Nhiều bạn trẻ mới tới TP.HCM, sau khi làm hồ sơ nhập học và ổn định chỗ ở đã tranh thủ tìm việc làm thêm. Chuyện gặp tin tuyển dụng ảo, mất tiền, mất thời gian trở thành nỗi lo của rất nhiều người.
Nhu cầu tìm việc làm của sinh viên luôn cao – Ảnh minh họa: MINH TRÂM
Minh Yến, sinh viên năm nhất ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết: "Mình vào Sài Gòn nhập học được một tuần đã bắt đầu kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống xa nhà. Do không có điều kiện đi lại, mình xin làm phục vụ ở một quán ăn gần kí túc xá với thù lao 10.000 đồng/giờ".
Hầu hết các bạn sinh viên khác cũng tìm kiếm những công việc tương tự: phục vụ ở quán ăn, quán cà phê, bán hàng, thu ngân… Với các bạn, đó là những công việc phù hợp, giờ giấc linh hoạt với lịch học, gần trường hoặc nơi ở để dễ dàng đi lại.
Nhưng không nhiều người may mắn tìm được đúng công việc như mong muốn. Yến Ngọc (sinh viên trường ĐH sư phạm TP.HCM) tâm sự: "Mình đã tìm rất nhiều, nhưng vẫn chưa thấy việc nào phù hợp. Mình thường tìm trên Facebook, các fanpage tìm kiếm việc làm cho sinh viên TP.HCM. Nhưng thông tin tuyển dụng trên đó hầu như không đúng, là tin giả, làm mình tốn rất nhiều thời gian nhắn tin, gọi điện và đến các địa chỉ 'ảo' ấy".
Đó là chiêu của những kẻ lợi dụng nhu cầu tìm việc, cùng với đó là sự nhẹ dạ, ngây thơ, lạ nước lạ cái của tân sinh viên, để mưu lợi. Phổ biến là trò giả mạo các công ty, cửa hàng, siêu thị… đăng tuyển nhân viên với thông tin việc làm mập mờ, không rõ ràng địa chỉ nhưng thời gian làm việc và mức lương vô cùng hấp dẫn.
Khi sinh viên đến liên hệ, họ gặp phải đủ các hình thức vòi tiền như đóng phí giới thiệu việc làm, mua hồ sơ, tài liệu học việc, may đồng phục… Trung bình mỗi người phải đóng cho "người tuyển dụng giả mạo" 150.000-300.000 đồng, hoặc hơn.
Huyền Trang, sinh viên một trường ĐH ở quận Thủ Đức, kể: "Mình thấy thông tin tuyển nhân viên bán bánh trung thu trên một trang fanpage việc làm thêm cho sinh viên. Khi mình tới nơi, họ nói rõ thời gian, cách làm việc và yêu cầu mình đóng 150.000 đồng tiền đồng phục, hứa hẹn 2 ngày sau sẽ gọi đi làm.
Mình đóng tiền cho họ, nhưng sau khi về, mình gọi vào số điện thoại đó lại không thể nào liên lạc được nữa".
Các bạn sinh viên nên trực tiếp theo dõi trang fanpage, trang web hoặc đến tận nơi địa chỉ tuyển dụng để nắm được những thông tin tuyển dụng chính xác, chi tiết, đáng tin cậy như thế này – Ảnh minh họa.
Nguyễn Thanh Quang, sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM, cũng gặp trường hợp tương tự: "Mình đọc được tin tuyển nhân viên bán sữa trên trang Việc làm thêm quận 9 – Thủ Đức với mức lương 230.000 đồng/ngày. Mình đến gặp người tuyển dụng ở một văn phòng lớn trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Sau khi họ thuyết phục, mình đã đóng 160.000 đồng cả tiền hợp đồng và tài liệu. 3 ngày sau, họ lại gọi mình lên, yêu cầu đóng 8 triệu để trở thành nhà phân phối sản phẩm. Biết bị lừa, mình kiếm cách bỏ về".
Trang, cựu sinh viên ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng suýt bị lừa tham gia kinh doanh đa cấp ngay khi nhập học năm nhất.
Trang kể: "Mình và nhỏ bạn gặp 2 chị, trong đó có một chị tên Yến. Chị đó chủ động bắt chuyện và xin số điện thoại của mình. Hôm sau chị Yến gọi điện rủ mình tham gia một chương trình kỹ năng mềm, có trò chơi vui lắm.
Mình và bạn tới nghe và được chị Yến tự giới thiệu là người mở rộng thị trường Bình Dương của công ty, nhưng không nói rõ công ty nào. Hôm sau, mình và một vài bạn được đón qua Bình Dương, gặp rất nhiều người ăn mặc kiểu công sở lịch sự.
Mình tham gia một buổi diễn thuyết, sau đó họ thuyết phục mình ký hợp đồng làm việc với chế độ, lương bổng cực kì hấp dẫn, nhưng buộc phải mua sản phẩm của công ty, rẻ nhất là đồng hồ giá 2,6 triệu đồng.
Đặc biệt là lúc nghe diễn thuyết, mình không được dùng điện thoại, không được ra ngoài gặp bạn bè. May là lần đó mình chưa cả tin đóng tiền. Sau này mình còn gặp mấy người đó quanh quẩn khu vực kí túc xá trường mình nhiều lần".
Bình luận (0)