Giáo dục phổ thông ở Mỹ là một nền giáo dục phổ cập, có nghĩa là mọi trẻ em đều phải đến trường và việc cho con đi học là trách nhiệm bắt buộc đối với phụ huynh.
Học sinh bậc tiểu học ở Mỹ trong giờ học kỹ năng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Mô hình vận hành hệ thống giáo dục phổ thông công lập ở Mỹ mà tôi nêu ở đây thể hiện tính minh bạch, hợp tác và hiệu quả giữa Học khu – Nhà trường – Học sinh – Phụ huynh – Dân cư khu vực.
1. Khái niệm về các chủ thể: Nhà trường, học sinh, phụ huynh không có gì lạ với chúng ta. Tuy nhiên, Học khu (School District – SD) thật khó để dịch chính xác SD, nếu so sánh theo quy mô thì một SD tương đương một Sở Giáo dục ở Việt Nam. Dân cư khu vực là những người sở hữu nhà và đóng thuế nhà hàng năm. Riêng ở Texas, phần thuế trích cho giáo dục chiếm khoảng 50% thuế nhà. Để tính minh bạch, hợp tác và hiệu quả được nhìn thấy rõ nét, chúng ta cùng tìm hiểu một hệ thống giáo dục phổ thông công lập cụ thể, đó là Học khu Humble (Humble Independent School District – Humble ISD). Humble ISD trực thuộc Harris County Department of Education, bang Texas. Harris County quản lý 25 SD với hơn 1 triệu học sinh và 58 ngàn giáo viên. Với quy mô của một SD, Humble ISD quản lý 45 trường tiểu học (TH), phổ thông cơ sở (PTCS) và phổ thông trung học (PTTH) công lập với tổng số 41.224 học sinh. Ngân sách trang trải cho việc học tập tại trường của một học sinh bậc TH đến PTTH từ 5.100 USD – 5.500 USD/năm học. Theo đó, ngân sách này được trích từ khoản thuế nhà do dân địa phương đóng hàng năm. Mọi người dân có trách nhiệm đóng các hạng mục thuế như nhau, dù họ có con ở độ tuổi đi học hay không, như đã đề cập ở trên, khoảng 50% thuế nhà của mỗi người dân được đưa vào ngân sách giáo dục, và vì thế người dân được xem như là một “nhà đầu tư”. Họ là những người quyết định số phiếu đồng ý/không đồng ý mức thuế tăng, cũng như ngân sách cắt ra cho giáo dục. Vì thế, mọi báo cáo ngân sách, chi tiêu tổng quát, các phát sinh và kế hoạch phát triển trường học mới trong vòng 3 năm bao gồm tiến độ xin phép, xây dựng – tổ chức và chi tiêu được cập nhật thường xuyên và công khai trên tờ báo cộng đồng.
Học sinh đăng ký nhập học ở đây được sắp xếp vào trường theo tuyến khu vực và khu dân cư để tiện quản lý và tiện cho việc phân phối xe đưa rước (school bus). Hệ thống school bus được quản lý ở cấp độ SD chứ không phải trực tiếp từ nhà trường. Một chiếc school bus trong buổi sáng có thể chạy từ 2-3 vòng để đón học sinh của 2-3 trường. Nhằm đáp ứng được việc này, cũng như để giảm kẹt xe trên các tuyến đường, các trường TH, PTCS và PTTH đều được sắp xếp giờ vào học khác nhau, thường thì cách nhau 1 giờ. School bus nằm trong gói dịch vụ dành cho học sinh, phụ huynh không phải thanh toán thêm cho khoản chi phí này.
Tuổi để học chương trình phổ thông ở Mỹ có thể được kéo dài đến 22, vì thế chúng ta không nhận thấy sự hối hả hoặc áp lực cho một học sinh lớp 12 bằng mọi giá kết thúc năm cuối cấp để vào ĐH. Học sinh có thể tranh thủ thời gian tiếp tục học thêm các môn học mình ưa thích không nằm trong chương trình chính khóa đang, đã học, hoặc tích lũy tín chỉ từ các môn học khác để “mang lên” ĐH (mà không phải trả tiền để học tín chỉ này ở bậc ĐH). |
2. Việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa nhà trường – phụ huynh và học sinh đáp ứng tiêu chí nhanh lẹ và chặt chẽ. Theo đó, phụ huynh và học sinh cùng nhận một tài khoản và tải phần mềm quản lý (app) của Học khu xuống là có thể tham khảo mọi thông tin cập nhật hàng ngày. Với phần mềm này chúng ta có thể theo dõi hết các thông tin về những hoạt động điều phối từ Học khu, các hoạt động chia sẻ, gắn kết và thống nhất giữa các trường trong cùng Học khu, hay các hoạt động của riêng rẻ từng trường. Lịch học và hoạt động suốt năm học được lập ra từ đầu năm học, trên cơ sở đó phụ huynh có thể lên lịch đi chơi xa hay hoạt động gia đình xuyên suốt cả năm mà không lo bị động; ngày nào học sinh kiểm tra; ngày nào học sinh nhận báo cáo kết quả học tập đều rõ ràng. Tuy nhiên, giáo viên và nhà trường không phụ thuộc hoàn toàn vào mạng thông tin qua app – phần mềm mà cứ mỗi sự kiện thông tin còn được gởi về cho phụ huynh qua email và tin nhắn điện thoại cùng lúc – giải pháp tối ưu cho những phụ huynh quá bận rộn với công việc và không có lý do để “đổ thừa” cho sự thiếu quan tâm của mình với con cái. Cụ thể, buổi sáng con làm bài tập ở trường, ngay buổi chiều hôm đó phụ huynh nhận được email và tin nhắn báo điểm, hay ngày con nhận bài tập về nhà, phụ huynh sẽ nhận được email và tin nhắn hướng dẫn con làm bài ở nhà và ngày nộp bài. Mỗi giáo viên và nhân viên ở trường và Học khu là một “marketer” – người tiếp thị. Chính sự thân thiện của các nhân viên phòng ghi danh và thầy cô cố vấn học vụ (Academic councellor) đã tạo cho phụ huynh và học sinh cảm giác trường học như ngôi nhà thứ hai, sau gia đình. Tính cạnh tranh lành mạnh giữa các trường thể hiện qua thái độ và hành động tích cực của mỗi thầy cô và nhân viên nhà trường. Hoạt động truyền thông trên facebook và các phương tiện công cộng của các trường cũng rất sôi nổi. Theo đó, các trường cạnh tranh nhau bằng những mẫu tin, hình ảnh về học sinh tham gia thi đấu phong trào, học sinh học giỏi…
3. Mỗi trường đều có linh vật biểu tượng và câu phương châm thể hiện tính khác biệt và khích lệ thầy trò, ví dụ như trường Summer Creek High School có biểu tượng là con chó Bulldog, mọi chiếc áo, vật dụng đều có hình con bulldog với cụm từ “SCHSBulldogs” hay “SCHS – Proud to be bulldogs” (Tự hào là bulldogs). Thế mới thấy, dù là trường công lập, mỗi trường vận hành theo những quy định và nguyên tắc chặt chẽ, có kiểm soát và quản lý theo “hàng dọc” từ SD. Tuy nhiên, các trường vẫn phải luôn năng động, sáng tạo và cung cấp dịch vụ tốt nhất để xây dựng niềm tin với phụ huynh và học sinh, Học khu và dân cư khu vực. Mỗi thầy cô, nhà quản lý giáo dục hiểu rõ rằng chính những thành phần này quyết định lương, quyền lợi của họ, và ngân sách dành cho giáo dục. Họ cũng thấu đáo trong việc thông tin truyền tải qua mạng ngày nay nhanh như tia chớp, việc để xảy ra những hình ảnh, clip tiêu cực trong nhà trường sẽ nhanh chóng làm ảnh hưởng thương hiệu và uy tín của mình và nhà trường. Điều đó đồng nghĩa với việc thầy cô giáo có trách nhiệm với các tình huống tiêu cực đó phải trả giá là sự “mất việc”.
Thông qua mô hình vận hành hệ thống giáo dục phổ thông công lập, chúng ta thấy việc cạnh tranh không chỉ xảy ra ở các ngành nghề, mà cả giáo dục; không chỉ giáo dục tư thục, mà cả giáo dục công lập. Cạnh tranh thúc đẩy tính năng động và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho đối tượng sử dụng.
Lynn Nguyễn (Chuyên viên nghiên cứu giáo dục Tập đoàn NHG, Texas, Mỹ)
Bình luận (0)