Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hướng dẫn viên du lịch: Cơ hội khám phá các nền văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

 “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”

Sinh viên ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến thể hiện sự am hiểu kiến thức về văn hóa ẩm thực tại hội thi “Thuyết trình hướng dẫn du lịch”
Người ta hay nói công việc của hướng dẫn viên du lịch là “làm dâu trăm họ”, bởi họ phải làm đủ các công việc như thuyết minh, lo chỗ ăn uống, nghỉ ngơi, sức khỏe của hành khách và các công việc không tên khác. Khách tham quan luôn khác nhau về tính cách, văn hóa, lứa tuổi… đòi hỏi người hướng dẫn viên phải hết sức linh động, nhạy bén, có khả năng xử lý tình huống. Anh Nguyễn Thanh Điền (hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Cường Long, TP.HCM) mô tả: “Hướng dẫn viên sẽ phụ trách khá nhiều công việc liên quan do công ty bàn giao khi bắt đầu nhận tour, gồm liên hệ tàu xe, khách sạn, chỗ ăn uống; thuyết minh các tuyến điểm tham quan; xử lí các tình huống phát sinh trên tour; chăm sóc khách hàng… Công việc đòi hỏi ở hướng dẫn viên sự nhiệt tình, có kiến thức và tinh thần trách nhiệm. Có khả năng thuyết minh tốt, kiến thức tổng quát về địa lý, văn hóa trong và ngoài nước, nghiệp vụ về hướng dẫn, hoạt náo tốt, sơ cứu y tế, tâm lí du khách”…
ThS. Trần Thanh Huy (Trường ĐH Hùng Vương, TP.HCM) cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành hướng dẫn du lịch bên cạnh việc nắm vững các kiến thức cơ bản về ngành du lịch (định nghĩa, thuật ngữ chuyên ngành, loại hình du lịch) sẽ được trang bị những khối kiến thức khác về đất nước và con người Việt Nam và quốc tế với những đặc điểm kinh tế – văn hóa – xã hội (lịch sử, vị trí địa lý, phong tục tập quán, tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch, các sản phẩm du lịch đặc thù, các trung tâm, tuyến, điểm du lịch tiêu biểu). Nắm được những vấn đề cơ bản về công ty lữ hành, cách lập chương trình và tính giá cho tour du lịch; cách quảng bá, tiếp thị và bán một sản phẩm du lịch. Có kỹ năng chuyên sâu về nghiệp vụ điều hành và hướng dẫn du lịch, kỹ năng sử dụng bản đồ thế giới, bản đồ quốc gia, bản đồ du lịch. Biết liên kết các điểm du lịch xây dựng thành các chương trình du lịch cho các đối tượng khách khác nhau. Biết cách xây dựng và điều hành nhóm, có khả năng giao tiếp và tạo ấn tượng tốt nơi khách hàng…
Không lo thất nghiệp
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên ngành hướng dẫn viên du lịch đã bắt đầu được thử sức dẫn tour cho các công ty du lịch để học hỏi kinh nghiệm, vận dụng kiến thức. Một số sinh viên năng động, chịu khó… có thể kiếm được thu nhập ngay trong thời gian làm thêm này. Khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc tại các công ty lữ hành (hướng dẫn viên, điều hành tour, marketing…), các khu di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch của cả nước hoặc tham gia giảng dạy các môn chuyên ngành cho ngành lữ hành, hướng dẫn du lịch ở các trường CĐ, nghiệp vụ du lịch… Ở Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch trong những năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực cho ngành thời gian tới là rất lớn. Một số đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế cho biết, rất có nhu cầu về nhân lực am hiểu sâu về văn hóa, địa lý du lịch và thạo ngoại ngữ để hướng dẫn du khách quốc tế. Nhìn chung, cơ hội việc làm cho thí sinh lựa chọn ngành nghề này khá rộng mở.
Bài, ảnh: M.T
Thí sinh có nguyện vọng theo học hướng dẫn du lịch tại các trường sẽ thi ba khối A, C, D1. Điểm trúng tuyển vào ngành du lịch các trường những năm gần đây chủ yếu dao động từ 13 đến 22 điểm. Các trường ĐH tuyển ngành du lịch và điểm trúng tuyển năm 2010: ĐH Kinh tế TP.HCM (20 điểm); ĐH Cần Thơ (17); ĐH Tài chính Marketing (17); ĐH Hoa Sen (17); ĐH Nông lâm TP.HCM (13); ĐH An Giang (14)… Khối C: ĐH KHXH-NV TP.HCM (20); ĐH Sài Gòn (18); ĐH Lạc Hồng (15,5). Khối D1: ĐH Công nghiệp TP.HCM (18)…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)