Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đại học đủ điều kiện mới được tuyển sinh riêng

Tạp Chí Giáo Dục

 

Nếu được tự chủ thì có trường tổ chức thi, có trường không cần thi mà chỉ xét học bạ, kết quả thi tốt nghiệp – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Năm 2012, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ cùng vài trường khác sẽ thí điểm thi riêng, với cách thức tuyển sinh mới. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, đây sẽ là “một cú đột phá” trong nền giáo dục nước ta.
Xung quanh chuyện đổi mới tuyển sinh này, VTC News đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 12.
Đại học đủ điều kiện mới được tuyển sinh riêng
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Nguyễn Hưng 
Thưa GS, việc tuyển sinh trong tương lai nên được đổi mới thế nào?
– Nên giao quyền tuyển sinh cho các trường quyết định. Với cách đó, các trường “tốp trên” có nhiều người đăng ký thi vào chắc chắn phải tổ chức thi và thi với đề khó. Còn những trường khác có thể tổ chức thi với yêu cầu sàng lọc vừa phải hơn hoặc không thi mà xét tuyển từ kết quả học phổ thông và thi tốt nghiệp.
Các môn thi khi đó cũng do các trường quyết định. Ví dụ, một người muốn vào học nghệ thuật thì phải có năng khiếu nghệ thuật, chứ nếu chỉ giỏi Toán, Lý, Hóa mà không có năng khiếu thì làm sao học được ở trường này? Hay như các ngành thể thao, dù môn học nào cũng giỏi nhưng không có tố chất phù hợp thì làm sao theo nghề được?
Nhưng liệu tự chủ tuyển sinh có đồng nghĩa với việc “buông” cho các trường muốn làm thế nào cũng được?
– Câu hỏi của bạn đã bao hàm hướng trả lời rồi: Không. Việc mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phải có lộ trình. Nghĩa là không tổ chức 3 chung nữa nhưng trước mắt các trường vẫn phải tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển theo kết quả thi của trường khác. Chỉ những trường có đủ điều kiện mới được thi riêng. Những trường còn lại phải thi theo cụm với trường có đầy đủ điều kiện. Như thế mới đảm bảo chất lượng đầu vào.
Việc để tất cả các trường hoàn toàn tự quyết định thi tuyển hay không thi tuyển chỉ có thể thực hiện khi thị trường lao động phát triển lành mạnh hơn, có sự sàng lọc khách quan hơn. Hiện nay, đào tạo đại học ở nước mình, cung ít hơn cầu rất nhiều lần nên kiểu gì các trường cũng tuyển sinh được. Trong khi đó, sự sàng lọc của thị trường lao động thiếu khách quan.

Ví dụ một người có bằng tốt nghiệp trường nào, trình độ thế nào cũng được, nhưng bố mẹ “làm to”, “có tiền” thì cơ hội xin vào cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lớn hơn người khác rất nhiều. Với một thị trường lao động như vậy mà “buông” cho các trường đào tạo thế nào cũng được thì hỏng hết.

Hiện nay, học sinh dù học chưa giỏi nhưng vẫn muốn vào ĐH hơn là đi các trường nghề. GS đánh giá thế nào về việc phân luồng học sinh?
– Chủ trương phân luồng là đúng nhưng trên thực tế không được thực hiện đúng đắn. Theo chủ trương chung thì học sinh cần được phân luồng sau THCS nhưng vì nhiều lý do mà mình không làm tốt được điều này.
Lý do thứ nhất là tâm lý sính bằng cấp của xã hội. Hai là chất lượng đào tạo các trường nghề còn hạn chế. Ba là những người tốt nghiệp trường nghề chưa được xã hội đón nhận và sử dụng với những chính sách có tính chất khuyến khích: Học trung cấp thì xin việc khó lắm, mà lương thì thấp…
Lý do cuối cùng là ngành GD&ĐT và các cấp chính quyền chưa thực hiện tốt phân luồng. Ví dụ, hết THCS, đáng lẽ phải khuyến khích học sinh đi học nghề thì ngành lại tham mưu để các tỉnh mở hàng loạt trường ngoài công lập, phần lớn là chất lượng yếu, để hút gần hết số học sinh không vào được các trường trung học phổ thông có chất lượng. Trong những học sinh ấy, liệu sẽ có bao nhiêu em vào được đại học? Như vậy là xã hội bỏ lỡ một cơ hội phân luồng học sinh, còn các em thì lãng phí 3 năm học.
Sau THPT, Bộ GD&ĐT lại tham mưu cho Chính phủ mở hàng loạt trường đại học công lập và ngoài công lập, phần lớn là không đủ điều kiện đào tạo để hút học sinh vào học, kể cả những học sinh thi tuyển đạt có 10, 12 điểm trên 3 môn thi. Nhiều em học xong không có công ăn việc làm. Xã hội lại lỡ thêm một cơ hội phân luồng học sinh, còn các em thì phí mất 4 năm học nữa. Đáng ra, nếu các em này vào trường nghề ngay sau THCS thì xã hội và gia đình tiết kiệm được một khoản kinh phí, còn các em thì vừa tiết kiệm được thời gian vừa không bỏ lỡ cơ hội sớm có công ăn việc làm.
Vì thế, để thực hiện phân luồng đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, cần thay đổi quan điểm chạy theo số lượng trong tuyển sinh, mở trường hiện nay.
Xin cảm ơn GS!
Tháng 12/2011, “lên khung” cấu trúc đề thi kiểu mới

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội: Phải xác định, đổi mới thi cử là xu hướng tất yếu, vì các nước có nền giáo dục phát triển đã làm trước ta rất lâu.
Khi thi riêng, Bộ GD&ĐT cần có phương án nếu các em này không đỗ vào các trường thi riêng thì các trường khác sẽ công nhân kết quả này thế nào. Dự kiến đến tháng 12, “khung” của đề thi kiểu mới sẽ được phác thảo xong, để hoàn thiện ngân hàng đề thi cho tháng 5/2012, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ bắt đầu tuyển sinh.
 

Có thể nhân hệ số các môn, tùy ngành thi

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội: Nên giao cho các trường tự chủ tuyển sinh, ít nhất là các trường có nhiều thí sinh giỏi thi vào và có điều kiện. Đề thi trắc nghiệm hiện nay có nhược điểm là mỗi câu chỉ có 1 đáp án đúng, trong khi thực tế làm kỹ thuật không có phương pháp nào là đúng hoàn toàn, mà chỉ có phương án tối ưu nhất. Vì vậy, thi như thế chưa chắc đã chọn chính xác nhất người phù hợp với các trường kỹ thuật. Do đó, nếu tự chủ, có thể thi tự luận, kết hợp trắc nghiệm, nhân hệ số các môn tùy vào chuyên ngành mà thí sinh đăng ký. 

Theo VTC News

Bình luận (0)