Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sau tuyển sinh NV3 – nhiều trường vẫn thiếu đầu vào

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 đang bước vào giai đoạn kết thúc khi hôm nay (5.10) là hạn cuối cùng các thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT NV3 và sau đó TS sẽ còn 5 ngày để tìm kiếm cơ hội vào các trường ĐH, CĐ.

Thế nhưng, ghi nhận thực tế tình hình tuyển sinh cho thấy nhiều trường đang “thấp thỏm” lo đầu vào của một số ngành không đủ. Và hệ lụy kéo theo là số ngành học đã được lên lịch dự kiến “khai tử” cũng có chiều hướng gia tăng…

Nguồn tuyển đã cạn?
Nếu như những mùa tuyển sinh trước, tình trạng “đói” đầu vào chỉ xảy ra với các trường ĐH dân lập tốp dưới thì mùa tuyển sinh 2011 – 2012 này, trái ngược với thực tế “bùng nổ” số lượng các trường ĐH vùng miền, ĐH địa phương (dù là công lập), số TS tìm đến với những trường này cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, thiếu hồ sơ một cách thê thảm. Mặc dù là trường công lập nhưng nhiều ngành đến thời điểm này chỉ nhận được 1 – 2 hồ sơ ĐKXT, thậm chí có ngành chưa nhận được hồ sơ nào. Cụ thể, theo danh sách đăng ký xét tuyển NV3 mà ĐH Thái Nguyên cập nhật đến thời điểm này, trường chỉ nhận được 140 hồ sơ ĐKXT NV3.  Cũng trong tình hình bi đát chung, ĐH Đà Lạt với ngành toán học mới nhận được 10 hồ sơ ĐKXT NV3 trên tổng số 99CT…
Với ĐH Huế, có ngành chẳng có một hồ sơ nào trong khi chỉ tiêu lên đến vài chục. Trong thực tế, mùa tuyển sinh năm 2010 đã có dấu hiệu của tình trạng “khai tử” nhiều ngành học được mở theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”.
Một chuyên gia tư vấn tuyển sinh của ĐH Nông lâm còn cho biết:  Tình trạng thiếu đầu vào, cạn  nguồn tuyển không chỉ xảy ra với trường ngoài công lập mà ngay những trường công lập lớn như Nông lâm cũng đã có ngành phải khai tử do thiếu đầu vào, ngành tiếng Pháp tại trường chính thức tạm ngừng đào tạo năm nay là năm thứ hai.
Thử tìm nguyên nhân

Khi đề cập đến thực tế này, GS Phạm Phụ khái quát: Đó chính là hậu quả của việc cho thành lập quá nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng như xu hướng “lên đời”, nâng cấp về mặt “chức danh”,  mở ngành đào tạo vô tội vạ của các trường.
Lý giải thêm cho thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu bỏ qua tâm lý muốn “bằng chị bằng em” của các trường, cứ xin mở thêm ngành đào tạo cho đa dạng, cho trường thêm “hoành tráng”, còn cơ chế xin mở thêm ngành học cũng còn khá lỏng lẻo (cùng một công đầu tư, cứ mở thêm ngành, nếu không đủ thì chỉ cần thông báo tạm ngừng chứ có mất gì đâu…) là phần “lỗi” của trường thì nguyên nhân còn ở người cho phép mở.
Hay nói một cách khác, đó là để các trường không rơi vào tình cảnh phải liên tục khai tử các ngành học cũng như tránh “rối rắm” cho người học, ở tầm vĩ mô,  cơ quan cấp phép mở ngành học cần có cái nhìn khái quát hơn để “nhìn nhận” được những ngành học cần mở rộng, cần nhiều trường tham gia đào tạo còn những ngành nào phải hạn chế… Có như thế mới góp phần cân bằng được lực lượng lao động trong tương lai và không gây lãng phí sức người, sức của của người dân cũng như xã hội…      
Theo Thể Uyên – Ngân Anh
(laodong)

Bình luận (0)