Từ cái chết của họa sĩ già, đến sự hồi sinh cuộc sống một cô gái sau khi hoàn thành bức họa kiệt tác – vẽ một chiếc lá không bao giờ rơi – đã đẻ ra bao nhiêu tầng ý nghĩa thú vị…
Một tiết học môn văn của học sinh THPT (ảnh minh hoạ). Ảnh: Anh Khôi |
1. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mỹ O.Hen-ri từ lúc ra đời đến nay luôn có mặt trong những lần tuyển chọn các truyện ngắn hay thế giới. Và được đưa vào chương trình phổ thông từ lâu. Sức hấp dẫn của truyện gợi ra từ sự lung linh của nghệ thuật, lấp lánh của nội dung và ngập tràn tính nhân văn, nhân bản… Bài viết dưới đây khai thác một trong những khía cạnh tạo nên sức hấp dẫn ấy: Một niềm tin trong sáng tạo nghệ thuật.
Đầu tiên là việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm. Thế giới nhân vật trong truyện khép kín và ít ỏi. Ngoài vị bác sĩ khám bệnh, thì ba nhân vật chính của truyện là những họa sĩ. Gồm cả hai thế hệ già và trẻ: Ông già Bơ-men, người đã xế bóng cuộc đời ngụp lặn trong những thất bại về nghệ thuật; Giôn-xi và Xiu-đi, những họa sĩ trẻ mới bắt đầu tìm vị trí cho mình. Lựa chọn và xây dựng nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu khi thai nghén tác phẩm. Nó thể hiện chủ ý sáng tác của tác giả. Xây dựng hệ thống nhân vật như thế, O.Hen-ri muốn làm cơ sở cho việc thể hiện chủ đề câu chuyện. Nhân vật sống, hoạt động, suy nghĩ, đối thoại… đều trên một nền tư tưởng nhất định. Mà ở đây cảm hứng sáng tạo, hay niềm tin sáng tạo là yếu tố quan trọng trong hệ tư tưởng nhân vật. Với công việc tay chân, người thợ xây có thể xây những công trình của mình bằng các tâm trạng khác nhau. Song người nhạc sĩ không thể diễn tả những nốt nhạc hoành tráng, khoáng đạt bằng tâm trạng buồn ủ dột của mình. Không có cảm hứng sáng tạo và niềm tin thì không thể có nghệ thuật với đỉnh cao của nó.
2. Cảm hứng sáng tạo thực sự đã tắt lịm trong các họa sĩ này. O.Hen-ri đã miêu tả cụ thể các hoàn cảnh làm tiền đề cho sự tắt lịm đó: Hoàn cảnh khách quan và hoàn cảnh chủ quan (nhân tố chủ quan). Hoàn cảnh khách quan là khu “kiều dân” khổ sở, khắc nghiệt đang bị hoành hành bởi một căn bệnh của “gã viêm phổi” – theo như cách nói của khu này: “Không có tư cách cao thượng của một hiệp sĩ thời xưa”.
Hoàn cảnh khách quan hẹp là thế, rộng hơn là sự ngột ngạt của cuộc sống xã hội Mỹ đối với tầng lớp người nghèo khổ lúc bấy giờ. Con người bị lệ thuộc và chi phối hoàn toàn vào hoàn cảnh, bị đẩy vào tình thế nguy kịch. Người ta khó có thể sống thanh tao với nghề của mình một cách đúng nghĩa. Nổi tiếng và đầy tài năng như bác Bơ-men cũng chỉ đáng ngồi làm mẫu cho những bức tranh quảng cáo. Đầy nhiệt huyết như Xiu-đi cũng buộc phải hành nghề bằng cách vẽ minh họa cho một số trang sách báo nhảm nhạt… Hoàn cảnh khách quan làm tiền đề cho nhân tố chủ quan. Đây là tâm lý con người. Bi kịch tâm lý này được ngụ ý dưới một trạng cảnh: Căn bệnh của Giôn-xi. Thật sự là Giôn-xi đang rơi vào tình huống mất hết nghị lực và cảm hứng sáng tác. Những niềm tin, những ước mộng được làm những gì to tát giờ đã chết gục trước sự khắc nghiệt của cuộc sống. Những mầm xanh của nghệ thuật bị thui chột dưới cái nắng trời ác quái của mưu sinh. Căn bệnh của Giôn-xi chỉ là dụng ý của tác giả về tinh thần hơn là sinh lý. Hãy nghe lời đối thoại đầu tiên của truyện giữa vị bác sĩ và Xiu-đi: “Cô ấy mười phần chỉ sống nổi, chúng ta hãy nói là một thôi. Và một phần đó còn tùy ở cô ta muốn sống hay không…”. Câu hỏi tiếp theo của vị bác sĩ làm dụng ý của tác giả rõ hơn một chút: “Cô ấy có điều gì vương vấn trong đầu không nhỉ?”. Và Xiu-đi đã trả lời: “Cô ấy… cô ấy muốn một ngày nào đó sẽ vẽ bức tranh về vịnh Na-plơ”.
3. Có thể nói, từ khi bước chân vào khu nhỏ phía tây quảng trường Washington lộn xộn và đầy khắc nghiệt này, Giôn-xi đã tắt hẳn niềm tin sáng tạo. Ước mơ được vẽ vịnh Na-plơ bây giờ lại như đèn dầu treo trước bão. Nhân tố khách quan là căn bệnh viêm phổi, cả sự phũ phàng của những chiếc lá ngoài ô cửa cứ vô tình rơi bởi sự khắc nghiệt của tiết trời. Nhưng nhân tố chủ quan là nghị lực, ý chí của con người – Giôn-xi có đủ nghị lực và niềm tin hay không để vượt lên hoàn cảnh mà đạt được ước mơ về sáng tạo nghệ thuật.
O.Hen-ri tên thật là William Sydney Porter, ông sinh ra tại Greenboro, Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, O.Hen-ri từng xuất bản 10 tập truyện ngắn với khoảng 600 truyện, trong đó có các truyện được nhiều người yêu thích như Món quà của các nhà hiền triết, Căn gác xép, Chiếc lá cuối cùng… |
Kịch tính dâng đến đỉnh điểm. Cái chết của Giôn-xi ngày một gần hơn. Nhưng đến cuối truyện, tình thế lại đảo ngược hoàn toàn. Một ông già gầy yếu, mang trong mình mầm bệnh viêm phổi, đã lắm phen thất bại chua chát trước nghệ thuật, đã chứng minh cho một chân lý: Con người có thể bị hoàn cảnh chi phối chứ nhất định không chịu đầu hàng hoàn cảnh. Sự sống sẽ hồi sinh nếu con người còn nghị lực. Giá vẽ căng sẵn đầy bụi nhặng giờ đã có những nét màu để lưu lại trần thế kiệt tác: Một chiếc lá không rơi. Nếu đặt nhân vật ông già Bơ-men và Giôn-xi trong tương quan so sánh sẽ thấy sự nghịch đối: Một người đã qua xế bóng cuộc đời, mang trong mình mầm bệnh, nhưng được tự chữa chạy bằng liều thuốc tinh thần, nên đã đạt được mục đích, ước mơ. Một người trẻ tuổi, nhưng lại đổ bệnh trầm trọng vì do thiếu nghị lực, đuối tinh thần. Thì ra con người ta sống được là ở tinh thần chứ không phải thể xác. Mà niềm tin chính là phương thuốc hữu hiệu nhất nuôi dưỡng ước mơ và xua tan bệnh tật. Một kiệt tác ấp ủ bấy lâu đã được thực hiện. Một chân lý đã được kiểm chứng. Bác Bơ-men đã hoàn thành một “món nợ” để trả cho đời bằng chính tình thương của mình với Giôn-xi. Bởi không ít những lần ông cụ đã thốt lên trong tác phẩm: “Tội nghiệp con bé!”.
4. Từ niềm tin sáng tạo này, truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng đã đem đến cho người đọc những thông điệp triết lý vô cùng ý nghĩa: Con người còn niềm tin khi còn tình thương lẫn nhau. Và niềm tin muốn tồn tại, có giá trị phải vì nhân sinh, vì con người. Chỉ có con người mới tạo ra niềm tin, nuôi dưỡng nó và thực hiện nó. Điều quan trọng nhất là: Người này muốn tạo niềm tin cho người khác hiệu quả nhất là chứng tỏ niềm tin của chính bản thân mình.
Bức tranh chiếc lá cuối cùng không chỉ đơn thuần là đã vẽ giống như thật một chiếc lá không bao giờ rơi. Vì đã là lá, lại đúng mùa phải rụng thì tất sẽ rụng. Điều hiển nhiên ấy chắc hẳn Giôn-xi thừa hiểu và sẽ làm cho cô tuyệt vọng hơn. Cho nên đằng sau chi tiết ấy là cả một dụng ý nghệ thuật của tác giả: Trong tình huống kiệt cùng, con người vẫn có thể làm chủ được tình thế bằng chính niềm tin vào bản thân.
Cái chết chỉ là sự ra đi. Còn niềm tin thì ở lại mãi mãi. Đã có một sự sống đang trỗi dậy từ cái chết. Tình thương và niềm tin của ông già Bơ-men là tấm gương nghị lực để vực Giôn-xi đứng lên từ căn bệnh. Trong truyện, O.Hen-ri đã thể hiện niềm tin đó qua chi tiết cuối của tác phẩm, khi Giôn-xi nói với Xiu-đi: “Xiu ạ, một ngày nào đó em hy vọng được vẽ vịnh Na-plơ!”.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)