Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Ký ức không thể nào quên

Tạp Chí Giáo Dục

– Đèn điện vụt tắt, hàng loạt tiếng nổ kéo dài như sấm, những đám cháy bùng lên. Sau thời điểm 22h45 phút ngày 26/12/1972, toàn bộ khu phố Khâm Thiên chỉ còn là đống gạch đổ nát. Đứng từ đầu phố có thể nhìn thấy cuối phố vì đã bị san phẳng. Những hình ảnh đó vẫn ám ảnh trong ký ức những người còn sống sau trận bom khốc lửa…

Nỗi đau của người sống

Hơn 30 năm đã qua, nhưng người Hà Nội và người dân cả nước vẫn không quên những sự kiện đã xảy ra trong những ngày cuối năm 1972 ấy. B52 rải thảm Hà Nội. Máu rơi, nhà tan cửa nát. Trong đó, Khâm Thiên là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất.

Mấy ngày này, tượng đài tưởng niệm ở phường Khâm Thiên không ngớt khách đến viếng thăm, thắp hương. Đây là tượng đài tưởng niệm đồng bào ở phố Khâm Thiên đã mất khi bị không quân Mỹ ném bom rải thảm vào 22h45 phút ngày 26/12/1972.

Ông Cầu và ông Tụng bên bức tường nhà ba gian còn lại sau trận bom thảm khốc – Ảnh: Trà My

Có mặt ở đây, chúng tôi được nghe những người còn sống sót sau cái đêm oanh tạc dữ dội ấy kể lại chuyện ngày trước. Giữa cái rét tê tái của những ngày cuối năm, giữa nghi ngút khói hương và những dấu tích còn sót của ngày xưa ấy, ký ức về một thời không thể nào quên làm cả người kể lẫn người nghe không khỏi ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Văn Tụng là một trong số ít người may mắn sống sót sau cái đêm kinh hoàng ấy. Sinh năm 1927, từ năm 1947 cho đến bây giờ, ông vẫn gắn bó với nơi này.

Năm 1972, ông đang làm công nhân Công ty cầu đường Hà Nội. Ông nhớ lại: “22h30 phút đêm 26/12/1972, tôi đang ngồi nghe đài thì có báo động máy bay địch đến. Lúc đấy, tôi cùng 2 con và một cô con dâu nữa ở nhà".

Sau khi bom dội xuống, toàn bộ 27 người trong cái hầm tập thể gần nhà tôi không còn ai sống sót, cả 26 người đều không tìm thấy xác, chỉ có con trai lớn nhà tôi, lúc ấy mới hơn 20 tuổi bị bắn ra ngoài là tìm được xác, vào ngày hôm sau…”.

Đôi mắt đục màu năm tháng của ông ngấn lệ, giọng ông run rẩy khi nhớ lại quá khứ. Theo lời ông kể, vì thúc giục mọi người nên không kịp ra hầm lớn mà ông phải chui ngay xuống cái hầm cá nhân trong vườn nhà, nhưng lại là người may mắn sống sót.

Ba giờ đêm hôm ấy, ông tỉnh dậy mà không nghĩ mình vẫn còn sống, thấy có người đi lại bên trên ông báo động để mọi người cứu mình ra trong đống đổ nát. Trên người chẳng còn một manh áo, phải một thời gian dài ông mới hoàn hồn sau khi chứng kiến tất cả mọi thứ trước mắt mình tan hoang.

Khâm Thiên trong đống đổ nát cách đây 36 năm – Ảnh: Tư liệu
“Không còn một mái nhà, chỉ là đống đổ vỡ và cũng chẳng còn thấy người thân quanh mình đâu. Tôi tìm đến cái gốc cây không còn cành nữa, nhận ra đấy là nhà mình. Không còn gì cả, tan nát hết! Hai vợ chồng con lớn chết, anh họ tôi là Nguyễn Văn Vân ngay sát nhà cùng vợ và 5 con cũng không còn!” – ông kể.

"Ngày xưa nhà tôi là 59B – Khâm Thiên bây giờ là số nhà 21 ngõ Sân Quần, ngay sau đài tưởng niệm” – ông Tụng dắt chúng tôi đi quanh khu nhà mình, chỉ về hai hầm tập thể, một hầm chết 27, một hầm chết 40 người đêm hôm ấy nay đã là nhà cao tầng.

“Khâm Thiên ngày xưa, chỗ này là vườn…” – giọng ông nghẹn ngào. Chỉ hình dung thôi, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt, nữa là ông đã từng trải qua cơn sinh tử và mất một lúc bao người thân.

Mỗi năm một ngày giỗ chung

Ông Nguyễn Văn Cầu năm nay đã 72 tuổi, cũng là một cựu chiến binh kể lại: “Ngày 18/12 địch đánh Yên Viên, 22/12 đánh ga Hàng Cỏ, chiều 22/12 vợ con tôi đi sơ tán đến 25/12 quay trở về nhà vì ai cũng nghĩ ngày lễ Noel giặc sẽ không làm gì, hơn nữa đây là khu dân cư không phải khu quân sự. Thế mà đêm ngày 26 ấy, tôi đi làm từ chiều đến đêm, đang trực tại xí nghiệp in báo Hà Nội mới nhìn về Khâm Thiên giống như một biển lửa.

Khoảng 0h kém 15 phút, máy bay địch gầm rú trên đầu, xung quanh tên lửa pháo cao xạ bắn lên. Rồi nghe loa báo ta đã bắn hạ được B52. Tôi trở về, mới đến ngã tư Khâm Thiên đã thấy dây điện, gạch, ngói ngổn ngang, về đến nhà mọi thứ đều tan hoang chẳng còn gì. Lòng căm thù giặc sục sôi.”

Một góc phố Khâm Thiên bị máy bay B52 hủy diệt – Ảnh: Tư liệu

Sau hôm ấy, ông mất đi vợ, con, em trai cùng hai đứa cháu ruột. Xác vợ ông chỉ còn nửa người, xác đứa con trai mười một tuổi cũng chỉ còn lại cái chân vì ông vẫn nhận ra vết bỏng mới có. Hình ảnh áo quan trải dài khắp phố, nỗi đau mất vợ mất con đầy thương tâm đã hằn sâu vào ký ức ông. Ông chẳng bao giờ có thể quên được.

Ông Cầu nghẹn ngào: “Xung quanh tôi lúc đó mọi người ra sức đào bới với hy vọng tìm thấy xác người thân, nhưng hầu như không thấy. Tiếng khóc cha, khóc mẹ, khóc con cái người thân cứ rền rĩ xung quanh tôi. Xa xa là tiếng máy bay phản lực vẫn tiếp tục ném bom xuống ngoại thành Hà Nội. Tôi đưa xác vợ vào quan tài, không có gì để khâm liệm. Nhìn hàng chục chiếc quan tài do Nhà nước mang đến để chôn cất những nạn nhân, lòng tôi đau thắt!”.

Gần 50 tấn bom rải thảm vào đêm 26/12 làm 287 người chết, (trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới), 280 người bị thương (26 cụ già, 31 trẻ em, 104 phụ nữ, 129 nam giới), phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà và làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà khác… Hàng năm, ngày 26 là ngày giỗ trận của bốn phường Thổ Quan, Khâm Thiên, Văn Chương, Trung Phụng
Cái chết đã là một sự đau đớn, mất mát quá lớn, cái chết không nguyên vẹn về thể xác, và bao gia đình không tìm được xác người thân lại càng xót xa. Những ngày này, chẳng đêm nào ông Cầu ngủ được vì những mất mát, những hình ảnh đau thương cứ ảm ảnh trong từng suy nghĩ…

“Từ ngày 26/12, tôi vẫn kiên trì trực chiến tại trận địa không về nên ai cũng nghĩ chắc tôi đã chết. Đến 30, các đồng chí lãnh đạo khuyên tôi về nghỉ lấy tinh thần, lúc ấy về quê mọi người mới biết tôi còn sống. Trận đánh ác liệt ấy đã làm cho người thân không thể gặp nhau, cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em…những đau thương chất chồng. Tết năm ấy, Khâm Thiên là một đống đất vụn. Ký ức ấy sẽ chẳng thể bao giờ tôi quên được và cả đời con cháu tôi cũng phải ghi nhớ!” – ông kể.

Theo lời ông Nguyễn Duy Tiến, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Khâm Thiên, đài tưởng niệm được xây trên ba gian nhà cấp 4 của dãy nhà ngày xưa trên phố. Tại ngôi nhà này có 9 nạn nhân, trong đó có một cô gái là công nhân đường sắt cùng đứa con 8 tháng tuổi.

Năm 1975, bức tượng đồng được dựng lên là hình ảnh người mẹ bế đứa con đã mất biểu hiện lòng căm thù giặc. Đến khi kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (năm 2002) thì chính quyền dựng một bức tượng bằng bê tông và vẫn giữ nguyên bản hình ảnh cũ, bức tượng bằng đồng được chuyển vào phòng trưng bày cạnh đó.

Đài tưởng niệm nạn nhân đã hy sinh trong 12 ngày đêm bão lửa tại phố Khâm Thiên, Hà Nội – Ảnh: Trà My

Nhìn lại những tấm ảnh trong phòng trưng bày về khung cảnh hoang tàn, đổ vỡ của Khâm Thiên 35 năm về trước, hình ảnh những nạn nhân – những đứa trẻ mới 2,3 tuổi, những chàng trai cô gái ở độ tuổi đôi mươi, ảnh mẹ bế con, ảnh vợ chồng mới cưới… những nạn nhân xấu số đã không còn trong đêm hôm ấy ai cũng tiếc thương.

Trong nghi ngút khói hương, những giọt nước mắt không cầm được của những người cựu chiến binh năm xưa làm khách viếng thăm cũng nghẹn ngào. Di chứng của chiến tranh là nỗi đau theo họ đi suốt cuộc đời còn lại.

Giờ phố phường đã đổi khác, vẫn có những người gắn bó với nơi này từ 36 năm trước và hơn thế. Những bức tường gạch của gian nhà ba gian năm xưa xung quanh đài tưởng niệm vẫn còn đó, nhắc nhớ về một thời đau thương nhưng anh hùng của dân tộc.

Ngày 21/11 âm lịch hàng năm (tức ngày 26/12/1972), cả Khâm Thiên hầu như nhà nào cũng có giỗ. Họ cùng nhau tưởng nhớ về những người đã ra đi sau loạt B52 dữ dội, cùng nhau ôn lại ký ức một thời đau thương và nhìn lại sức sống mãnh liệt của mỗi con người, mỗi gia đình và đất nước.

Trà My (Theo VNN)

Bình luận (0)