Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Điểm sàn khối A sẽ không thấp hơn 13

Tạp Chí Giáo Dục

 Điểm trúng tuyển có thể giảm chút ít tùy từng trường. Nhiều sự cố trong công tác coi thi.
Đợt một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đề thi được đánh giá khó nhưng dự đoán điểm sàn sẽ không thay đổi. Nhiều giáo viên có kinh nghiệm nhận định điểm môn toán chủ yếu 4, 5; môn lý phổ biến là 4; còn môn hóa khả năng sẽ có nhiều điểm 5-7 vì đề thi “dễ thở” nhất trong ba môn.
Điểm sàn tối thiểu 13
ThS Lâm Tường Thoại, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Đề toán dài, vật lý khó, hóa vừa sức là nhận định chung của thí sinh về đề thi năm nay nên rất khó nói điểm sàn sẽ như thế nào. Khi chấm một số bài thi mới có thể dự đoán. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy điểm sàn sẽ không biến động nhiều, thấp hơn 13 là không thể”.
Còn ThS Phạm Hồng Danh, giảng viên chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Với cách ra đề thi cả ba môn như năm nay, nếu tất cả đều thi tự luận thì chắc chắn điểm sàn sẽ giảm. Nhưng vì thi trắc nghiệm hết hai môn nên nhiều câu thí sinh đánh hú họa cũng có thể lấy điểm. Do đó, mặc dù đề khó hơn nhưng điểm sàn khối A có thể không thay đổi, vẫn 13 điểm như năm ngoái”.
“Mức điểm sàn mà Bộ quy định nhiều năm nay đã là “mức chót”, không thể thấp hơn được nữa. Vì nếu thấp hơn, khi cộng điểm khu vực vào là dưới 10. Điểm sàn phải ở mức tương đối để đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh” – PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định.
Điểm trúng tuyển có thấp hơn?
Nhiều cán bộ làm tuyển sinh lâu năm ở các trường dự đoán năm nay xu hướng điểm trúng tuyển sẽ phân loại rõ hơn các nhóm trường. Một số trường tốp đầu có thể mức điểm trúng tuyển thấp hơn 0,5-1 điểm chứ không giảm quá đột biến. Tại một số trường ĐH vùng, ĐH ngoài công lập, điểm trúng tuyển sẽ tương đương hoặc thấp hơn so với năm 2010 chứ khó thể cao hơn. Mặt bằng chung, nhiều trường sẽ có mức bằng điểm sàn của Bộ.
Thí sinh dự thi năng khiếu vẽ đầu tượng tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM sáng 5-7. Ảnh: QUỐC DŨNG
PGS-TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ địa chất, cho biết: “Dựa vào đề thi và dư luận thí sinh thì theo cảm tính, điểm trúng tuyển tùy từng ngành có thể tương đương năm ngoái (15-18)”. TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, phân tích: “Nhiều TS cho biết đều làm bài được, chỉ có đề toán hơi khó hơn năm trước nên dự kiến điểm trúng tuyển của trường sẽ không biến động nhiều”.
Còn theo đánh giá của TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, mức điểm trúng tuyển của trường sẽ sàn sàn năm ngoái, 13-17 điểm. “Điểm trúng tuyển một số ngành như kinh tế học, kinh tế và quản lý công, hệ thống thông tin quản lý, luật sẽ dao động ở mức 16-17. Các ngành tài chính ngân hàng, kinh tế đối ngoại… thì mức độ cạnh tranh sẽ ở mức 19-22” – ThS Lâm Tường Thoại dự đoán.
Ngày 25-7 sẽ công bố điểm thi
Ngay từ chiều tối 5-7, sau khi kết thúc môn hóa học, một số trường đã bắt đầu rọc phách. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM… dự kiến công bố điểm thi từ 25-7.
TS Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hàng hải, cho hay: “Ngày 6-7 trường làm phách, đến 9-7 bắt đầu chấm thi. Năm nay trường có tuyển thêm khối D1 nên chấm thi kéo dài hơn mọi năm. Tuy nhiên, dự kiến sẽ hoàn tất sớm trước ngày 24 hoặc 25-7 để công bố kết quả thi cho thí sinh”.
Trường ĐH Kinh tế-Luật sau khi thi xong môn cuối cùng sẽ chấm thi trắc nghiệm ngay, đến ngày 18-7 chấm bài thi tự luận và ngày 25-7 chấm xong. Trong khi đó, TS Lê Thị Thu Thủy cho hay: “Chờ thi xong đợt hai, Trường ĐH Ngoại thương mới chấm thi. Trường chỉ chấm các môn tự luận, còn các môn trắc nghiệm sẽ phải nhờ Cục Khảo thí”.

Nhiều sự cố trong công tác coi thi
Liên quan đến vụ “giám thị ký nhầm, thí sinh phải chép lại bài thi” tại điểm thi Trường SQCHKTTT (Khánh Hòa), trưa 5-7, Bộ GD&ĐT đã có công văn khẩn về việc xử lý sự cố. Theo đó, việc giám thị thu lại bài làm của thí sinh sau 120 phút làm bài và phát giấy thi mới để thí sinh chép lại bài thi là vi phạm Quy chế tuyển sinh.
Hội đồng tuyển sinh của Trường SQCHKTTT đã gặp các thí sinh này xin lỗi và thông báo phương án xử lý của Bộ. Kết quả, 21 thí sinh đồng ý với phương án nhân 1,3 số điểm thực tế của bài thi đã chép lại, ba thí sinh chọn thi lại môn toán (bằng đề thi dự phòng) vào chiều cùng ngày.
Tại ĐH Giao thông vận tải, trong buổi thi môn hóa đã xảy ra sự cố nhầm mã đề thi tại sáu điểm thi. Trước đó, thí sinh tại điểm thi Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội phát hiện trang một của đề thi là mã đề 318 nhưng trang hai lại ghi mã 482. Ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết các thí sinh bị nhầm mã đề được cộng 10 phút vào thời gian làm bài. Theo ông Chương, đề thi của trường do Trường ĐH Kinh tế quốc dân in sao, bán lại, sai sót có thể diễn ra trong quá trình in, sao đề thi.
l Chiều 5-7, Giám đốc-Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho biết đã xử lý kỷ luật hai giám thị coi thi tại phòng số 3, khu F, điểm thi Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Tại buổi thi môn toán, giám thị hành lang đã phát hiện bài thi của gần 40 thí sinh thi vào ngành kiến trúc của ĐH Bách khoa Đà Nẵng bị hai giám thị trên ký nhầm vào ô giám khảo. Khi phát hiện sai sót, các giám thị này vẫn tiếp tục cho thí sinh làm tiếp bài thi và đến ngày thi cuối cùng sau môn hóa mới thông báo về hội đồng tuyển sinh. Ông Nam cho hay: “Tôi đã quyết định kỷ luật hai giám thị này và sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. Các thí sinh cứ yên tâm vì chúng tôi đã báo cáo sự việc và quyết định sẽ chấm công khai, điểm thi vẫn được công nhận trên bài thi của các em vì lỗi này thuộc các giám thị”.
NHÓM PV-CTV
 

Đôi chân của Phượng
Những người có mặt tại Hội đồng thi (HĐT) Trường ĐH Sư phạm không khỏi xúc động khi chàng sinh viên Ngô Phi Hà (ngành Thể chất quốc phòng, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) tình nguyện cõng em Nguyễn Thị Phượng đến trường thi.
Hà gặp Phượng trong ngày đầu làm thủ tục dự thi. Phượng bị khuyết tật, hai chân dị dạng không thể tự đi lại được. Trước nghị lực phi thường của Phượng, Hà đã đi tìm phòng trọ ở ký túc xá cho mẹ con Phượng ở nhờ. Hằng ngày Hà cõng Phượng từ ký túc xá đến phòng thi trên lầu 4 Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng rồi lại cõng về.
Hôm qua, 5-7, Phượng vui mừng báo tin em vừa được Hội đồng xét tuyển ĐH Đà Nẵng ưu tiên tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng sau khi trải qua hai môn thi toán và lý.
Bến xe lộn xộn vì thí sinh “Nam tiến”
Kết thúc môn cuối cùng của đợt một, hàng ngàn thí sinh(TS) đổ ra bến xe phía nam Huế đón xe vào Nam gây ra tình trạng lộn xộn. Các tuyến xe vào Đà Nẵng, Quy Nhơn dường như không còn chỗ trống. Lợi dụng cơ hội này, nhiều xe “dù” cũng hoạt động trước cổng bến xe đã tự ý nâng giá đi Đà Nẵng từ 50.000 lên 70.000 đồng/lượt. Xe đi Quy Nhơn và TP.HCM cũng bắt ép vì hầu hết TS và người nhà không có vé.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, các TS cũng đổ dồn về Bến xe Trung tâm TP để đón xe về quê tỉnh lân cận hoặc “Nam tiến” vào Quy Nhơn, Khánh Hòa, TP.HCM chuẩn bị thi đợt hai.
Hầu hết các nhà xe đều tăng chuyến phục vụ sĩ tử. Tuy nhiên, lượng sĩ tử quá nhiều, một số nhà xe không thể đáp ứng đủ số ghế nên xe nào cũng “cố gắng” nhồi nhét sĩ tử.
Ngủ đợi con thi môn cuối
Sáng 5-7, tại HĐT Trường ĐH An ninh (xa lộ Hà Nội, Linh Trung, Thủ Đức), trong khi hàng trăm phụ huynh ngồi đợi con thi xong môn hóa, một số phụ huynh vì mệt đã mắc võng ngủ hoặc nằm ngủ ngay trên ghế đá bên cạnh khu vực thi.
Anh Trọng, nhà ở Bình Phước, cho biết: “Nhà ở xa nên tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị đưa em trai đi thi. Dậy sớm, lại đi đường xa mấy hôm liền nên cũng thấy mệt. Nhưng mình không sao, chỉ mong em nó làm môn cuối thật tốt”.
Do con gái còn thi khối B tại quận Tân Phú nên chú Trần Văn Tư đã chuẩn bị mọi đồ đạc để sau khi kết thúc môn thi cuối, hai cha con sẽ đi tìm nhà trọ. “Hai đêm rồi tui có ngủ được nhiêu đâu, con nó thi mà mình cũng lo không kém. Mắc cái võng định nghỉ ngơi một lát rồi ngủ lúc nào không biết” – chú Tư nói.
Tình nguyện lập hàng rào
Sáng 5-7, tại HĐT Trường ĐH Kinh tế-Luật (thuộc ĐHQG TP.HCM), đội tiếp sức mùa thi của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP đã huy động khoảng 400 chiến sĩ, nắm tay nhau tạo thành hàng rào người dài gần 200 m để phân luồng giao thông, hướng dẫn phụ huynh, TS nhanh chóng ra khỏi khu vực thi (ảnh: K.HUY).
Tại cổng Trường ĐH Mở TP.HCM (đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, lượng TS và phụ huynh tụ tập trước cổng trường khá đông gây ách tắc giao thông. Ngay lập tức, nhóm sinh viên tình nguyện của trường đã ra giữa đường dàn hàng dọc, điều khiển dòng xe đang lưu thông và dắt TS qua đường.
NHÓM PV
Theo Quốc Dũng
phapluattp 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)