Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bất ổn ở trường CĐ nghề Việt Mỹ: Quyền lợi của hàng ngàn sinh viên có được bảo đảm ?

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cơ sở đào tạo chính của trường CĐ Việt Mỹ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: N.Q Do không đồng tình với cách điều hành của tổng giám đốc công ty chủ quản của trường, hiệu trưởng và nhiều trưởng khoa trường CĐ nghề Việt Mỹ (trụ sở chính tại 428 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) đều xin từ nhiệm. Quyền lợi của nhân viên và sinh viên của trường có bị ảnh hưởng bởi sự cố này?

Bán trường

Trường CĐ nghề Việt Mỹ (VATC) trực thuộc Công ty TNHH Liên Việt Mỹ (PAN VAT) được chính thức thành lập từ tháng 7.2007. “Tháng 5.2008, người sáng lập trường là ông Hoàng Ngọc Phan (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PAN VAT) với 95% vốn đóng góp vào công ty đã xúc tiến bán công ty cho Blackhorse Asset Management PTE.Ltd. Suốt quá trình thương thảo bán công ty, ông Phan không hề thông báo cho các thành viên trong trường biết, kể cả tôi là người đã đóng góp 5% vốn. Cho đến tháng 7.2008, khi đã thỏa thuận xong việc bán công ty, ông Phan mới báo cho tôi biết”, Phó tổng giám đốc phụ trách chuyên môn của PAN VAT kiêm Hiệu trưởng VATC Nguyễn Thế Bảo kể lại.  

Ông Bảo còn cho biết thêm: cũng trong tháng 7.2008, ông Hoàng Khắc Nguyện (con ông Phan, Giám đốc điều hành PAN VAT) bổ nhiệm người môi giới giữa PAN VAT và Blackhorse là ông James Monroe Ellis vào chức vụ Phó tổng giám đốc PAN VAT. Nhưng đến ngày 4.8.2008 thì 21/22 người trong ban điều hành công ty đồng loạt ký đơn gửi lãnh đạo PAN VAT yêu cầu bãi nhiệm ông James vì “khả năng quá kém của ông ta trong thời gian qua, gây xáo trộn không cần thiết, mất đoàn kết, lộng quyền, thiếu tôn trọng đồng nghiệp …”. Ông Phan hứa sẽ sa thải ông James nhưng vẫn không thực hiện; đến tháng 9.2008 khi văn bản nêu trên được chuyển đến Tổng giám đốc Blackhorse là John Engle thì lãnh đạo Blackhorse mới ngưng bổ nhiệm ông James. 

Ông Bảo kể tiếp: “Cũng trong tháng 9, ông John Engle đến Việt Nam và đề nghị bổ nhiệm tôi làm Tổng giám đốc PAN VAT kiêm Hiệu trưởng VATC, ông Phan cũng đồng ý nhưng sau đó lại không thực thi”. Sau đó, ông Bảo và 3 trưởng khoa đã viết đơn xin từ nhiệm. 

2 triệu USD học phí do ai quản?

Ông Nguyễn Thanh Lâm (trái) trình bày vụ việc tại tòa soạn Báo Thanh Niên -   Ảnh: P.L Ngày 12.10.2008, trong đơn gửi Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cùng Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Lâm (Trợ lý hiệu trưởng VATC) đã đặt vấn đề: VATC không thể đảm bảo chất lượng và tổ chức thực hiện những điều đã hứa với khoảng 15.000 học viên tiếng Anh và trên 1.600 sinh viên cao đẳng với mức học phí đã đóng lên đến khoảng 2 triệu USD. Ông Lâm và một trưởng khoa của VATC sau đó đã bị ông Phó tổng giám đốc PAN VAT James ký giấy sa thải ngay lập tức.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Ngọc Phan xác nhận đã bán 80% cổ phần của công ty cho Quỹ đầu tư tài chính của Mỹ có trụ sở chính đặt tại Singapore là  Blackhorse Asset Management PTE. Ltd, 20% cổ phần còn lại vẫn đứng tên ông. Theo ông Phan, lý do bán cổ phần là do ông tuổi cao (62 tuổi), muốn về hưu và nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên ông đã tìm một nhà đầu tư nước ngoài vừa có tiềm năng về kinh tế, vừa có năng lực chuyên môn để tiếp tục phát triển hệ thống trường mà ông đã dày công dựng lên. Việc cho 30 nhân viên nghỉ việc và có sự thay đổi nhân sự lớn trong công ty là do phía đối tác quyết định và tất cả các nhân viên đó đều được giải quyết bồi thường đúng theo luật lao động. 

Ông Phan khẳng định: “Hiện tại tôi vẫn đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị trường CĐ nghề Việt Mỹ do Bộ Lao động -Thương binh – Xã hội công nhận, chịu trách nhiệm về sự phát triển của trường và tương lai của 1.600 tân sinh viên  và hàng ngàn học viên khác. Trừ trường hợp tôi từ nhiệm và nhận được sự đồng ý của Bộ thì tôi mới hết trách nhiệm”. Theo ông Phan, hợp đồng mua bán cổ phần của Liên Việt Mỹ và Blackhorse có một thỏa thuận, đó là  tất cả vấn đề chuyên môn VATC vẫn chịu trách nhiệm, phía Blackhorse  sẽ lo vấn đề kinh doanh. Vì vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có gì thay đổi cả, các khoa vẫn hoạt động, hiệu trưởng và các trưởng khoa vẫn làm việc, sinh viên vẫn học bình thường. 

Về trường hợp của quyết định cho nghỉ việc đối với ông Nguyễn Thanh Lâm do Phó tổng giám đốc James Monroe Ellis ký vào ngày 3.10.2008 và có giá trị ngay trong ngày hôm đó, ông Phan cho rằng: “Đó là việc làm đúng luật với lý do ông Nguyễn Thanh Lâm với tư cách là trợ lý nhưng lại có thái độ kích động các nhân viên làm đơn bãi nhiệm phó tổng giám đốc mới mà không thông qua tổng giám đốc”. Ngoài ra, ông Phan cũng cho rằng ông Lâm đe dọa, tống tiền tổng giám đốc vì việc môi giới mua bán cổ phần của công ty với Sacombank do ông Lâm thực hiện không thành công nhưng ông Lâm cứ nằng nặc đòi tiền huê hồng mà không được. Tuy nhiên, việc quyết định cho ông Lâm nghỉ việc là do ông James ký và Blackhorse quyết định trong khi ông Hoàng Ngọc Phan đang ở Mỹ. 

Ngay sau đó, chúng tôi đã trao đổi với ông Lâm thì được ông Lâm khẳng định: “21 người ký đơn bất tín nhiệm ông James đều là những người có chức trách trong công ty, trong đó có tôi, một người con của ông Phan (ông Hoàng Bảo Nguyên, trưởng phòng nhân sự), một là con dâu của ông Phan (bà Hà Nguyễn, Phòng Tư vấn du học) nên không thể coi là do tôi kích động. Chiều 4.8 khi tôi và Hiệu trưởng Nguyễn Thế Bảo đưa văn bản này cho ông Phan thì ông Phan cũng không hề phản bác mà còn hứa giải quyết. Ngày 9.9 ông Phan còn dẫn ông James đến xin lỗi Ban điều hành thì sao lại nói tôi kích động? Về việc nhận huê hồng, qua các e-mail mà ông Phan trao đổi với tôi (còn lưu giữ) chính ông Phan đã đồng ý giành quyền huê hồng cho tôi, sao ông ta lại tráo trở?”.

Qua những phát biểu trên, rõ ràng có nhiều điều còn không đồng thuận giữa các lãnh đạo của PAN VAT. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhân viên và sinh viên VATC nên rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để thẩm tra vụ việc.

Nhựt Quang – Phi Loan (TNO)

Bình luận (0)