Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển nguyện vọng 3: Nguy cơ đóng cửa ngành học đã hiện hữu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày mai (5-10) sẽ là hạn cuối cùng cho phép thí sinh được rút hồ sơ đã nộp xét tuyển nguyện vọng 3 (NV3) vào các trường ĐH-CĐ để nộp sang trường khác mà thí sinh cho là có cơ hội đỗ cao hơn. Theo quy định, đến 17h ngày 10-10 sẽ là thời điểm kết thúc thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển NV3 vào các trường. Một nghịch lý của mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 đang diễn ra: trường ĐH công lập lại lâm vào cảnh thiếu vắng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.
Nhiều trường ĐH thiếu hụt hồ sơ xét tuyển
Năm nay, phần lớn các trường ĐH vùng, ĐH "top” dưới, ĐH mới thành lập đều chung cảnh thiếu hụt thí sinh đăng ký xét tuyển NV3. Theo nhiều lãnh đạo nhà trường nhận định, nếu đến ngày 10-10, tình hình không cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn, nhiều ngành sẽ phải đóng cửa hoặc sáp nhập sang các ngành học cùng chuyên môn khác để… bảo toàn sĩ số. Các trường ĐH thuộc khu vực miền Trung, khu vực phía Nam, Tây Nguyên đều thiếu trầm trọng thí sinh.
Trường ĐH Đà Lạt xét NV3 với 22 ngành và hơn 1.400 chỉ tiêu. Tính đến ngày 3-10-2011, các ngành như Công nghệ sau thu hoạch (khối A: 27 chỉ tiêu: khối B: 17), Văn hóa học (khối C: 39 chỉ tiêu; khối D1: 40 chỉ tiêu); Việt Nam học (khối C: 28 chỉ tiêu; khối D1: 38 chỉ tiêu); Công tác xã hội (57 chỉ tiêu); Đông phương học (khối D1: 57 chỉ tiêu) vẫn chưa nhận được một bộ hồ sơ nào.
ĐH Hồng Đức năm nay xét tuyển NV3 là 505 chỉ tiêu các ngành đào tạo hệ ĐH, nhưng tính đến ngày 3-10 mới chỉ nhận được 101 hồ sơ; một vài ngành chỉ nhận được 2, 3 hồ sơ dự tuyển. ĐH Sao Đỏ xét NV3 gồm 1260 chỉ tiêu hệ ĐH và 1200 chỉ tiêu các ngành đào tạo CĐ, nhưng tính đến ngày 3-10, hệ CĐ mới nhận được 84 hồ sơ, hệ ĐH mới nhận được 34 hồ sơ xét tuyển.
Công khai hồ sơ vẫn mập mờ
Quy chế bắt buộc việc công khai hồ sơ thí sinh nộp xét NV vào các trường năm nay đã tạo thuật lợi rất lớn cho thí sinh trong việc lựa chọn hợp lý ngành học, trường có nhu cầu xét tuyển NV cao. Tuy nhiên, việc công khai rõ ràng phần lớn chỉ được thực hiện đối với những trường đã gần đủ nguồn tuyển hoặc những trường quá thiếu thí sinh, cần công bố rộng rãi để thu hút hồ sơ. Bên cạnh đó, một số trường công bố số liệu một cách mập mờ, đôi khi chỉ công bố tổng thể hồ sơ lượng thí sinh đã nộp chứ không cụ thể từng ngành. Một số trường cập nhật hồ sơ rất chậm, chứ không theo từng ngày như quy chế bắt buộc. Điều đó chứng tỏ, các trường vẫn lo ngại nếu công khai số liệu liên tục, việc thí sinh rút hồ sơ ồ ạt sẽ xảy ra, nguy cơ thiếu hụt so với chỉ tiêu càng cao và nguy cơ đóng cửa ngành lại càng lớn.
Ông Hoàng Xuân Quảng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang nhận định, xu hướng hệ CĐ của các trường xem ra khả quan hơn, nhận được tương đối nhiều hồ sơ. Trong khi đó, lượng hồ sơ hệ ĐH (của ĐH An Giang và nhiều trường ĐH vùng khác) thì rất ít. Nhiều trường hiện vẫn đang trong tình trạng nhận được từ 1 đến 3 bộ hồ sơ/ngành học. Điều đó chứng tỏ, trong vòng gần 1 tuần tới là thời điểm kết thúc nhận hồ sơ NV3, sẽ có rất nhiều trường phải đóng cửa ngành.
Một thực trạng nữa là các ngành thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn luôn thiếu hụt hồ sơ xét NV3. Nhiều trường vẫn trắng hồ sơ các khối ngành này. Điển hình, ĐH Đà Lạt hiện có 5 khối ngành học trắng hồ sơ, thì khối C đã chiếm 4 ngành. Ngoài ra, tâm lý thí sinh thường thích chọn những trường ĐH thuộc thành phố, đô thị để được cọ xát, học hỏi, được có thêm nhiều cơ hội tích luỹ vốn sống. Vì thế xu hướng các trường ĐH thuộc khu vực thành phố, đô thị thu hút nhiều thí sinh là lẽ đương nhiên. Trong khi đó, ĐH vùng, đặc biệt là những trường ĐH thuộc vùng khó khăn chỉ thu hút được một lượng nhỏ thí sinh tại địa phương, thí sinh có điểm đầu vào tương đối thấp.
 Theo Hoàng Anh Thắng
(daidoanket)

Bình luận (0)