Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đi lại cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Bài cuối: Bao giờ dẹp được bến “cóc” xe “dù”?

Bị phạt nhưng xe “dù” vẫn tiếp tục chạy bởi mức phạt quá thấp. (ảnh chụp trước cổng bến xe Miền Tây). Ảnh: V.M

Trong những năm qua các cơ quan chức năng đã có những đợt “ra quân” nhằm chấn chỉnh tình trạng bến “cóc” xe “dù”, nhưng rồi tình hình cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”. Các cơ quan chức năng chưa có một giải pháp cụ thể để “tuyên chiến”, còn nhiều người dân thì chấp nhận “sống chung” với bến “cóc” xe “dù”…
Thói quen bắt xe dọc đường !
Ngày 18 -11, trước cửa Khu du lịch Suối Tiên (Q.9), một tốp sinh viên đang đứng đợi xe để về quê (Tháp Chàm- Phan Rang). “Sao các em không vào bến xe mua vé đi cho an toàn?”, tôi hỏi. Một sinh viên nói như vẻ chê bai: “Trời ơi! Giờ bắt xe cần gì vô bến nữa anh, vừa mất thời gian giá lại cao. Cứ ra đây chờ, xe chạy qua nhảy lên về cho nhanh. Mỗi lần về quê bọn em quen bắt xe dọc đường rồi”. Chúng tôi chạy xe xuống gần cầu vượt Sóng Thần (Q.Thủ Đức) ven tuyến đường QL1 thì “bến” của các công nhân hay những người sống ở khu vực này thường là những quán hàng ăn hoặc quán cà phê. Chị Nguyễn Thu Vân, quê ở Thừa Thiên Huế mỗi lần về quê đều ra quán ăn Hồng Hạnh (trên tuyến QL1 gần chân cầu vượt Sóng Thần) chờ xe. Chị lý giải: “Bắt xe ở đây tuyến TP.HCM – Huế giá thường rẻ hơn 30 ngàn so với trong bến, nên đợi ở đây kiếm chiếc xe đò chạy qua rồi bắt về cho nhanh”. Ở góc đối diện thì anh Nguyễn Nhật Hà đang mặc cả giá với nhà xe. Sau một hồi kỳ kèo trả giá, anh lơ xe bực tức quát: “200 ngàn là giá chót rồi. Mấy “cha” không đi thì bắt xe đạp mà về”. Anh Nguyễn Văn Linh công nhân Công ty Giày Hiệp Trí (Bình Dương) thổ lộ: “Mua vé tàu, xe từ bây giờ, nhưng tết không biết có về quê được không. Mặt khác, đi mua vé chờ đợi hàng ngày trời, chắc chúng tôi phải bỏ làm luôn quá. Nên gần tết thích thì xách ba lô nhảy xe về là “thượng sách”(?!)”.
Ai cũng biết xe “dù” giá có rẻ hơn nhưng chất lượng xe không được bảo đảm. Cảnh nhồi nhét trên xe thường xuyên xảy ra. Nhiều xe đi được một đoạn là sang xe hay ép khách lấy thêm tiền nhưng họ vẫn chọn giải pháp đi xe dù! Bà Tạ Thị Ánh Nguyệt, đại diện bến xe Miền Đông phân trần: “Xe trong bến đủ đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại của người dân ngay cả vào thời kỳ cao điểm trong dịp tết. Còn những ngày thường tuy xe chờ khách, vé sẵn nhưng nhiều hành khách vẫn chọn xe “dù””. Còn ông Huỳnh Hải Thanh, Phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây, cho biết: “Nhiều xe khi ra khỏi bến vẫn bắt khách vì dư ghế, nhưng khi xe đã xuất bến thì thuộc quyền hạn và chức năng của các cơ quan khác bởi từ khi bỏ quy định hiệp thương thì quyền hạn của bến xe và doanh nghiệp là ngang nhau”.
Cơ quan chức năng “bó tay”
Có một thực tế là tại đường Lê Hồng Phong (Q.10), ngay trước mặt của Trụ sở của Thanh tra Giao thông TP.HCM (Sở Giao thông Vận tải TP) thì các bến “cóc” xe “dù” vẫn ngang nhiên hoạt động với chiêu bài xe chạy hợp đồng… Dường như lực lượng Thanh tra Giao thông ở đây vẫn còn làm ngơ chấp nhận “sống chung” với bến “cóc” xe “dù”. Trong khi có đến ba lực lượng kiểm tra, tém dẹp bến “cóc” xe “dù” là Thanh tra GT, CSGT và Ban quản lý bến xe, thì lại ít phối hợp với nhau, nếu có thì cũng như kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” chỉ vài tháng sau tình trạng đâu lại vào đấy.
Hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng “chân trong chân ngoài”, ngay như tại bến xe Miền Tây những xe chạy tuyến như: TP.HCM – Gò Công, TP.HCM – Mỹ Thuận … đều có cả xe trong bến lẫn xe “dù” nhưng lại chung một đơn vị vận tải. Tương tự những doanh nghiệp vận tải như: P. Trang, T. Bưởi, H.Đạt … vẫn thản nhiên hoạt động ngay tại chợ An Đông, mà rất ít thấy “bóng dáng” của các cơ quan chức năng. Còn những tuyến xe Bắc – Nam thì phần lớn là đậu tại các cây xăng, những bãi đất trống… để hoạt động.
Qua nhưng ngày rong ruổi tại các bến xe, những tuyến đường từ lâu được mệnh danh là nơi “lưu trú’ của bến “cóc” xe “dù” như trước cổng bến xe Miền Tây, tuyến QL13, QL1A (từ cầu Bình Phước đến ngã ba Vũng Tàu)… Chúng tôi đã thấy được phần nào sự tung hoành của bến “cóc” xe “dù”! Mạnh ai nấy chạy, cò xe ép khách… vậy mà công an phường (xã), quận (huyện) vẫn như không nghe, không thấy! Nhưng nếu các lực lượng chức năng này có mặt thì cũng “bó tay” vì các xe lại trưng ra “bằng chứng” rằng xe này chạy hợp đồng hoặc xe du lịch… nên dù có muốn xử phạt cũng không phải chuyện dễ.

Văn Mạnh

Bà Tạ Thị Ánh Nguyệt cho biết: Dự kiến trong dịp giáp tết 2009 lượng khách sẽ đổ về bến xe Miền Đông khoảng 50 – 60.000 khách/ngày (tăng khoảng 10% so với năm 2008). Bến xe đã được tăng cường 400 chiếc xe loại 50 chỗ ngồi, mặt khác bến xe tiến hành tăng giá vé từ 20 – 60% (bắt đầu từ ngày 20-12 đến ngày mùng 3 tết âm lịch) nhằm khuyến khích các đơn vị vận tải tích cực đưa xe vào bến phục vụ hành khách, hạn chế bến “cóc” xe “dù” hoạt động.
Ông Huỳnh Hải Thanh – Phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây khẳng định: Lượng khách năm nay tại bến xe Miền Tây sẽ tăng khoảng 5% (52 – 55.000 khách/ngày) vào dịp cao điểm. Bến xe được tăng cường thêm 140 chiếc xe loại 40 chỗ ngồi vào dịp tết. Và, ngay từ bây giờ bến xe đã tiến hành tổ chức bán vé, bố trí các điểm đậu xe an toàn ngoài bến để giảm tải. Phối hợp các cơ quan chức năng để bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

 

Bình luận (0)