Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khó!

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ,đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong năm 2012. So với quy định năm 2010 và năm 2011, dự thảo mới có một số thay đổi, nhưng xem ra, những tiêu chí mới này hơi khó để các cơ sở đào tạo thực hiện.
Theo Bộ GD-ĐT, tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh được xây dựng như sau: (1) Số học sinh, sinh viên chính quy/giáo viên, giảng viên quy đổi; (2) Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo/sinh viên. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hàng năm phải đạt hai tiêu chí trên.
Theo tiêu chí (1), số sinh viên chính quy/giảng viên khối trường Y dược hệ ĐH không quá 15 (trước đây 10), hệ CĐ không quá 20 (trước đây 15); khối trường Nghệ thuật – Thể dục thể thao hệ ĐH không quá 10 (trước đây 15); các khối trường khác không quá 25 hệ ĐH và 30 hệ CĐ. Với trường trung cấp chuyên nghiệp, chỉ có khối Y dược không quá 25 (trước đây là 20), các khối trường khác không thay đổi. Tiêu chí (2), diện tích sàn xây dựng/sinh viên đối với ĐH, CĐ không thấp hơn 2,5m² (trước đây 2m²).
Có thể nói, trước việc dư luận bức xúc chuyện bùng nổ các trường đại học, tăng chỉ tiêu, quy mô đào tạo nhưng các điều kiện quan trọng (giảng viên, cơ sở vật chất) để đảm bảo chất lượng đào tạo lại quá yếu kém, Bộ GD-ĐT ra dự thảo với mong muốn “giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở đào tạo trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm”.
Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT kỳ vọng bảo đảm công khai, minh bạch trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm để tạo điều kiện cho xã hội, người học cùng giám sát khả năng bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, đồng thời thúc đẩy các cơ sở đào tạo đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, suy xét kỹ hơn thì 2 tiêu chí trên dường như chưa sát với thực tế. Về tiêu chí diện tích sàn xây dựng bộ quy định không thấp hơn 2,5m² là khó khả thi. Bởi lẽ, chủ trương hiện nay tại Hà Nội và TPHCM không cho xây dựng cơ sở mới mà đang rà soát để di dời ra khu vực ngoại thành.
Do đó, quy định này không chỉ có trường ngoài công lập mà ngay cả các trường công lập cũng kẹt cứng. Và thực tế, nhiều trường đại học công lập lớn hiện chỉ có 0,65m²/sinh viên, 1m²/sinh viên, 1,03m²/sinh viên… Xét đến tiêu chí quy đổi sinh viên/giảng viên, nhiều chuyên gia cho rằng các con số quy đổi quá lý tưởng.
Thực tế vấn đề giảng viên là vấn đề căn cơ nhất hiện nay đối với tất cả các cơ sở đào tạo. Và theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2008-2009 tỷ lệ sinh viên/giảng viên bình quân là 28. Tuy nhiên, nếu tính đúng, tính đủ (bao gồm hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai…) thì nhiều trường sẽ có tỷ lệ lên đến 40 sinh viên/giảng viên.
Nếu dự thảo này vẫn được thông qua và không có điều chỉnh hợp lý, e rằng không chỉ các trường mà ngay cả bộ cũng gặp khó trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012. Khi đó, hàng loạt trường sẽ lách luật, công khai nửa vời để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Đương nhiên, bộ sẽ bị đặt vào thế khó xử và biết đâu phương án xử lý vẫn là “giơ cao đánh khẽ”.
Theo THANH MINH
(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)