Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xung quanh bài báo dùng tiền “câu” thí sinh: Sẽ chấn chỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị công văn gửi tới các trường để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm hoặc những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh đã được báo chí, dư luận phản ánh.
Tôi có thể khẳng định ngay một số hiện tượng trả tiền để thu hút thí sinh được báo phản ánh là những hiện tượng không bình thường, gây tâm lý không tốt đối với thí sinh và xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của giáo dục. Bộ GD-ĐT hoàn toàn không ủng hộ những phương thức thu hút người học như vậy.
Quan điểm cá nhân tôi cũng cho rằng các trường không nên vì khó khăn trước mắt mà sử dụng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, chỉ phục vụ mục tiêu ngắn hạn. Thậm chí tôi cho rằng những biện pháp thu hút như đã nêu còn phản tác dụng đối với đa số người học.
Những biện pháp thu hút người học mang mục tiêu ngắn hạn không có lợi cho cả người học và nhà trường. Nếu thấy đào tạo không có chất lượng, thí sinh vẫn sẽ từ bỏ giữa chừng, lãng phí tiền của, thời gian của bản thân, nhà trường cũng lỡ dở kế hoạch đào tạo… Vì vậy, tôi vẫn cho rằng các trường cần chấp nhận khó khăn trước mắt để đầu tư cho những mục tiêu dài hạn và bền vững hơn: dành thời gian và đầu tư cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, tích lũy uy tín để có thể cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng thay vì chấp nhận những giải pháp ngắn hạn như vậy.
THANH HÀ ghi
* GS PHẠM MINH HẠC (chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN):
Hậu quả của việc mở trường tràn lan
Tôi không bất ngờ với tình trạng một số trường bỏ tiền ra để “câu” thí sinh. Bởi người ta nghĩ ra trăm mưu nghìn kế để kiếm tiền từ giáo dục vì giáo dục đang được xem là dịch vụ béo bở. Việc bỏ tiền ra để “câu” thí sinh, theo tôi, là một cách làm phản cảm, làm giảm uy tín của các trường đại học, làm cho xã hội hiểu rằng: giáo dục cũng là một loại dịch vụ có thể rao bán.
TS MAI NGỌC LUÔNG (nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục) – HOÀNG HƯƠNG ghi
Mấy tuần qua, tôi có theo dõi chặt chẽ diễn biến xung quanh việc Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn và ý kiến của một số trường ĐH ngoài công lập về những khó khăn trong công tác tuyển sinh năm nay.
Theo quan điểm của tôi, việc một số trường ngoài công lập không tuyển sinh được hết chỉ tiêu dự kiến, mấu chốt không phải là vấn đề điểm sàn năm nay cao hay thấp. Đó trước hết là hậu quả của tình trạng hệ thống trường ĐH ngoài công lập thời gian gần đây được phát triển quá nhanh, nhiều trường được thành lập quá dễ dàng, đi vào hoạt động tuyển sinh, đào tạo khi thiếu các điều kiện cần thiết về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất…
Trên thực tế, tôi biết có nhiều trường ĐH ngoài công lập với mức điểm sàn đã công bố vẫn tuyển hết chỉ tiêu, số hồ sơ dự tuyển còn cao gấp mấy lần chỉ tiêu cần tuyển. Như vậy rõ ràng giữa các trường ngoài công lập cũng có sự cạnh tranh bằng uy tín, chất lượng. Trường ĐH nào, ngoài công lập hay kể cả công lập, nếu không tuyển đủ chỉ tiêu thì phải chấp nhận và tìm cách cải thiện hình ảnh, chất lượng, uy tín của trường mình.
Những hiện tượng, thông tin như báo Tuổi Trẻ ngày 22-8 phản ánh cho thấy hiện nay đã có chuyện “mua sinh viên”. Trong lịch sử phát triển giáo dục của chúng ta, đây là lần đầu tiên có hiện tượng này, đáng lo ngại là lại không phải cá biệt. Các trường ĐH áp dụng những biện pháp thu hút người học bằng tiền như vậy là đã chạy theo chỉ tiêu bằng mọi giá, thương mại hóa ngay từ công tác tuyển sinh.
Những sinh viên tương lai được thu hút nhập học bằng một phương thức cạnh tranh mua bán phản giáo dục như vậy là rất nguy hại, cần phải lên án và có biện pháp xử lý từ các cơ quan quản lý giáo dục. Người học cũng nên cân nhắc với những phương thức thu hút kiểu này. Có thể thấy tất cả những người tham dự “quá trình tuyển sinh” mang màu sắc mua bán này đều thu lợi trên người học, thiệt thòi cuối cùng chỉ thuộc về người học…
THANH HÀ ghi

Theo TTO

Bình luận (0)