Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Công nhân – nỗi niềm mùa tết – Bài 1:

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm trước, giáp tết là thời điểm công nhân phải vắt chân lên cổ mà chạy tăng ca. Kiệt sức, cực khổ nhưng có thêm tiền sắm tết, gửi về quê cho mẹ, cho em, sắm cho mình chiếc áo mới…

Năm nay, gần tết vắng tanh. Không những phải giãn việc, giãn ca, thu nhập thấp mà rất nhiều công nhân còn mất việc làm. Cái tết càng cận kề càng tăng thêm nỗi lo.
Tết cận kề, nghề bấp bênh
Tết đến gần, nhưng với những bạn trẻ xa quê làm công nhân ở TP.HCM vẫn chưa có nỗi nôn nao xuân mới mà là bao thắc thỏm nỗi lo thu nhập, việc làm, tiền tàu xe và cả nợ nần..






Normal
0


false
false
false







MicrosoftInternetExplorer4







Công nhân một số công ty tại Khu chế xuất Linh Trung 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM vừa lo lắng lương thưởng tết năm nay “eo sèo” vừa lo khả năng bị mất việc.

Những ngày này, quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN)TP.HCM không khí không chộn rộn, nóng lên với những đợt tăng ca như lệ thường. Tất cả bỗng nhiên lừ đừ…

Mua con cá, mớ rau đều phải cân nhắc kỹ. Trong ảnh: công nhân Công ty Pou Yuen, Q.Bình Tân, TP.HCM đi chợ chuẩn bị bữa cơm tối sau giờ tan ca (ảnh chụp chiều 31-12-2008) -Ảnh: Minh Đức

 Tầm 15g, KCX Linh Trung 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức vắng vẻ. Mấy tháng cuối năm 2008, nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn đã ngưng hoạt động, giải thể, những DN còn lại thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Đời sống công nhân vì thế cũng vật vờ theo “sức khỏe” của các công ty.
Giảm ca, giãn việc
“Mấy tháng nay tăng ca chỉ được 1-2 ngày. Từ tháng 11, công ty không có đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hưởng 70% lương” – Thúy Hà, công nhân ở KCX Linh Trung 2, cho biết. Hà cho hay do không có việc, mỗi tổ mười người cứ xoay tua, năm người nghỉ, năm người đi làm, làm được ngày nào hay ngày nấy.
“Công ty ra thông báo cuối tháng sẽ giải thể bộ phận của em. Sắp tết, về quê cũng dở mà ở lại cũng không xong” – Thắm, công nhân của một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại KCX Linh Trung 1, lo lắng. Ông Nguyễn Thanh Tùng – giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Hepza – cho biết công ty trên đã nhờ trung tâm giới thiệu việc làm cho mấy trăm công nhân của công ty bị mất việc.
Ông Trịnh Hiểu Quân – giám đốc hành chính Công ty TNHH Kollan VN, KCX Linh Trung 1 – cho biết các đơn đặt hàng chủ yếu ở Mỹ nên thời điểm này đơn hàng của công ty bị giảm 50% so với năm 2007. Trước tình hình đó, công ty đã ngưng tuyển công nhân từ tháng 9. Mỗi tháng giảm 300 người do xin nghỉ nhưng ông Quân cho biết công ty vẫn không tuyển thêm người. 
Hùng – công nhân xưởng PVA Công ty Freetrend, Linh Trung 2 – cho biết từ tháng 3 đến tháng 8, anh phải nghỉ hưởng 75% lương, “còn bây giờ thì có ngày chỉ làm nửa buổi rồi nghỉ” – Hùng thở dài. Vào dãy nhà trọ đối diện cổng KCX LinhTrung 2, một nhóm nam công nhân ngồi đánh bài. Hỏi chuyện việc làm, ai cũng ngán ngẩm: “Công ty cho ngừng việc”.
Về thì dở, ở gian nan
Ngoài những công nhân mất việc đang tìm việc làm mới, những công nhân ngừng việc đều không muốn tìm việc. Đa số công nhân bày tỏ: trong tình cảnh này không biết việc mới có ổn định hay không. “Cứ hưởng lương ngừng việc qua tết xem tình hình sao rồi tính tiếp” – Thu Thủy, công nhân công ty Y ở KCX Linh Trung 2, nói.
Dung – công nhân công ty K, KCX Linh Trung 1 – mất việc hai tháng nay, ở chung phòng với Hà, đang thu dọn đồ đạc. Tiền trợ cấp mất việc chỉ đủ xài hơn một tháng, chủ trọ chỉ cho nợ tiền phòng trọ một tháng, sau đó Dung phải chuyển sang nhà Hà “ở ké”. Ở khu phòng trọ này từ ba tháng nay, có hơn 30 người tranh thủ về quê sau khi nhận trợ cấp thôi việc, mất việc vì sợ xe đò gần tết tăng giá.
Cũng như Dung, nhiều công nhân phải chọn giải pháp “ở ké” trong hoàn cảnh ngặt nghèo này. Nhưng nhiều chủ nhà trọ chỉ cho công nhân ở 2-3 người/phòng. Trường hợp thêm người sẽ phải đóng thêm 50.000-100.000 đồng/người. 
Dù có lương nhưng hầu hết công nhân phải vay mượn tiền xoay vòng của nhau để cầm cự qua ngày. Vừa nhận lương nửa tháng 12, Hồng – công nhân Công ty Dae-Heung Vina – ngồi chia tiền thành nhiều xấp để trả nợ. “Trả xong nợ, em chỉ còn 300.000 đồng đến hết tháng” – Hồng nói. Xòe bàn tay chai sần, nhìn mấy đồng xu 2.000 đồng, 5.000 đồng, Mai Hoa, công nhân công ty D, ngại ngần: “Tiền xu của con heo đất, hai tuần nay chưa xin được việc, kẹt quá nên đập ống heo xài đỡ”.
Đảo quanh chợ tự phát trước KCX Linh Trung 2, giá các mặt hàng vẫn không giảm. Một bó rau muống có giá 2.000 đồng. Một nhóm công nhân cùng phòng trọ cứ đắn đo hết sạp hàng này đến sạp hàng khác để so kè từng giá. Kết thúc cuộc so kè ấy, trong bịch nilông chỉ có mấy miếng đậu phụ, một nhúm thịt ba rọi và một bó rau lớn. Thu Hoài, một trong những công nhân trên, nói: “Chừng này bốn người bọn em ăn được cả ngày”. 
Không biết tết này sẽ sống ra sao? Đó là tâm trạng chung của người công nhân xa xứ. Nhưng dường như nỗi lo miếng ăn hằng ngày cùng nỗi lo mất việc đang choán hết tâm trạng nôn nao đón Tết hằng năm của công nhân. “Về cũng dở mà ở cũng gian nan”, lời tâm sự của Thúy Hà đắng nghét.
Cắt giảm lao động gia tăng
Ông Nghiêm Phú Sơn, phó giám đốc Công ty Sambu Vina Sport, lý giải việc vừa cắt giảm trên 220 lao động là do công ty đã hết đơn hàng. “Từ tháng 10 đến nay chỉ làm 8 giờ/ngày. Phải bắt buộc giảm lao động là điều không mong muốn của công ty nhưng chúng tôi đang cố gắng tìm thêm đơn hàng để giữ người lao động”.
Ông Lâm Văn Tiếp, phó ban quản lý các KCN-KCX TP, cho biết số lao động bị cắt giảm ngày càng nhiều, nhiều công ty đã giãn, giảm giờ làm hoặc cho công nhân ngừng việc hưởng lương. Hiện số công nhân mất việc hẳn trong khu trên 1.000 người. Ông Phạm Minh Huân, vụ trưởng Vụ Lao động – tiền lương Bộ LĐ-TB&XH, dự báo sau tết nhiều DN sẽ ồ ạt cho công nhân nghỉ việc hoặc cho công nhân nghỉ tết dài ngày.
 
TRUNG CƯỜNG
Hãng xưởng khó khăn, công nhân mất việc
Ngay sau khi nhận được phần lương còn lại của tháng 12-2008, sáng 28-12, 80 công nhân (CN) Công ty Thoại Kỳ (quận Bình Tân, TP.HCM) đã tranh thủ mua vé xe về quê. Với số tiền vài trăm ngàn mỗi người, nếu họ không sớm về quê thì đến cận tết họ sẽ không còn tiền để về. Trước đó ngày 18-12, công ty tuyên bố đóng cửa.

Được làm việc 8 giờ/ngày là mong ước của nhiều công nhân hiện nay (ảnh chụp tại Công ty TNHH Yesumvina, KCX Linh Trung 2) – Ảnh: TR.C.

 Đầu tháng 10-2008, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành may mặc, giày, gỗ… trong quận Bình Tân đã có dấu hiệu khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cố sản xuất cầm chừng để giữ việc cho CN và cũng là chờ tiền từ khách hàng nước ngoài, nếu đóng cửa sẽ khó đòi được nợ. Tuy nhiên tình hình này không kéo dài được lâu. Đầu tháng 11, Công ty B/S tuyên bố ngừng sản xuất, cho 365 CN nghỉ việc, Công ty Silver Star cũng cho 110 CN nghỉ việc. Tiếp đến là 440 CN Công ty Sunrising Vina mất việc. Rồi hàng trăm CN Scanviwood cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Còn tại huyện Củ Chi, tình hình không sáng sủa hơn. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa cùng lúc làm đời sống CN lâm vào tình trạng khó khăn. Đầu tiên là Công ty Hoàn Cầu (chuyên may túi xốp), đóng cửa, CN chưa kịp tìm việc mới thì đến Công ty Yến Phong đóng cửa. Danh sách này ngày càng dài: Công ty Huynh Đệ Tề Hùng, Công ty liên doanh Quán Hảo, Bình Minh… Tình hình ngày càng tệ hơn khi tiếp theo đó nhiều quận, huyện khác như: Hóc Môn, Gò Vấp, quận 8… cũng xảy ra hàng chục vụ doanh nghiệp đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ doanh nghiệp.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, trước nay được xem là khu vực sản xuất tương đối ổn định nhưng chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất cho CN nghỉ chờ việc, thậm chí mất việc.
Không chỉ TP.HCM mà tỉnh Long An cũng diễn ra tình trạng tương tự, hàng chục doanh nghiệp đóng cửa, hàng ngàn lao động mất việc. Vừa qua, khoảng 400 CN Công ty Hán Vũ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bị mất việc. Toàn bộ tiền lương của CN vẫn chưa được thanh toán trong khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Cùng thời gian này, các doanh nghiệp giày Thịnh Vượng, Bethel Vina, 3 H Vina… cũng thông báo cắt giảm lao động. Tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, một số doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động bởi tình hình sản xuất quá khó khăn.
Đến cuối tháng 12-2008, tỉnh Bình Dương đã có 26 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động. Tổng số CN bị mất việc đến nay đã lên đến gần 3.000 người. Nhiều doanh nghiệp khác chỉ sản xuất cầm chừng 1-2 ngày mỗi tuần, hàng ngàn CN làm việc kiểu này có thu nhập không đáng kể.
Theo số liệu báo cáo về Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đến nay đã có 60 doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp sản xuất, gần 7.000 CN mất việc, chờ việc.
HỒ VĂN
Theo TTO

Bình luận (0)