Thầy giáo Trần Hướng chuẩn bị giáo án để đến với học trò Song Tử Tây
|
Trong cái se lạnh của mảnh đất miền Trung ngày giáp Tết, những dòng tin nhắn ấm áp của thầy giáo Trần Hướng (26 tuổi, Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị) gửi về đất liền như cánh én báo hiệu niềm vui, hạnh phúc cho một mùa xuân trọn vẹn…
Không phải đến bây giờ, người dân vùng biển bãi ngang nghèo khó này mới nhắc đến Trần Hướng như một niềm tự hào của quê hương. Ba năm trước, anh từng là tấm gương cho lớp học trò nơi đây.
Ba năm “cắm” chữ ở biên cương
Năm 2008, tốt nghiệp Trường CĐSP Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng), thầy giáo trẻ Trần Hướng xung phong lên huyện miền núi Đa Krông để giảng dạy tại Trường Tiểu học Ba Nang. Những cái tên như bản Bù, Trầm, Ngược, Tà Mên… mới nghe qua đủ để người ta hình dung được sự xa xôi, cách trở của những bản làng lẩn khuất không đường đi giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, thầy giáo Hướng đã tình nguyện nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn đó với suy nghĩ giản dị: “Mình là con trai, có sức khỏe thì cần phải xông pha nơi gian khó. Ở một vùng quê nghèo nhất nhì cả nước này, đâu đó ở các bản xa xôi vẫn có nhiều cô giáo tình nguyện đến dạy học thì mình cần phải làm được. Hơn thế, các em rất khát con chữ và chúng cần có mình”.
Chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào thiểu số, nhận thấy rõ nguy cơ nhiều học sinh người Vân Kiều không thể xuống núi học chữ vì miếng cơm manh áo, Hướng quyết tâm tìm mọi cách giúp các em đến trường. Hướng kể, có được học sinh xuống núi đi học, chỗ ở đàng hoàng, nhưng chuyện “đưa” cái chữ vào đầu các em không phải dễ dàng. Dạy và học ở miền núi, vùng cao khắc nghiệt rất nhiều so với đồng bằng. Cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật, học sinh trở lại rừng núi giúp gia đình làm nương rẫy. Nhiều em quên luôn tháng ngày, quên cả việc… đi học. Thầy cô giáo tụi mình phải tìm đến từng nhà hay lên tận trên rẫy tìm học trò thông báo, động viên các em trở lại trường.
Còn nhớ, ngày đầu mới nhận công tác ở vùng rừng núi xa xôi này, mỗi lần về nhà bố mẹ hỏi con dạy học ở đâu, Hướng chỉ tay về phía tây nơi có ngọn núi cao nhất hiện lên mờ ảo, nói ấy là nơi con đang công tác. Bố mẹ hỏi lại ở giữa rừng xanh mà vẫn có người hả con? Hướng biết bố mẹ quan tâm, thương xót nên chỉ trả lời qua loa cho qua chuyện rồi tìm cách chuyển qua chuyện khác. “Không riêng gì mình, các thầy cô giáo dạy học ở Ba Nang không thể vì khó khăn mà họ rời bỏ học trò. Khi mới đến dạy học, họ đã tự nguyện nhận lấy trách nhiệm dạy cái chữ Bác Hồ cho học sinh miền núi, vùng cao. Mỗi hoàng hôn, để khỏa lấp nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu, mấy anh em tụi mình rủ nhau đến nhà đồng bào giúp họ bổ củi, xới đất trồng rau. Mình sinh ra ở miền biển, tuổi thơ không hề biết đến ruộng đồng, vậy mà ở với bà con ba năm mình biết cấy lúa rồi đấy”, Hướng cho biết.
Ba năm là khoảng thời gian không dài, nhưng với tấm lòng nhiệt thành, thầy giáo trẻ Trần Hướng đã dạy cho hàng trăm đứa trẻ ở vùng cao biết cầm cây bút viết con chữ vững vàng. Đó là món quà “hồi môn” giúp các em vững bước trên hành trình chinh phục con chữ, đánh đuổi đói nghèo và chắp cánh ước mơ bước ra khỏi cái bản làng mù sương… Hôm chia tay bà con dân bản để về với đảo, người dân rồng rắn kéo ra nhà rông để tiễn thầy giáo. Giây phút đó mắt ai nấy đỏ hoe. Lời chúc chân cứng đá mềm của bà con như lời động viên Hướng vững lòng đối mặt với thử thách để gieo cái chữ cho con trẻ ở đảo xa.
Ân tình với đảo
Một góc Song Tử Tây nhìn từ biển
|
Là con út trong gia đình có tới 9 người con. Tuổi thơ của Hướng không được sung túc như bao bạn bè cùng trang lứa. Học cấp 2, cậu đã phải theo cha lênh đênh trên biển để giăng lưới bắt cá tôm kiếm sống, trang trải tiền học phí. Những năm học sư phạm, thậm chí lúc đã đi dạy cứ đến mùa nghỉ hè là Hướng lại theo bạn thuyền ở quê lang bạt vào tận miền Nam bán mình theo những mùa trăng. Hướng bảo: “Mình rất yêu biển. Đi để trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống của những phận người lênh đênh trên biển vì kế mưu sinh. Đi để thấy và tự hào quê hương mình không chỉ là nội hàm đất liền mà còn có cả biển đảo. Và chính vì có cái may mắn được làm người con xứ biển nên mình hiểu sự thiệt thòi của các em ở miền biển, đặc biệt là ở đảo xa”.
Hướng khẳng định: “Tôi còn trẻ nên khi Tổ quốc cần, cho dù ở đâu, tôi xin nguyện xung phong đến những nơi đó. Gia đình là một phần quan trọng nhưng phục vụ đất nước còn quan trọng hơn. Tôi đã lên rừng rồi, giờ xuống biển cũng chẳng sao. Ở đảo xa chắc chắn sẽ vất vả, nhưng những người lính, dân trên đảo vẫn sống được thì tôi – một thanh niên đầy nhiệt huyết tuổi trẻ – cũng sẽ sống và làm việc tốt ở nơi đó”. Và với tâm huyết đó, thầy giáo Trần Hướng đã được Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho anh tình nguyện đến đảo Song Tử Tây (Trường Sa) để dạy học. “Trong tâm tưởng tôi, Trường Sa rất gần gũi. Vì đó là nơi những ngư dân miền biển quê tôi được bao bọc, chở che khi những trận bão biển kéo đến bất ngờ mà họ vẫn còn lênh đênh kiếm sống trên biển cả mênh mông. Đó là núm ruột quê hương giữa trùng khơi mà bao đời cha ông mình từng gìn giữ bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu đỏ nhuộm biển xanh. Những đứa trẻ trên đảo như mầm cây non vươn mình chống chịu phong ba hôm nay sẽ là “cây đời” vững chãi giữ gìn biên cương Tổ quốc. Và hơn bao giờ hết, truyền cho các em con chữ là trách nhiệm của thế hệ đi trước”, thầy giáo Hướng tâm sự.
Còn nhớ, một ngày cuối thu se sắt nắng cách đây vài tháng, Hướng vui mừng nhắn tin cho tôi biết anh trúng tuyển ra Trường Sa. Trên chặng đường ngót 200 cây số từ TP.Đà Nẵng về miền biển Gio Linh (Quảng Trị), chúng tôi cứ mường tượng đến hình ảnh một chàng trai miệt biển da rám nắng, thân thể vạm vỡ như khuôn mẫu “mặc định” bấy lâu. Thế nhưng, trước mặt chúng tôi là một chàng trai có tầm vóc nhỏ bé, chỉ ánh mắt anh là ánh lên niềm tin và sự quả quyết. “Tâm nguyện của mình đã thành hiện thực rồi. Mình nghe và biết về Trường Sa lúc còn nhỏ. Hồi ấy, nghe các bác, các chú kể về Trường Sa mình đã nuôi ước mơ được một lần đặt chân đến đó. Đến không chỉ đơn thuần là mang con chữ đến với các em mà còn trả món nợ ân tình. Nơi ấy đã bao lần khai sinh lần thứ 2 cho bao con người miệt biển khi gặp giông tố giữa trùng khơi”, Hướng trải lòng.
Bỏ lại sau lưng cuộc sống yên bình ở đất liền. Gửi lại các anh chị và bà con lối xóm gia đình có ba mẹ già yếu. Hành trang thầy giáo trẻ Trần Hướng mang theo là lời nhắn gửi của người cha – cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa – ông Trần Hoa Lư (75 tuổi): “Dẫu bây giờ quê hương không còn tiếng súng, nhưng người giáo viên cũng là người chiến sĩ trên mặt trận tri thức. Con hãy sống và làm việc với niềm hãnh diện của người đưa đò, người thanh niên Việt Nam để làm tròn sứ mệnh của mình trong cuộc chiến cam go này”.
Chiều thanh bình trên vùng biển bãi ngang, cơn gió giao mùa se lạnh theo con sóng ào ạt vỗ bờ. Giọng ca ngọt ngào cất lên từ chiếc loa phóng thanh đầu làng “Mong cánh thư về từ đảo xa, nơi thành phố này Trường Sa vẫn bên em…”. Một mùa xuân nữa lại về!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Mùa xuân về trên đảo rất hiếm hoi những đóa hoa nhưng những cánh thư, những món quà cùng sự quan tâm của đất liền như hàng vạn đóa hoa sưởi ấm, làm động lực cho mình và bạn bè đồng nghiệp thêm niềm tin để bám trụ, gieo những mùa xuân cho các em nhỏ, giữ yên biển đảo quê hương”. |
Bình luận (0)