Ngày 3/7, các thí sinh dự thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2011 đợt 1 (khối A) sẽ bắt đầu làm thủ tục… Kỳ thi tuyển sinh năm nay diễn ra trong 3 đợt (đợt 1 ngày 4, 5/7, đợt 2 ngày9, 10/7 và đợt 3 thi vào các trường CĐ từ 14 – 16/7). Đến thời điểm này hầu hết các trường đã sẵn sàng, từ việc chuẩn bị địa điểm, cán bộ coi thi, đến bảo mật đề thi…
Thí sinh ô thi tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội |
Các trường đã sẵn sàng
Các trường ĐH thi tuyển sinh đợt I đang hoàn thành những việc cuối cùng chuẩn bị đón thí sinh về dự thi. Danh sách phòng thi, giám thị coi thi đang được chuyển về Bộ GD&ĐT để báo cáo. Bộ GD&ĐT đã cử một lượng lớn thanh tra viên tham gia kỳ thi. Ngoài ra, Bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh tra phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát việc in sao đề thi, cán bộ thanh tra lưu động hoạt động trước, trong và sau kỳ thi.
Mặc dù không có sự biến động lớn về số lượng thí sinh dự thi do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, năm 2011 có tổng số 1.964598 hồ sơ ĐKDT, trong đó, hồ sơ thi ĐH hơn 1,47 triệu lượt đăng ký (chiếm 74,9%); hồ sơ thi CĐ gần 492.790 (chiếm 25,1%), tuy nhiên các trường vẫn canh cánh nỗi lo thí sinh ảo. Lãnh đạo Bộ khẳng định, với các trường có điểm thi năm trước từ 20 điểm trở lên số lượng thí sinh đăng ký dự thi không giảm nhiều và tỷ lệ "chọi" cũng tương đương năm trước. Những trường "tốp dưới" chắc chắn tỷ lệ thí sinh dự thi sẽ giảm nhiều; trường "tốp giữa" tỷ lệ "chọi" cũng sẽ hạ hơn
Dù không thể dự báo lượng thí sinh thực, nhưng các trường đều chuẩn bị đủ phòng thi theo đúng số thí sinh ĐKDT. Lãnh đạo ĐHQG Hà Nội cho biết: Mọi công việc của quy trình tuyển sinh đã và đang được chuẩn bị ở mức tốt nhất. Phòng thi cũng được các đơn vị chuẩn bị từ cách đây 2-3 tháng. Các truờng vẫn tính thuê đủ 100% phòng thi để đảm bảo dãn cách, đặc biệt đối với các môn thi trắc nghiệm. Lãnh đạo Trường ĐH Thương mại cũng cho biết, tính đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 2011 đã hoàn tất. Hơn 2.000 cán bộ coi thi đã được tập huấn quy chế thi. Phòng thi đã được chuẩn bị đầy đủ, ngoài 4 điểm thi tại trường, trường phải thuê gần 40 điểm thi xung quanh.
Với tình hình thời tiết bất thường như năm nay, điều lo ngại với các trường chính là việc mất điện. Các trường đã huy động máy phát để đảm bảo tất cả các điểm sao in đề thi, điểm đầu não của các hội đồng thi đều có nguồn điện dự phòng. Được biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực Hà Nội sẽ không cắt điện trước hai ngày và trong thời gian diễn ra các đợt thi. Đồng thời có phương án đảm bảo điện tại các địa điểm in sao đề thi, chấm thi, tạo phương thức thích hợp cấp điện ổn định cho các địa điểm thi, lập phương án chuyển đổi phương thức dự phòng nhanh chóng cấp điện trở lại khi có sự cố xảy ra.
Bộ Công an cũng có phương án hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự các điểm thi, phòng ngừa các hành vi vi phạm ở khu vực thi. Đồng thời, có phương án phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực như: tung tin thất thiệt, in ấn, mua bán phao thi, bán đề thi giả và đặc biệt lưu ý hiện tượng dùng công nghệ cao đưa đề thi ra ngoài và bài giải từ ngoài vào trong phòng thi.
Đề thi không nằm trongphần giảm tải
Đến thời điểm này, đề thi tuyển sinh khối A đã hoàn tất và chuyển tới các cơ sở in sao đề trên toàn quốc. Theo lãnh đạo Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), hội đồng ra đề bao gồm các giảng viên ĐH, giáo viên THPT của cả ba miền tham gia. Đề thi đươc phản biện, biên soạn đáp án, tránh không để xảy ra sai sót, kể cả những sai sót nhỏ nhất như dấu chấm, dấu phẩu.
Nội dung đề thi đạt yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đặc biệt phân loại được trình độ học lực của thí sinh. Đề thi không ra vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm, những phần, ý còn đang tranh luận về mặt khoa học. Ngoài ra, đề thi năm nay cũng khuyến khích khả năng sáng tạo của thí sinh theo từng bộ môn. Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.
Rút hồ sơ đăng ký xét tuyển trong vòng 15 ngày: Bộ GD&ĐT đã có văn bảnhướng dẫn cụ thể về việc thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) NV2, NV3. Theo đó, thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ của mỗi đợt ĐKXT.Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, trong thời hạn nhận hồ sơ ĐKXT, hàng ngày các trường phải cập nhật thông tin về hồ sơ của thí sinh và công bố công khai trên website của trường. Năm nay, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày (tăng 5 ngày so với năm trước). Cụ thể, đợt xét tuyển NV2, từ ngày 25/8 đến hết ngày 10/9; NV3 từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10
Được điều chỉnh nguyện vọng trong ngày làm thủ tục: Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong ngày làm thủ tục dự thi (ngày 3/7), thí sinh nếu có sai sót về địa chỉ, ngày tháng năm sinh, đối tượng, hộ khẩu thường trú, nguyện vọng… đều có quyền điều chỉnh. Nếu bị mất thẻ dự thi hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo và làm cam đoan để Ủy viên phụ trách điểm thi xem xét, xử lý. Với những thí sinh không nhận được hoặc làm mất giấy báo dự thi, cần báo cáo lại để hội đồng tuyển sinh kiểm tra hồ sơ gốc và cấp lại. Khi đến làm thủ tục dự thi, thí sinh cần nhớ mang theo phiếu ĐKDT số 2.
Vắng mặt một buổi thi không được thi tiếp: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, những ngày diễn ra đợt thi, thí sinh phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi đã bóc đề thi không được dự thi. Vắng mặt một buổi thi, không được thi tiếp các buổi sau. Thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sớm nhất là sau 2/3 thời gian làm bài, sau khi đã nộp bài làm và đề thi. Nếu có thí sinh bị đau ốm bất thường hoặc có nhu cầu chính đáng nhất thiết phải tạm thời ra khỏi phòng thi, cán bộ coi thi phải báo cho cán bộ giám sát phòng thi để kịp thời báo cáo Ủy viên phụ trách điểm thi giải quyết.
|
Theo Hiền Minh
(KTĐT)
Bình luận (0)