Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH – CĐ 2011: Cán cân cung – cầu lệch trầm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 tiếp tục ghi nhận sự thiếu vắng thí sinh tại các ngành nghề thuộc khối nông-lâm-ngư. Tuy không nóng bằng sự sa sút của khối ngành xã hội (khối C), nhưng nhiều khối ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu thí sinh đăng ký dự thi, tuyển không đủ chỉ tiêu phải "vớt vát” bằng mọi cách cũng đã nhận được nhiều quan tâm, trăn trở từ phía dư luận. Ở nước ta – một đất nước nông nghiệp, tỉ trọng cán cân ngành nông nghiệp luôn chiếm một vị trí then chốt, thì nghịch lý từ việc thí sinh thờ ơ hay nói đúng hơn là không coi trọng khối ngành nông nghiệp hiện đang là vấn đề nhức nhối.
Từ xưa, ông cha ta đã đúc kết "nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Nếu sách lược dụng nhân có ý đề cao lý thuyết "Có thực mới vực được đạo”, thì sách lược về dựng nước và giữ nước lại lấy chính sách "Ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nông) làm trọng. Ở nước ta, nhà Lý là triều đại đầu tiên thực hiện và rất coi trọng "Ngụ binh ư nông”, tiếp diễn tới thời Lê Sơ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở "tăng gia sản xuất cũng là đánh Tây”, đẩy mạnh thành phong trào lớn trên cả nước; Bộ Quốc phòng khi đó đã thành lập một bộ phận phụ trách riêng vấn đề này, đó là Cục Nông binh (tiền thân Cục kinh tế Bộ Quốc phòng). Cho đến nay, khi đất nước đã có nhiều đổi mới trong xu thế hội nhập, thì nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng nhất với gần 80% dân số ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tầm quan trọng của một đất nước sản xuất chủ yếu là nông nhiệp còn thể hiện ở chỗ trong nhiều năm Việt Nam liên tục đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo (chỉ sau Thái Lan). Có thể đến năm 2030, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan, vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Theo TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đã liên tiếp 2 lần "cứu” nền kinh tế thoát khỏi bờ vực khủng hoảng. Cụ thể, năm 1989, công nghiệp tăng trưởng âm, nhưng nông nghiệp phát triển mạnh nên "cứu” được nền kinh tế. Đến năm 1999, công nghiệp – dịch vụ đều giảm, chỉ có nông nghiệp tăng trưởng tốt nên cũng đã "cứu” được nền kinh tế đang bên bờ vực khủng hoảng. Điều đó chứng tỏ, ngành nông nghiệp có một vị trí then chốt trong ổn định an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Nghịch lý xảy ra khi người làm việc trong ngành Nông – Lâm – Ngư đều có thu nhập tuy không cao nhưng ổn định, chí ít là khá hơn ngành nghề sư phạm, ra trường rất dễ xin được việc làm; nhưng lượng thí sinh đăng ký thi khối ngành nông nghiệp hằng năm lại quá thấp. Điển hình, năm 2010, nhiều trường ĐH có khối ngành Nông-Lâm-Ngư đã đề xuất Bộ GD&ĐT hạ điểm sàn do không tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng không được chấp nhận. Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 lại tái diễn cảnh khối ngành nông nghiệp đứng trước nỗi lo không tuyển đủ chỉ tiêu; điểm chuẩn vào trường chỉ luẩn quẩn ở mức bằng điểm sàn, hy vọng vớt vát ở NV2, NV3. ĐH Cần Thơ đã "vét” tới mức thấp nhất bằng cách lấy điểm trúng tuyển NV1, NV2 đều bằng điểm sàn; ĐH Nông-Lâm Huế lấy bằng điểm sàn, trừ mỗi ngành Công nghệ thực phẩm (khối B) là 16 điểm; ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng lấy 2.450 chỉ tiêu ĐH-CĐ bằng điểm sàn. ĐH Nông-Lâm TP.HCM có 13/52 ngành liên quan khối ngành nông nghiệp đã thú hút bằng cách giảm 30% học phí so với các ngành khác trong trường, nhưng chẳng thu hút thêm thí sinh là bao. ĐH Nha Trang còn ưu ái giảm giảm 20% học phí, 2 điểm đầu vào ngành thuỷ sản so với các ngành khác, nhưng năm nào cũng thiếu thí sinh so với chỉ tiêu. Tại miền Bắc, ĐH Nông nghiệp, ĐH Lâm nghiệp năm nào cũng lo lắng "vớt” phần lớn chỉ tiêu sang NV2. Đó là chưa kể, nhiều trường ĐH mới thành lập, ĐH ngoài công lập luôn rơi vào tình trạng lo lắng phải đóng cửa ngành vì thiếu thí sinh.
Nước ta, với tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 9,4 triệu ha, tức chiếm 28,4% tổng diện tích tự nhiên (số liệu 2005), ngành nông nghiệp đóng góp 20,97% GDP (số liệu 2009); các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với gần 23 triệu lao động. Bộ GD&ĐT dự tính về nhu cầu đào tạo các ngành trình độ công nhân kỹ thuật đến đại học từ nay đến 2020, ngành Lâm nghiệp sẽ cần 8.000-10.000 người/năm; thủy lợi 7.000-9.000 người/năm; thủy sản 8.000-8.500 người/năm; nông nghiệp 58.000-60.000 người/năm. Thực tế thì lượng sinh viên được đào tạo hằng năm ra trường lại quá ít, cán cân cung-cầu lệch trầm trọng.
Từ lý do trên, đã đến lúc chúng ta cần xem lại những chính sách thu hút, ưu đãi đối với việc đào tạo và sử dụng nhân lực có trình độ, tay nghề thuộc khối ngành nông nghiệp. Có lẽ, khái niệm "Ngụ binh ư nông” ngày nay cần phải được hiểu rằng: cần tăng cường một lượng lớn nhân lực có tri thức, tay nghề (ngụ binh) trong các khối ngành nông nghiệp (ư nông). Vì, một đất nước có nền nông nghiệp là chủ đạo, xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, thì không thể vì những lý do khách quan của xu thế hiện đại mà sao nhãng khối ngành nông nghiệp-khối ngành có vị trí then chốt trong an sinh xã hội, an ninh lương thực và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Theo Hoàng Anh Thắng
(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)