của ông Hoãn nhận được nhiều lời xì xào tán thành từ những vị hiệu trưởng được mời tới tham dự hội nghị.
“Đừng biện minh ngân sách không đủ”
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng thể hiện thái độ gay gắt khi phát biểu rằng: “Đừng biện minh ngân sách không đủ” để kêu gọi xã hội đồng tình với những khoản lạm thu. Theo ông Hùng, các sở giáo dục và đào tạo cần nghe ngóng dư luận xã hội để đưa vào bàn thảo trong hội nghị. Ông Hùng cho rằng, những ý kiến nêu ra tại hội nghị chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề, chưa quan tâm đến những bức xúc của xã hội.
“Với tư cách là Người phát ngôn của Bộ, tôi thường xuyên tiếp nhận những phản ánh của phụ huynh và báo chí về tình trạng lạm thu trong trường học. Tuy không phải mọi phản ánh đều đúng, nhưng cũng có nhiều phản ánh chính xác. Vấn đề lạm thu trong trường học hiện đang khiến dư luận rất bức xúc. Nếu mọi hoạt động thu – chi được thực hiện minh bạch, rõ ràng, có sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, thì chắc chắn đã không có bức xúc như vậy”, ông Hùng nói.
Người phát ngôn Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự đoán: Vấn đề lạm thu sẽ không chỉ dừng lại là bức xúc được nêu ngoài xã hội, mà rất có thể sẽ được đưa vào “nghị trường” trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Đồng tình với dự đoán của ông Phạm Mạnh Hùng, tân Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho hay: 33 khoản lạm thu đã được Ban Dân nguyện trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, ngành giáo dục chỉ xác định có hơn chục khoản lạm thu.
Lãnh đạo Bộ: Không thể mãi “chườm đá”
Từ những nhận định được đưa ra, cả Chánh Văn phòng và Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đều khẳng định cần thiết phải xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm.
“Tôi phát biểu gay gắt rằng: Cần xử lý nghiêm, đúng pháp luật những giáo viên, hiệu trưởng cố tình lạm thu”, ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh.
Khẳng định lại rằng có nhiều trường cố tình “thu góp” sai, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo địa phương học tập Đà Nẵng, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp này.
“Cần tiếp tục thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những đơn vị cố tình sai phạm. Sau hội nghị này, nếu lãnh đạo các sở vẫn mang tinh thần “êm ái” về địa phương là không hoàn thành nhiệm vụ. Không thể chườm đá hay đắp khăn ướt lên trán để giảm “sốt” được. Đặc biệt, nếu càng “yêu mến, ôm ấp” thì sẽ càng “sốt” hơn”, Thứ trưởng Hiển ví von.
Phủ nhận những ý kiến kêu gọi cho phép các trường huy động phụ huynh “đóng góp” hay “thu nộp”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đã là những khoản tự nguyện thì không thể coi như “thu nộp” hay “đóng góp”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiển cũng khẳng định: Bộ hoàn toàn ủng hộ những trường học minh bạch, hiệu quả, huy động hoàn toàn tự nguyện.
“Bộ không cấm những khoản ủng hộ của xã hội và cha mẹ học sinh. Nhưng các trường đừng đứng đằng sau hội phụ huynh để thực hiện. Hiệu trưởng phải đứng ra huy động ủng hộ, có trách nhiệm triển khai một cách minh bạch và bảo đảm mọi khoản được huy động đều là tự nguyện theo đúng nghĩa tự nguyện”, Thứ trưởng Hiển nói.
Dư luận đang mong chờ, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn để những khoản thu theo kiểu “bắt buộc phải tự nguyện” gây nhiều nhức nhối trong ngành không còn đất sống. Nếu địa phương nào cũng kiên quyết như Đà Nẵng – kỷ luật hiệu trưởng trước tiên, dù hiệu trưởng không biết gì về khoản lạm thu của giáo viên, sau đó mới kỷ luật giáo viên lạm thu – có lẽ, không hiệu trưởng, giáo viên nào dám “tự tung, tự tác”.
Ngày 28-9, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ký công văn yêu cầu kỷ luật Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh vì để một giáo viên chủ nhiệm huy động phụ huynh góp tiền mua ti vi cho lớp. Sau đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu ra thông báo trước mắt sẽ kiểm điểm, kỷ luật hiệu trưởng, tiếp đến sẽ xử lý giáo viên chủ nhiệm lớp vì thu tiền sai quy định.
|
Theo MINH THẮNG
(QĐND)
Bình luận (0)