Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đưa chữ lên “Cổng trời”

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học trên “Cổng trời” Ea Rớt

Là nơi 4 không (không điện, không chợ, không có sóng phát thanh – truyền hình, không có sóng điện thoại), thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 1.000 đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc (di cư vào những năm 90 của thế kỉ trước) luôn sống trong cảnh khát khao con chữ.
Ở đây có điểm trường Ea Rớt thuộc Trường Tiểu học Cư Pui 2 nhưng để đến được điểm trường này phải vượt qua rất nhiều dốc cao ven những ngọn núi, đặc biệt là dốc Ea Rớt mà mọi người thường gọi là dốc “Cổng trời” do độ cao, độ dốc và sự nguy hiểm của nó.
Vượt dốc
Từ TP.Buôn Ma Thuột đi theo quốc lộ 27, vòng qua tỉnh lộ 12 đến xã Cư Pui có độ dài hơn 100km. Từ điểm chính của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (trung tâm xã Cư Pui), đi xuôi về phía Đông, băng qua nhiều dòng suối chảy vào con sông Krông Ana mùa mưa nước cuồn cuộn đầy bùn đất, phải hơn 20km dò dẫm trên cung đường hình sin, vượt qua dốc “Cổng trời” nhầy nhụa bùn đất trơn như đổ mỡ bằng xe máy, chúng tôi mới đến được điểm trường Ea Rớt. Hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến đây là ngôi trường tuềnh toàng được dựng lên trên nền đất, xung quanh là những tấm ván gỗ được đóng tạm bợ trống huơ trống hoác. Trong lớp học, đa phần các em học sinh nhỏ thó, đen nhẻm với những bộ quần áo cũ sờn, không lành lặn đang ê a học đánh vần.
Năm học 2012-2013, điểm trường Ea Rớt có 7 lớp tiểu học, 189 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số gồm Mông, Mán, Mường… Cơ sở vật chất ở đây chẳng có gì ngoài 4 phòng học tạm và một gian nhà của giáo viên. Bảy cô và một thầy giáo được phân công dạy ở điểm trường này đều còn rất trẻ, gia đình ở xa. Tuy mới ra trường, điều kiện công tác, sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả đều rất tâm huyết với nghề. Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, nhà ở thị trấn Krông Kmar, tâm sự: “Các em học sinh ở đây rất ngoan và ham thích được đi học. Vốn tiếng Việt còn hạn chế, nhiều em không nói được tiếng Việt, không biết cách cầm bút để viết. Đa số các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, có em phải đi học trên đoạn đường 4-5km. Thương lắm! Nhiều hôm thấy các em không hiểu bài nên chúng tôi giảng quên cả giờ ra chơi”. Cô Đỗ Trúc Yến Ly cũng cho biết: “Nhà trường phân cho chúng tôi “kiêm” dạy luôn cả các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Vì vậy những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường ngồi tập hát, tập vẽ để dạy các em”.
Việc đi lại của các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào những hôm trời mưa. Nơi đây quanh năm chỉ có sương mù bao phủ, đường đất chỉ cần một trận mưa đổ xuống là bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Để mua những đồ dùng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày như mắm, muối, cá khô, thuốc chữa bệnh thông thường, mọi người thường đi bộ đến chợ trung tâm xã khác cách đó hơn 20km. Cô Đoàn Thị Phước, nhà ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông), cho biết: “Sáng thứ hai đầu tuần chúng tôi phải dậy lúc 3 giờ sáng chuẩn bị mọi thứ để lên đường đến điểm trường, vì nhà ở trong huyện nên khi vào trường phải leo dốc “Cổng trời”. Là phụ nữ nên yếu tay lái, hơn nữa đi chưa quen đường nên tôi đã nhiều lần bị té nhào, may sao có nhiều người dân giúp đỡ. Còn vào những ngày trời mưa thì cả tháng mới dám đi bộ về nhà chứ không dám đi xe máy”. Trong số 7 cô giáo ở điểm trường này thì chỉ có cô Hồ Thị Duyên, nhà ở thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) là đã lập gia đình. Vì có con nhỏ, được ưu tiên dạy ở điểm chính nhưng cô vẫn tình nguyện vào Ea Rớt để đi tắt về nhà gần hơn. Cô Duyên tâm sự: “Gia đình tôi neo người, không có ai giữ con nên hằng ngày tôi phải đi, về hơn 80km. Tuy rất vất vả nhưng phải cố gắng thôi chứ biết làm sao được”. Không chỉ đi lại, việc ăn ở và sinh hoạt cũng rất khó khăn. Cô Hồ Thị Mai Lan cho biết mỗi tuần chỉ về nhà một lần, thức ăn chủ yếu là cá khô. Vì đường xa, khó đi, ở đây lại không có hiệu thuốc nên sợ nhất là ốm đau. Cả khu tập thể và những người dân xung quanh dùng chung một cái giếng mà nước rất đục, phải múc để lắng vài hôm mới sử dụng được.
Không điện đồng nghĩa với không ti vi, không điện thoại và cũng có nghĩa là mù tịt thông tin, gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhiều lúc buồn, nhớ nhà, các thầy cô muốn sang thăm những gia đình người Mông bên cạnh trường nhưng họ đi làm suốt ngày, tối thì chưa đến 7 giờ họ đã tắt đèn đi ngủ. Do đó, lúc rảnh rỗi chỉ còn biết ngồi luyện chữ viết, soạn bài, học hát, học tiếng Mông…
Điểm sáng trên “Cổng trời”
Với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô giáo nơi đây, những con chữ bỗng có sức hút kỳ lạ. Thầy Vũ Đình Tùng – Hiệu trưởng Trường TH Cư Pui 2 – cho biết: “Tỉ lệ nghỉ học giữa chừng của các em học sinh điểm trường Ea Rớt rất ít. Tính từ năm học 2010-2011 đến nay chỉ có 5-6 em, chủ yếu rơi vào lớp 4, 5 vì lí do quá tuổi, lớn hơn các bạn trong lớp nên ngại không đến lớp, mặc dù các giáo viên đã nhiều lần đến từng nhà để động viên khuyến khích. Thầy Tùng còn cho biết thêm, các em ở điểm trường Ea Rớt học rất nhanh hiểu bài và tiến bộ hơn nhiều điểm trường có điều kiện thuận lợi, kể cả trường chính gần trung tâm xã.
Quả thật, có trực tiếp đi cùng các thầy cô mới thấy, “gieo” con chữ ở nơi đây vô cùng gian khó, bởi trên vùng cao heo hút, nhiều em cơm chẳng đủ ăn, còn thiếu manh áo, các thầy cô đều xa nhà, có những khó khăn riêng. Thế mà tình yêu học trò đã giúp các thầy cô vượt lên tất cả. Mùa “gieo chữ” mới lại đến, tháng 9, núi rừng Tây Nguyên cái gì cũng đẹp: Sông suối đẹp, cỏ cây, hoa lá đẹp…; người dân tộc ở đây cũng đẹp. Nhưng có lẽ có một cái đẹp khó ở đâu sánh bằng là các thầy cô nơi đây vì sự nghiệp trồng người vẫn không lùi bước trước khó khăn để gieo những hạt mầm tri thức nơi miền quê xa xôi của Tổ quốc.
Nguyễn Thu – Nghiêm Huê
Box: Tối tối, giữa chốn “thâm sơn cùng cốc”, bên ngọn đèn dầu leo lét, các thầy cô lại tất bật bên trang giáo án, nhiều lúc mắt cay xè nhưng cũng phải cố gắng cho xong.

Bình luận (0)