Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cuộc “đua” nguyện vọng sẽ căng thẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Trước khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường ĐH-CĐ đã chuẩn bị trước cho mình phương án tuyển sinh, tung ra các chiêu thu hút thí sinh bởi lo ngại sẽ thiếu chỉ tiêu. Đặc biệt, đỉnh điểm cuộc đua thu hút là các chiêu "khuyến mãi” tặng học bổng, dành suất ưu tiên; những trường thuộc top dưới, ĐH dân lập yếu về đầu vào càng phải áp dụng hình thức "vét” thí sinh cho đủ chỉ tiêu.
Tuyển NV2 chưa cần biết điểm sàn
Nguyên nhân bởi chất lượng điểm thi đầu vào của thí sinh khá thấp, nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã thực sự lo lắng. Theo dự kiến năm nay, Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương hạ thấp điểm sàn, mà rất có thể sẽ lấy bằng năm 2010 (A, D là 13 điểm, của khối B, C là 14 điểm). Một số lãnh đạo các trường ĐH đã bày tỏ, nếu Bộ không hạ điểm sàn, vẫn giữ nguyên mức như năm ngoái, thì việc tuyển sinh năm nay sẽ tạo nên nhiều kịch tính. Riêng vệc thí sinh được quyền rút hồ sơ, gửi trường khác cũng sẽ tạo cho các trường nhiều mặt bị động.
Đối phó lại tình huống trên, tại thời điểm này, tuy Bộ GD&ĐT chưa công bố điểm sàn nhưng một số trường ĐH đã quyết định mức điểm xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) bằng với điểm sàn. Điển hình là Đại học Đại Nam sẽ lấy 60% chỉ tiêu cho NV2 và "thí sinh đạt điểm sàn của Bộ GD&ĐT, đều có thể đăng ký NV2 của trường vào tất cả các nhóm ngành”. ĐH Dân lập Thăng Long cũng tuyển 60-70% chỉ tiêu ở NV2. Tương tự, trường ĐHDL Đông Đô, ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng đã công bố phương án điểm NV2.
ĐH Hà Hoa Tiên thì đã tạo nên "kỳ tích” bởi thủ khoa khối A chỉ đạt 12,5 điểm, thấp hơn cả điểm sàn năm ngoái. Do trường chỉ có 105 thí sinh dự thi, điểm đầu vào cực thấp, ĐH Hà Hoa Tiên thu hút bằng cách chẳng giống ai "miễn học phí 1 tháng đầu tiên cho sinh viên trúng tuyển NV2”, còn NV1 thì chẳng có ưu tiên gì. ĐH Tân Tạo thì dường như đứng đầu cả nước về "khuyến mãi khủng” học bổng: 500 sinh viên (toàn bộ chỉ tiêu) sẽ được cấp học bổng toàn phần, miễn học phí và lệ phí ở KTX trong năm học đầu.
Bên cạnh đó, một số trường ĐH đã bắt đầu có hiện tượng "xé rào” quy định của Bộ. Điển hình trường ĐH Thành Tây cũng tự đặt thời hạn xét tuyển cho riêng mình. ĐH Thành Đô lại tự ý rút ngắn thời hạn nộp hồ sơ xuống trước 5 ngày đối NV 2 và 10 ngày đối với NV3.
Công khai hồ sơ-cuộc đua may rủi
Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được rút hồ sơ, đồng thời cương quyết buộc các trường công khai lượng hồ sơ NV2, NV3 đã nhận được thông qua website nhà trường. Trên cơ sở đó, thí sinh sẽ theo dõi hàng ngày để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Bộ lưu ý, các trường không được phép tự ý kết thúc thời hạn nhận hồ sơ khác với quy định; tất cả các hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh nộp trong thời hạn quy định, đều có giá trị xét tuyển như nhau.
PGS.TS Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng trường ĐHKHTN thẳng thắn "Dù có áp dụng hình thức nào, thí sinh vẫn phải chấp nhận sự may rủi cho các NV2, NV3”. Điều quan trọng là thí sinh phải chọn đúng trường, ngành học phù hợp năng lực. Vì đằng sau sự may rủi khi thí sinh trúng tuyển chỉ vì chọn trường, chọn ngành có ít hồ sơ đăng ký, thì việc không thích ứng năng lực, khả năng cũng là bước đi vô cùng sai lầm.
Một điểm khác biệt là năm nay trước sự kiện hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn lịch sử, tổng điểm khối C ở mức khá thấp, nhiều trường có tuyển khối ngành xã hội đã dự tính đưa ra điểm chuẩn thấp nhất có thể, tức là ngang điểm sàn. Có thể dự báo trước rằng, điểm chuẩn khối C các trường ĐH-CĐ sẽ thấp nhất trong lịch sử các kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ từ trước tới nay.
Theo Anh Thắng
(daidoanket)

Bình luận (0)