Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đi lấy “chứng chỉ mềm”

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay việc đi học kỹ năng mềm diễn ra khá xôm tụ. Không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả cán bộ Đoàn – Hội và những người đã có công ăn việc làm cũng tranh thủ thời gian đi học lấy “chứng chỉ mềm”.
Tham gia trò chơi để phát triển tư duy – Ảnh do Trung tâm Đào tạo và phát triển xã hội cung cấp
Trong các cuộc trò chuyện của sinh viên thời gian gần đây, vấn đề học kỹ năng mềm được đem ra bàn tán khá sôi nổi. Các kỹ năng giao tiếp, hoạt náo, ứng xử trước đám đông, quản lý thời gian, phương pháp học tập hiệu quả… là những môn được nhiều bạn đề cập đến.
“Mốt” kỹ năng mềm
Hạnh Nguyên, sinh viên năm 2 ĐH Hoa Sen, từng theo học khóa kỹ năng phương pháp học tập hiệu quả tại Công ty GD-ĐT Tân Việt Thế Giới, kể: “Thời gian tôi học ở trường ĐH nhiều, lại đi học thêm nữa nên lu bu suốt ngày. Nhưng khi nắm được phương pháp học hiệu quả thì thời gian tiếp thu bài rút ngắn đến phân nửa. Tôi thấy bản thân tiến bộ nhanh hơn hẳn so với lúc chưa có phương pháp học rõ ràng”.
Việc đi lấy “chứng chỉ mềm” không chỉ sôi nổi với sinh viên ở các trường ĐH mà ngay cả các bạn học sinh cũng rất quan tâm. Hoàng Phúc, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM), cho hay: “Đi học khóa kỹ năng học tập hiệu quả ban đầu em thấy lạ và khó hiểu, nhưng dần dần đã có thể vẽ bản đồ tư duy cho chính bài học của mình, ghi nhớ được chỉ trong 15 phút”. Sau khóa học kỹ năng mềm, Hoàng Phúc đem “bí kíp” bật mí cho nhóm bạn trên lớp và ai cũng hào hứng học theo.
Bắt đầu “rủ nhau đi học”
Thạc sĩ Tăng Hữu Tân, giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển xã hội, cho biết: “Việc đào tạo kỹ năng mềm được các tập đoàn kinh tế nước ngoài chú trọng cả chục năm nay nhưng ở nước ta hiện mới chỉ bắt đầu.
Đội ngũ dạy kỹ năng mềm của chúng ta chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự nhiệt tình, chứ chưa được đào tạo một cách chính quy. Bên cạnh đó, nhận thức về sự thiếu hụt kỹ năng mềm của các bạn trẻ chúng ta còn đang rất mơ hồ, chỉ khi có ai đó đánh động thì các bạn mới nhận định rõ tầm quan trọng và bắt đầu rủ nhau đi học”.
Sau khi tham gia các khóa học kỹ năng mềm, mỗi học viên được cấp chứng chỉ nhưng đó không phải là điều các bạn quan tâm nhất: “Chứng chỉ cũng quan trọng thật, nhưng cái chính là mình phải thể hiện được năng lực thật sự trong công việc sau này”, Hạnh Nguyên nói.
Còn Nguyễn Như Tâm cho hay: “Có nhiều bạn bảo bản thân giỏi ngoại ngữ, học gì cũng nhanh hiểu nhưng lại gặp khó khăn khi tham gia công việc ngoài xã hội, vì không biết ứng dụng kiến thức mình học như thế nào cho tốt. Vậy là đi học lớp kỹ năng giao tiếp, ứng xử…”.
Lấp chỗ hổng kỹ năng
Nguyễn Thị Thúy Hoa, giáo viên cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật Trái Tim, cho biết: “Trước đây mình làm giáo viên trường bình thường, sau khi chuyển sang cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật thì gặp một số khó khăn vì môi trường làm việc khác nhau. Vậy nên tôi tìm hiểu và theo học khóa huấn luyện kỹ năng mềm về quản lý nhân viên ở Trung tâm Đào tạo và phát triển xã hội (ĐH Tôn Đức Thắng). Có thêm những kiến thức cơ bản về vấn đề này, tôi thấy khả năng điều hành công việc được cải thiện hơn”.
“Những kiến thức học ở môi trường ĐH chưa đủ để làm việc một cách tốt nhất. Vậy nên thấy ở đâu có lớp huấn luyện kỹ năng mềm thì tranh thủ đi học, giống như lấp chỗ hổng về kỹ năng thôi” – Nguyễn Thanh Khoa, cựu sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói.
Trong lớp huấn luyện kỹ năng hoạt náo và làm việc nhóm tại Trung tâm Đào tạo và phát triển xã hội, có nhiều bạn hoạt động trong phong trào Đoàn – Hội cũng tham gia học.
Bạn Minh Phương, cán bộ Đoàn của một trường ĐH, giải thích: bản thân theo học khóa này vì muốn tăng khả năng tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau để công việc được suôn sẻ hơn. Còn Vũ Bảo Châu, làm việc tại Viện Quản lý và kinh tế IEM, thường hay “la cà” đến các lớp kỹ năng mềm, chia sẻ: “Tham gia học kỹ năng mềm không những lấp được kỹ năng bị hổng mà còn giúp tôi nhận ra thêm nhiều giá trị khác của cuộc sống để sống tốt hơn”.
Thạc sĩ Phan Văn Nam, trưởng khoa quản trị kinh doanh Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghệ Ladec, nhận xét về thực trạng ngày càng nhiều bạn trẻ đi học lấy “chứng chỉ mềm”: “Học để lấy kiến thức thì dễ, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao có được kỹ năng chuyển những kiến thức đó thành giá trị làm lợi cho đời sống. Các bạn sinh viên hiện nay đang thiếu những kỹ năng như vậy, vì lâu nay đã quen với lối tiếp thu kiến thức cổ điển là học thuộc lòng cái có sẵn, chưa biết cách riêng để ghi nhớ và phát huy. Cuộc sống hiện nay đòi hỏi phải thể hiện giá trị của bản thân để khẳng định mình, vậy nên cũng không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều bạn trẻ đi học kỹ năng mềm”.
NGUYỄN NAM – TRƯỜNG XUÂN/ TTO

Bình luận (0)