Chiều 11-10, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) đã diễn ra tại Trường THPT An Lạc (TP.HCM). Tại đây, ngoài việc cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm, xu hướng thị trường lao động trong thời gian tới, các chuyên gia còn định hướng ngành nghề cho gần 600 học sinh khối 12.
Học sinh Trường THPT An Lạc đặt câu hỏi với ban tư vấn |
Tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Chia sẻ với các em học sinh về cơ hội việc làm trong thời gian tới, ông Trang Thành Phước (đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhấn mạnh, thời kỳ hội nhập mở ra nhiều cơ hội việc làm nhưng đòi hỏi người lao động phải có năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, ngoại ngữ, ý thức đạo đức… Đề cập đến xu hướng ngành nghề, ông Phước cho rằng định hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước yêu cầu phát triển nhanh chóng nguồn nhân lực ở lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ. Trong đó, CNTT với nền tảng là ngành chiến lược thời hội nhập vẫn giữ vai trò hàng đầu giai đoạn 2018-2025. Ngành học này có xu hướng chuyên môn hóa cao để hình thành các ngành mới như bảo mật mạng, an toàn thông tin, lập trình ứng dụng di động, lập trình thiết kế game 3D…
“Nếu chọn ngành nghề không phù hợp thì nguy cơ bỏ nghề là rất cao, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cảnh báo. |
Các ngành kỹ thuật cũng được các em học sinh quan tâm. Theo ông Phước, công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành có tốc độ phát triển nhanh với nhu cầu nhân lực nổi trội. Các ngành kỹ thuật khác như điện tử, cơ khí phát triển theo hướng hiện đại hóa, đặc biệt đòi hỏi nhân lực có kỹ năng và khả năng cập nhật kiến thức mới. Nhu cầu nhân lực 4 nhóm ngành công nghệ – kỹ thuật trọng yếu tại TP.HCM giai đoạn 2018-2025 được dự báo là: Điện tử – CNTT: 15.000 lao động; cơ khí: 24.000 lao động; chế biến tinh lương thực thực phẩm: 12.000 lao động và hóa chất – nhựa cao su: 12.000 lao động.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Có 8 ngành nghề mà lao động có tay nghề cao được phép di chuyển trong khối ASEAN là dịch vụ kỹ thuật, kế toán, du lịch, bác sĩ, nha sĩ, điều dưỡng, kiến trúc và giám sát thi công. Vì vậy, cùng với cơ hội nghề nghiệp trong nước thì nguồn nhân lực trong những lĩnh vực này chắc chắn sẽ có thêm cơ hội đáng kể tại các quốc gia Singapore, Thái Lan, Malaysia… “Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để gia nhập thị trường lao động trong tương lai cần lựa chọn một nghề phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người học phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy độc lập, sáng tạo trong áp dụng công nghệ mới”, ông Phước khuyên.
Chọn nghề không phù hợp là lãng phí
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn một ngành nghề phù hợp hãy bắt đầu bằng nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, thu nhập… Ông Nguyễn Hữu Long (chuyên gia tư vấn) cho rằng chọn một ngành nghề cũng như chọn… người bạn đời. Trước hết, mỗi cá nhân hãy chọn cho mình một công việc, sau đó mới đến chọn nghề, tiếp nữa là chọn ngành phù hợp với nghề và cuối cùng là chọn trường.
Trả lời câu hỏi khá thực tế của nhóm học sinh lớp 12A4: “Học ngành nào làm nhiều tiền?”, ông Long cho rằng bất kỳ ngành nghề nào thu nhập cũng gắn với năng lực thật sự. Theo đó, người đang làm một nghề mới nhưng năng lực giới hạn thì thu nhập không cao và ngược lại. “Nghề nào cũng đòi hỏi làm việc hiệu quả, được đào tạo bài bản, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là vốn ngoại ngữ. Mục đích cuối cùng của chọn ngành nghề là có được một nghề nghiệp phù hợp để gắn bó lâu dài, tránh tình trạng phải chịu đựng với nghề trong trạng thái không mấy hứng thú, chán nản. Thực tế không ít học sinh còn khá mù mờ trong chọn ngành nghề, đây là nguyên nhân dẫn đến bỏ học giữa chừng hoặc chuyển ngành”, ông Long lưu ý.
Máy móc không thể thay thế con người Trong chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” tổ chức tại Trường THPT Phước Thiền (Đồng Nai) ngày 11-10, em Huỳnh Lê Tấn Phúc (học lớp 12A3) tỏ ra lo lắng trước những thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: “Em nghe nói cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những bước ngoặt trong sự phát triển kinh tế. Vậy lĩnh vực quản trị và sư phạm có bị ảnh hưởng không?”. Giải đáp câu hỏi này, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nước phát triển và không biết đến khi nào mới chấm dứt. Nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. “Con người sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – tức là các robot – để thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày. Ví dụ, robot sẽ thay thế con người làm việc ở các dây chuyền may, thay thế người thầy giảng và trình bày lại những điều người thầy đã nói… Về lâu dài, cuộc cách mạng này sẽ dẫn đến sự dư thừa nguồn nhân lực, nhất là nhân lực phổ thông. Hầu hết các dự án khởi nghiệp của nhiều quốc gia hiện nay đều đi sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này”, ông Quán nói. Tương tự, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác của con người. Tuy nhiên, sẽ có những lĩnh vực chắc chắn robot ko thể thay thế được. Con người vẫn là nhân tố quan trọng và trực tiếp trong lĩnh vực nghề nghiệp đó, máy móc chỉ có thể thay thế con người ở một số khâu nhất định. Muốn tạo ra một sản phẩm siêu trí tuệ nhân tạo như vậy thì phải cần đến trí tuệ của con người. Ví dụ, robot không thể tạo ra được bài giảng mà con người phải tạo ra và lập trình thì nó mới đứng giảng được. Hơn nữa, ở Việt Nam, nếu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có xảy ra thì cũng không thể diễn ra với tốc độ nhanh và tạo nên bước ngoặt đột phá. Nó sẽ diễn ra từ từ và có sự chuyển dịch về mặt cơ cấu, nguồn lao động. “Để thích ứng với nhu cầu phát triển và chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra tại Việt Nam trong thời gian tới, các em cần phải chuẩn bị cho mình chuyên môn vững vàng; ngoại ngữ – tin học giỏi vì lập trình robot không chỉ sử dụng tiếng Việt, nếu không có ngoại ngữ – tin học, các em sẽ bị đào thải ngay lập tức. Thêm nữa, các em phải có kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp vượt trội để cạnh tranh với nguồn nhân lực không chỉ ở Đồng Nai, trong nước mà cả trong khu vực và quốc tế”, ông Nguyên phân tích. Linh Vy |
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cảnh báo: “Nếu chọn ngành nghề không phù hợp thì nguy cơ bỏ nghề là rất cao, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội”. Trong khi đó, ThS. Trương Thị Ngọc Bích (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) nhìn nhận: “Học đúng ngành nghề mà mình yêu thích chính là động lực để vượt qua khó khăn trong học tập và cơ hội tiến thân với nghề nghiệp đã chọn cao hơn”.
T.Anh
Bình luận (0)