Những năm gần đây, hiện tượng cha mẹ đổ xô cho trẻ đi học trước thềm lớp 1 khá phổ biến xuất phát từ tâm lý nhiều trẻ vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo mà con mình không biết chữ thì sẽ không theo kịp các bạn. Khi đó, không những cô giáo chê phụ huynh không quan tâm tới con mà còn gây tâm lý căng thẳng, sợ hãi tới trường của các bé. Thế nên, dù có quy định cấm dạy chữ, học thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 nhưng chẳng phụ huynh nào đủ can đảm “nói không” với việc không mang trẻ đi… rèn chữ.
Bắt kịp xu thế của “thượng đế”, hiện nay không ít trường tư thục “hồn nhiên” dạy chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo lớn. Chúng tôi tới Trường Mầm non tư thục Khánh Linh – Mai Động (Hà Nội) vào một buổi chiều giữa tháng tư, khi các ông bố bà mẹ đang hoan hỉ đón những đứa trẻ 5-6 tuổi của mình. Ở đây, khi trẻ bắt đầu vào mẫu giáo lớn sẽ được học song song hai chương trình: sáng học mầm non, chiều học chương trình lớp 1. Chị Nhung, một nhân viên đào tạo ở đây cho biết: Không giống với các trường mầm non công lập khác, để đáp ứng mong mỏi của các bậc phụ huynh, các con phải học giỏi khi vào lớp 1, nhà trường đã tuyển các cô giáo có trình độ mầm non và tiểu học để dạy cho các bé mẫu giáo lớn mà không phải vất vả thuê giáo viên tiểu học từ các trường khác. Hiện nay nhà trường có 70 cháu mẫu giáo lớn đã đọc thông, viết thạo và làm toán gần xong chương trình sách giáo khoa lớp 1. Khi học ở đây, các bé sẽ không cần tham gia thêm bất cứ lớp luyện chữ nào, chương trình sẽ kéo dài cho tới khi các bé bước chân vào lớp 1, đến hè nếu bé nào có nhu cầu nghỉ nhà trường không bắt buộc.
Chị Trang, một phụ huynh cho biết, vì thuộc khu vực “trường làng” nên học phí ở đây cũng tương đối dễ thở, chỉ chưa đầy 1 triệu đồng/tháng nhưng bé nhà chị đã làm được những phép tính đơn giản và đọc sách, báo làu làu. Chị cho rằng, chương trình như vậy là hoàn toàn phù hợp và hiệu quả, gia đình sẽ đỡ vất vả đi tìm và đưa đón con tới những lò luyện hoặc những lớp học thêm ở nhà cô chật chội… Tôi hỏi chị, học trước như vậy, khi vào lớp 1 liệu trẻ có còn hứng thú học và sẽ chủ quan vì mình đã biết rồi? Chị cười: Cũng thương bé vì chịu áp lực học hành từ quá sớm, nhưng học rồi, học nữa có gì là thừa đâu…
Không có “cửa” học thêm ở trường, chị Ngân có con đang học tại Trường Mầm non Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội đã đến tận trường tiểu học, nơi bé nhà chị sẽ bước vào học lớp 1 trong tháng 9 tới để tìm thầy cho con. Từ sau Tết, bé Hùng nhà chị được đưa đến nhà cô giáo học 2 buổi/ tuần vào tối thứ tư và chiều chủ nhật với mức học phí là 50.000đ/ buổi. Chị cho biết, sau một thời gian “mò mẫm” đã biết được cô giáo này dạy tốt ở trường nên chị cho con đến học trước và cũng có ý định sau này sẽ xin cho con vào lớp cô chủ nhiệm. Ngoài hai buổi học “phụ đạo trước lớp 1”, tối nào chị cũng bắt con phải học 1 giờ trước khi đi ngủ. Giờ bé Hùng đã đọc thông viết thạo và chị còn rất tự hào vì “chữ cháu đẹp lên trông thấy”.
Và… “chơi” với cô giáo tiểu học?
Không ít phụ huynh ở Trường Mầm non 20/10 – một trường điểm của thành phố – phản ánh: Từ sau Tết, nhà trường có tổ chức lớp “Hành trang vào lớp 1”, được tổ chức 2 ca vào sáng thứ bảy hàng tuần. Cô giáo đầu tiên là giáo viên dạy giỏi của Trường Tiểu học Thăng Long nhưng có lẽ vì cô quá nghiêm khắc khi rèn chữ cho các bé mẫu giáo vốn chưa quen với nề nếp của… “sinh viên” lớp 1 nên các bé sợ và không mấy hứng thú. Hiện nay, cô thứ hai đang đứng lớp này là giáo viên ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Cô giáo này thì dịu dàng, nhẹ nhàng hơn…
Lý giải cho việc tổ chức lớp học trong nhà trường, bà Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hàng năm, cứ vào học kỳ 2 của lớp mẫu giáo, nhà trường lại “vơi” đi 1-2 lớp học do phụ huynh xin nghỉ cho con ra học tư thục hoặc đi luyện chữ trên Cung Thiếu nhi. Do đó, một số phụ huynh không muốn cho con “tốt nghiệp” mẫu giáo sớm, nên nhà trường đã tổ chức lớp “Hành trang vào lớp 1”, để các bé vẫn được vui chơi đúng độ tuổi đồng thời được tiếp cận với các cô lớp 1 để làm quen với phong cách, nề nếp như tư thế ngồi, cầm bút, mở vở… Theo bà Hòa, thực chất là trẻ được “chơi” với cô lớp 1 và làm quen với vở kẻ ly, kết hợp với chữ cái chứ không dạy trước chương trình. Vả lại, giáo viên nhà trường mời đã từng đạt giải Viên phấn vàng của thủ đô nên trẻ được làm quen với những chuẩn mực, chứ không như trước đây, khi chưa có quy định cấm dạy thêm, học thêm và làm quen với 24 chữ cái ở trẻ 5 tuổi, các cô giáo mầm non không thể có chuyên môn cao như các cô tiểu học nhà trường mời.
Có thể nói rằng việc cấm thì cứ cấm còn dạy thì cứ dạy như hiện nay tại Hà Nội là do “cầu” nhiều. Trong khi đó, tại hội nghị giao ban vùng 7 được tổ chức tại TP.HCM ngày 31-3 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu lãnh đạo 5 sở GD-ĐT thành phố trực thuộc TƯ (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng) cần kiên quyết chấm dứt hiện tượng dạy chữ trong hè ở bậc mầm non.
Thiên Lam
Bình luận (0)