Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bỏ điểm sàn ĐH-CĐ:phải chăng thả nổi chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi đăng tin về Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét bỏ điểm sàn ĐH-CĐ, tòa soạn Báo Người Lao Động đã nhận được hàng trăm email, phản hồi nhiều chiều của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Thủ khoa thi vào Trường ĐH Hà Hoa Tiên năm nay chỉ đạt… 14 điểm! Ảnh từ Internet
 Bỏ điểm sàn đồng nghĩa "phổ cập đại học"
Thời gian qua, cơ chế cấp phép thành lập các trường ĐH, CĐ mới khá lỏng lẻo. Hàng trăm trường ĐH ồ ạt bung ra nhưng nhiều trường vẫn chưa tạo được uy tín với xã hội khi trang thiết bị  xuống cấp, cơ sở học đi thuê mướn, đội ngũ giảng viên chưa đạt chuẩn… Đua theo “lợi nhuận”, nhiều trường đã “thả nổi” chất lượng giáo dục.
Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, kết quả tuyển sinh năm nay có thể gây khó khăn cho trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường của địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường.  
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét điểm sàn theo 2 phương án:
Một là, giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình bộ duyệt.
Hai là, nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.
Vì vậy, trước kiến nghị bỏ điểm sàn, nhiều bạn đọc băn khoăn về chất lượng giáo dục đại học sẽ giảm sút nghiêm trọng khi “miếng bánh” vào đại học chia đều cho tất cả học sinh.
Bạn đọc Minh Khang băn khoăn: “Chất lượng đầu vào thấp thì đầu ra sẽ như thế nào? Còn đầu ra, các trường "xuất" ra ngoài xã hội hàng loạt người có bằng đại học mà chất lượng kém vô cùng. Các trường ngoài công lập sợ không tuyển đủ sinh viên, tốn tiền, lãng phí cơ sở đào tạo là chỉ biết nghĩ cho mình”.
Bạn đọc tên Tuấn lại cho rằng: “Bỏ điểm sàn theo ý các trường có mà loạn. Một khi đã kinh doanh thì phải chấp nhận lãi lỗ. Hiện nay đã quá nhiều trường, quá nhiều chương trình liên thông, liên kết. Các trường giải thể thì chất lượng giáo dục có giảm sút? Không có mợ thì chợ vẫn đông!”.
Bạn đọc Tam đặt giả thiết: “Bỏ điểm sàn đồng nghĩa với việc để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển sinh đại trà. Việc học ĐH, CĐ quá dễ thì học sinh không có ý chí phấn đấu, chủ quan và nhiều vấn đề khác nảy sinh. Liệu các trường ĐH, CĐ có bảo đảm chất lượng đào tạo cho các sinh viên ra trường không?”.
Nhiều bạn đọc cho rằng điểm sàn chính là thước đo để phản ánh ngưỡng trình độ thí sinh. Đáng lẽ, điểm sàn, đồng nghĩa chất lượng giáo dục, ngày càng tăng lên thì nay lại đòi bỏ. Nếu bỏ điểm sàn, nhiều trường chất lượng kém muốn tuyển chưa chắc đã tìm được đủ học viên.
Vì vậy, nếu đã thả nổi điểm sàn để "vớt" thí sinh thì công sức và tiền của tổ chức thi ĐH, CĐ trở nên vô nghĩa. Bạn đọc Cù Huy Đệ khẳng định việc đổi mới hiện nay là phải làm sao nâng cao chất lượng đào tạo. “Tôi nghĩ cần xem xét lại mạng lưới các trường đại học. Nếu trường nào không có chất lượng thi sáp nhập hoặc giải thể. Cần cương quyết, không nên để ảnh hưởng đến giáo dục của đất nước chỉ vì một số trường yếu kém. Thiếu trường thì lập trường mới, nhưng trường yếu kém thì phải xử lý!”.
Bộ GD-ĐT có cứu nổi các “con”?
Trái ngược với các ý kiến trên, nhiều bạn đọc lại chia sẻ với khó khăn của các trường ngoài công lập. Theo đó, lượng thí sinh khá giỏi chỉ chiếm một phần nhỏ số thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm nay. Phần lớn số thí sinh còn lại đăng kí vào các trường tốp giữa và tốp dưới vì có học lực thấp hơn. Do đó, khả năng nhiều trường sẽ rất nhiều thí sinh dưới điểm sàn năm 2010.

Thí sinh dự thi ĐH năm 2011 tại trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM
Bạn đọc Tran Duc đặt giả thiết: “"Bà mẹ" Bộ GD-ĐT sẽ phải đứng trước lựa chọn: Đã sinh ra con (các trường ĐH,CĐ và phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho họ) thì hoặc phải nuôi (bằng cách bỏ điểm sàn, hoặc cho trường "tự tuyển sinh") hoặc bỏ họ chết theo quy luật canh tranh. Nhưng mà giải pháp thứ 2 dứt khoát không thể chấp nhận. Vì đã là mẹ, ai lại muốn con mình chết?”
Bạn đọc Phan Văn Khiết cho rằng: "Nếu Bộ GD-ĐT hạ  0,5 – 1 điểm, nhiều thí sinh có thể thực hiện ước mơ bước chân vào ĐH. Việc giảm điểm sàn ít như thế sẽ không ảnh hưởng gì nhiều với chất lượng đầu vào và nó phù hợp với độ khó đề thi năm nay. Hy vọng Bộ sẽ hạ điểm sàn ĐH 2011 một cách hợp tình, hợp lý để các trường đủ nguồn tuyển nhưng vẫn bảo đảm chất lượng theo mong mỏi của nhiều thí sinh, phụ huynh và các trường ĐH".
Trong khi đó, bạn đọc Tiến Trình cho rằng kiến nghị bỏ điểm sàn rất cần thiết để tạo sự công bằng trong giáo dục giữa thành thị và nông thôn, miền núi nhằm tăng nguồn nhân lực cho địa phương.
Bạn đọc Lê Thị Kim Ngân lại băn khoăn: “Tại sao đầu vào của các trường quốc tế không cao mà đầu ra lại có chất lượng. Trường ĐH là nơi để đào tạo, học sinh đi học để rèn luyện kỹ năng. Đâu phải đầu vào điểm cao thì đầu ra sẽ giỏi?”.
Đa số bạn đọc ủng hộ quan điểm không nên chạy theo bệnh thành tích mà siết đầu vào của các trường ĐH. Bộ GD-ĐT nên trả quyền tự tuyển sinh cho các trường và tăng kiểm tra, giám sát chất lượng trong trường ĐH để bảo đảm các cử nhân, kỹ sư ra trường đáp ứng được yêu cầu.
Theo NLĐO

Bình luận (0)