Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo động tình trạng HSSV vi phạm pháp luật

Tạp Chí Giáo Dục

5 trong số 6 đối tượng trước vành móng ngựa là sinh viên đã dùng tiền giả để mua sim điện thoại bị đưa ra xét xử tại Hà Nội. Ảnh: I.T

Tình hình đảm bảo an ninh, trật tự trường học đã có nhiều bước tiến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV cần phải được quan tâm trong thời gian tới. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo tập huấn công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học và công tác HSSV năm học 2014-2015 do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ Công an tổ chức.
Dễ bị lôi kéo
Năm 2009, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (thông tư 34). Từ năm 2009 đến nay, sự đổi mới, hội nhập, phát triển về kinh tế, xã hội và sự bùng nổ về công nghệ thông tin kéo theo những mặt trái tiêu cực đã tác động vào trường học. Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT, một bộ phận lớn cán bộ, giáo viên (CBGV) và HSSV hiện nay đều có bản lĩnh chính trị, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, số SV phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày một tăng. Tuy nhiên, tình hình tư tưởng – chính trị trong một số trí thức, giảng viên, đặc biệt là HSSV ngày càng có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố ảnh hưởng đến an ninh, chính trị nội bộ. Dấu hiệu “tự diễn biến” mà nguyên nhân là do tác động của các thế lực thù địch, mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực xã hội đã dẫn đến một bộ phận HSSV nhận thức mơ hồ về chính trị, thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có lời nói, bài viết nội dung xấu công khai trên mạng internet. Điển hình là Từ Anh Tú, SV Trường CĐ Y tế Thái Nguyên viết đăng tải nhiều bài viết trên blog cá nhân có nội dung xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, dán tờ rơi kích động người dân và SV đấu tranh chống chế độ. Hay như Nguyễn Phương Uyên, SV Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM bị lôi kéo tham gia tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước”, có hoạt động rải truyền đơn với nội dung chống Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, theo thống kê, từ năm 2009 đến nay cả nước cũng đã có 30 vụ việc kích động, tham gia biểu tình mang màu sắc chính trị tập trung ở các thành phố lớn liên quan đến HSSV. Điều đáng lưu ý là HSSV tại các vùng dân tộc thiểu số thường dễ bị lôi kéo tham gia hoạt động tuyên truyền về cái gọi là Nhà nước người Mông, Nhà nước Đề Ga, Nhà nước Chăm gây phức tạp an ninh, chính trị tại một số địa phương các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.
5 năm 8.000 vụ HSSV vi phạm pháp luật
Đối với vấn đề HSSV vi phạm pháp luật, ông Ngũ Duy Anh cho biết tình hình HSSV phạm pháp tiếp tục gia tăng cả về tính chất, mức độ lẫn sự nghiêm trọng của các vụ việc. Các nguyên nhân dẫn đến phạm pháp của HSSV rất đơn giản như thiếu tiền chơi điện tử, chat, ăn chơi, đua đòi. Thống kê chưa đầy đủ thì từ năm 2009 đến nay, tổng số HSSV liên quan đến pháp luật hình sự trên 8.000 vụ việc, trong đó, gây rối trật tự công cộng là 935 vụ, tội phạm ma túy là 357 trường hợp, giết người 37 vụ, cướp, trộm cắp tài sản là 6.000 vụ… Cũng theo ông Ngũ Duy Anh, bạo lực học đường tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Từ năm 2010 đến nay đã có tới 7.735 HSSV tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Tệ nạn ma túy trong HSSV diễn biến phức tạp, số liệu tăng, giảm theo từng năm. Theo điều tra của liên ngành giáo dục – công an thì  năm 2010 có 538 HSSV, năm 2011 có 350 HSSV, năm 2012 có 159 HSSV, năm 2013 có 296 HSSV vi phạm tệ nạn ma túy. Đáng chú ý, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy đá đang có xu hướng tăng mạnh tại các thành phố lớn. Tình trạng đánh bạc trong ký túc xá đã được ngăn chặn, đẩy lùi do sự quản lý chặt chẽ của các nhà trường nhưng HSSV ở ngoại trú chơi lô đề, cá độ bóng đá, đánh bạc rất khó kiểm soát. Đã có những trường hợp quá đam mê lô đề dẫn đến bỏ học, tham gia trộm cướp.
Tình trạng CBGV phạm tội, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành. Cá biệt có những vụ việc nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, buôn bán ma túy, tống tiền, cưỡng dâm trẻ chưa thành niên, khủng bố đồng nghiệp bằng tin nhắn. Theo thống kê, hiện nay còn khoảng hơn 100 GV vi phạm tệ nạn ma túy, trong đó có 14 GV phạm tội buôn bán, tàng trữ ma túy bị xử lý hình sự và theo báo cáo của 38 sở GD-ĐT, 312 trường ĐH, CĐ và TCCN thì trong giai đoạn có 9 CBGV phạm tội giết người, 12 CBGV cướp tài sản, 8 CBGV phạm tội hiếp dâm. Đáng chú ý, gần đây xảy ra một số vụ việc cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức của một vài CB, nhà giáo như dùng uy thế để cưỡng dâm HS, quấy rối tình dục, tống tiền, gạ tình HSSV, các trường đã xử lý, kỷ luật 13 CBGV có hành vi quấy rối tình dục HSSV. Hiện tượng CBGV tham nhũng, ăn tiền của HSSV để làm sai lệch kết quả thi, kiểm tra vẫn còn xảy ra.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng vi phạm pháp luật của HSSV, CBGV, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã nhìn nhận các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó có tình trạng chất lượng triển khai thông tư 34 ở một số địa phương nhà trường chưa cao, có nơi mang tính hình thức. Quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ ngành công an, giữa công an với ngành giáo dục và các cơ quan chức năng đôi khi thiếu chặt chẽ, có tình trạng khép kín hoặc việc trao đổi thông tin chưa đáp ứng yêu cầu thời gian nên hiệu quả công tác còn hạn chế. Công tác kiểm tra, nắm tình hình giải quyết các điểm nóng, tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến HSSV ở một số địa phương chưa được triển khai thường xuyên. Chính vì vậy, trong thời gian tới, liên Bộ Công an, Bộ GD-ĐT thống nhất ban hành thông tư liên tịch mới thay thế thông tư 34 quy định toàn diện về công tác phối hợp giữa hai ngành công an và giáo dục nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ GD-ĐT.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)