Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Môn Sử và cạm bẫy vong bản

Tạp Chí Giáo Dục

Kết quả thi tuyển sinh đại học (ĐH) đã kết thúc. Nhiều trường đã quyết định xong điểm sàn. Kẻ đỗ thì vui, người trượt lại buồn.
Nhưng có một nỗi buồn không chỉ riêng ai, như một cơn gió lạnh thổi qua tâm hồn những người quan tâm đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Nỗi buồn ấy là kết quả môn Sử thấp đến bất ngờ và rất đáng ngạc nhiên cho bất cứ ai. Một vài tin gây sốc: tại trường ĐH Quảng Nam, đến 99% thí sinh (TS) có điểm thi môn Sử dưới trung bình. Trong số 900 TS dự thi khối C, chỉ có chín em đạt điểm trên trung bình! Các trường khác, tạm xếp ở tốp giữa, điểm môn Sử cũng không có gì sáng sủa hơn. Như trường ĐH Đà Lạt có 1.564 TS dự thi khối C mà có 614 em có điểm thi Sử dưới 1, có 98% TS điểm môn Sử dưới trung bình.
Lịch sử là cuộc sống hôm qua của dân tộc, của nhân loại; là hơi thở liên tục thổi từ quá khứ đến hiện tại. Dù vinh quang hay nhục nhã, niềm vui hay nỗi buồn thì lịch sử vẫn luôn là di sản cha ông để lại mà không một ai trong chúng ta có quyền từ chối hay quay mặt đi coi như không biết. Không biết quá khứ thì lấy gì để lần ra con đường tới tương lai?
Không chỉ qua kỳ thi vừa qua (dù đó là chứng cứ khó chối cãi nhất) mà nhiều năm lại đây, như tại cuộc thi tuyển sinh ĐH năm 2005 chỉ có 9,73% TS đạt trên điểm 5 môn Sử; 58,5% TS có bài làm từ 1 điểm trở… xuống. Dù có lạc quan như nhà sử học Dương Trung Quốc, dẫn việc thanh niên nô nức đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm để cho rằng thế hệ trẻ vẫn không quay lưng với quá khứ, chúng ta vẫn có thể báo động rằng, phải chăng môn Lịch sử đang tàn lụi, đang chết dần theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong nhà trường? Sau cú sốc năm nay, nhiều người quan tâm đã cùng nhau tìm ra nguyên nhân tình trạng ấy. Nào là do giáo dục “cải cách nửa vời”, chưa có thay đổi nào gây ấn tượng cho dạy và học Sử; nào giáo viên Sử yếu kém, thậm chí không yêu môn mình dạy; nào là do học vẹt, do chương trình nhồi nhét quá nhiều mà mỗi tuần chỉ có một tiết Sử ở bậc phổ thông. Và người ta cũng rất có lý khi cho rằng, môn Sử (cũng như khối C nói chung) không đưa lại công ăn việc làm, lương cao bổng hậu cho sinh viên tốt nghiệp. Bởi vì nhà tổ chức, nhân sự chưa hiểu rằng, một kỹ sư tin học, thậm chí một cử nhân chính trị nếu không nhớ nổi đã từng có mấy trận máu giặc nhuộm đỏ Bạch Đằng Giang thì đó chỉ là những cái rô bốt không thể tin cậy được mà thôi. Tất cả những nguyên nhân ấy đều đúng và có thể gói gọn trong một câu: từ nhà trường đến xã hội chưa gây được cảm hứng dạy, học, đọc và nghe nhìn cho môn Sử, đặc biệt sử dân tộc. Suy cho cùng, dốt sử, căn bệnh trầm kha của lớp trẻ bắt nguồn từ người lớn!
Chưa tạo được cảm hứng với sử dân tộc cũng có nghĩa là đẩy học sinh, thanh niên thờ ơ với quá khứ, không cổ vũ họ tìm thấy trong những năm tháng xa xôi đau khổ, cam go của cha ông niềm tự hào và những bài học sáng giá giúp người Việt lạc quan tiếp bước hôm nay. Cũng có nghĩa là tình cảm yêu nước đang bị che lấp, chèn ép bởi những áp lực “phi lịch sử” trong cuộc mưu sinh đầy cạm bẫy vong bản của thời hiện đại. Có lẽ chỉ những kẻ muốn dòm ngó đất đai, biển đảo của chúng ta mới vui mừng trước tình trạng thanh niên ta lơ là với môn Sử, muốn con em chúng ta quên quá khứ hào hùng.
Ký ức thân thương trong đáy tâm hồn của lớp trẻ đang bị dán đè lên bằng những cám dỗ xa lạ. Những bộ phim sử thượng vàng hạ cám của Tàu, của Hàn chiếu không ngớt trên tivi, bản quyền cố tình bán rẻ như cho, đang làm chuyện đó. Sức mạnh của lòng yêu nước bắt nguồn từ đâu nếu không từ lịch sử? Sử dân tộc làm máu chúng ta chảy mạnh hơn trong huyết quản, bài học cha ông để lại giúp chúng ta khỏi hèn hạ, u mê mà thông minh trí tuệ hơn. Nếu thế hệ trẻ thuộc sử người mà quên sử ta thì đó là thảm họa của tinh thần yêu nước.
Theo Nguyễn Quang Thân
(Phunuonline)

Bình luận (0)