Vừa qua, tại Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống dịch tại khu vực phía Nam năm 2011 và kế hoạch hoạt động năm 2012. Tại đây, các chuyên gia y tế dự báo, năm 2012, Việt Nam tiếp tục đương đầu với nhiều dịch bệnh. Trong đó phải kể đến dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH).
Trên 180 ngàn ca TCM và SXH
Ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết: “Năm 2011, tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như Việt Nam khá phức tạp. Trong đó nổi lên là dịch bệnh TCM, Trung Quốc có 1.340.259 ca, Nhật Bản – 373.266 ca. Còn Việt Nam, các trường hợp mắc bệnh xuất hiện ở cả 63 tỉnh, thành với 112.370 ca, trong đó có 169 ca tử vong. Bệnh SXH, cả nước ghi nhận 70.999 ca, với 61 ca tử vong. Trong đó, khu vực phía Nam chiếm 87% (60.418 ca) số mắc và 96,7% (59 ca) số tử vong…”.
Chỉ riêng ở khu vực phía Nam, ông Lê Hoàng San – Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: “Năm 2011, số ca mắc và tử vong do bệnh TCM tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam gia tăng đột biến so với các năm từ 2008 đến 2010. Cụ thể có 67.396 trường hợp mắc, trong đó có 145 ca tử vong. Số ca mắc và tử vong chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Đông Nam bộ nơi có mật độ dân cư cao như TP.HCM (9.462 ca mắc, 30 ca tử vong), Đồng Nai (6.368 ca mắc, 28 ca tử vong). Số ca mắc bệnh TCM và tỷ lệ bệnh nhân TCM có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút EV71 vẫn còn cao. Bên cạnh đó, điều kiện sống, vệ sinh môi trường còn thấp, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao trong khi bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, năm 2012, dịch bệnh TCM vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao”.
Bên cạnh đó, “Với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức của người dân còn hạn chế, cơ chế lây truyền của cúm gia cầm sang người vẫn chưa biết rõ, trong khi dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại các quốc gia giáp ranh Việt Nam. Đặc biệt, đầu năm 2012, đã có 2 ca bệnh cúm A/H5N1 tử vong tại khu vực phía Nam. Vì vậy, khả năng xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên người là rất cao”, ông Trần Ngọc Hữu – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định.
Phía Nam: Khu vực trọng điểm của dịch bệnh
Trẻ mắc bệnh TCM đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I (ảnh chụp ngày 10-2-2012) |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu: “Năm 2012 có nhiều yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đến diễn biến của dịch bệnh. Dịch bệnh TCM có khả năng tăng hơn năm 2011, phức tạp hơn năm 2011. SXH vẫn là trọng điểm ở khu vực phía Nam. Ngoài ra là cúm A/H5N1, cần phải hết sức quan tâm. Từ đầu năm 2012 đến nay, cả thế giới ghi nhận 6 trường hợp mắc cúm A/H5N1 tử vong. Trong đó Việt Nam chiếm 2 ca, cả 2 ca đều ở khu vực phía Nam. Không chỉ có vậy, vào những ngày cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tại TP.HCM đã xuất hiện các ổ dịch nhiễm não mô cầu với hàng chục trường hợp phải nhập viện. Trước đây, bệnh này chỉ xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc. Tóm lại, phía Nam là khu vực trọng điểm của dịch bệnh, đặc biệt là 4 dịch bệnh nói trên. Vì vậy, phải có biện pháp quyết liệt. Tôi đề nghị, các tỉnh, thành tăng cường tính liên ngành trong chống dịch; thành lập tổ liên ngành chống dịch ngay từ đầu năm, chủ động phương án phòng chống dịch, đừng để khi dịch xảy ra rồi mới lập kế hoạch thì không xin được kinh phí; giữa ngành y tế và ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông giáo dục. Riêng Viện Pasteur TP.HCM phải dựa trên chỉ số của năm 2011 để chủ động giám sát bệnh TCM và SXH…”.
“Mục tiêu của kế hoạch phòng chống dịch năm 2012 ở khu vực phía Nam là giảm tỷ lệ mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế không để dịch lớn xảy ra. Theo đó, các địa phương phải tăng cường thực hiện giám sát đối với tất cả các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, đặc biệt là các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh TCM, SXH, nhiễm não mô cầu…”, ông Trần Ngọc Hữu – Viện Pasteur TP.HCM cho biết.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)