Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô sinh viên nghèo học giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Là chiến sĩ thi đua cấp Học viện; đạt giải xuất sắc tại Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y – dược Việt Nam lần thứ 14, được Bộ Y tế và Trung ương Đoàn tặng bằng khen và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo, những thành tích của Lê Thị Phương Thảo, sinh viên lớp dược 10, Học viện Quân y, một trong 20 gương mặt sinh viên tiêu biểu làm theo lời Bác của Trung ương Đoàn năm 2008 thật đáng khen ngợi.

Sinh ra trên vùng đất Thái Nguyên, tuổi thơ của cô bé Thảo in đậm hình ảnh người mẹ tảo tần, làm quần quật cả ngày mà nhà vẫn không đủ ăn. "Những lần chứng kiến cơn đau do căn bệnh viêm đa khớp thấp của bố mà không giúp được gì, em có một suy nghĩ duy nhất: phải học thật giỏi thì mới có thể giúp được bố mẹ và các em". Thảo tâm sự.
Suốt những năm học phổ thông, Thảo nuôi ước mơ thi đỗ Học viện Quân y, phần vì muốn theo đuổi ngành dược với hy vọng sẽ tìm ra phương thuốc giúp cho căn bệnh của bố,  phần vì vào học ở đây sẽ không phải lo về học phí, chỗ ăn ở… để đỡ đần bố mẹ. Rồi ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Đến bây giờ, khi đã trở thành cô sinh viên năm thứ 5 khoa Dược của Học viện Quân y, Thảo vẫn chưa quên cảm giác hạnh phúc khi nhận được giấy báo đại học. Thảo kể: Ngày đầu vào Học viện em thấy bỡ ngỡ lắm. Môi trường quân đội, kỷ luật rất chặt chẽ, bố mẹ thì lo lắng, con gái mảnh dẻ, gầy yếu, không biết có theo kịp chúng bạn không. Vậy mà bằng nghị lực của mình, Thảo đã vượt qua tất cả để đạt thành tích học tập xuất sắc, được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm học thứ ba, cô sinh viên nhỏ bé này còn bắt tay vào nghiên cứu khoa học. Từ tháng 4 đến tháng 12-2007, được sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Lê Văn Đông (Trưởng phòng Protein và Protomic), Thảo tập trung vào nghiên cứu đề tài "Tách chiết Enzyme Phospholipase A2 từ nọc rắn hổ mèo". Thảo cho biết: Hiện tại ở Việt Nam chưa có huyết thanh kháng độc tố tại chỗ cho người bị rắn hổ mèo cắn. Khi thực hiện đề tài này, em hy vọng có thể tạo ra được huyết thanh kháng độc tố tại chỗ, làm cơ sở để sản xuất thuốc trị rắn hổ mèo cắn.
Ngoài thời gian lên lớp, Thảo kiên trì nghiên cứu trong môi trường thí nghiệm với nọc rắn đông khô. Công việc này cũng khá nguy hiểm bởi chỉ cần sơ suất một chút nọc rắn có thể xâm nhập vào cơ thể. Khó khăn lớn nhất với Thảo khi thực hiện đề tài là khi phải vừa học, vừa dành thời gian nghiên cứu. "Nhất là lúc đến kỳ thi, lúc đó em chỉ ước, giá như 1 ngày có 48 tiếng thì thật tốt" – Thảo cười.
Sau 10 tháng, đề tài nghiên cứu của Thảo đã thành công, được đánh giá cao bởi tính ứng dụng thực tiễn và được trao giải xuất sắc tại Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y – dược Việt Nam lần thứ 14. Thảo luôn tâm niệm "Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền…". Câu thơ giản dị của Bác luôn là ngọn đuốc soi đường cho em trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, Thảo đang bước vào năm cuối, chuẩn bị ra nghề và trở thành dược sĩ. Thảo bộc lộ quyết tâm: "Ra trường dù được phân đi đâu, ở cương vị công tác nào em cũng chỉ mong muốn hoàn thành thật tốt công việc được giao".
Mai Toàn (Hà Nội mới)

 

Bình luận (0)