Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ồ ạt lách barie điểm sàn bằng “điều”… xin- cho

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận đang nóng lên trước thông tin có nhiều trường công bố điểm chuẩn cách khá xa điểm sàn mà Bộ GD&ĐT quy định. Lý do mà các trường viện vào là họ đã "xin" được Bộ GD&ĐT đồng ý cho áp dụng điều 33 trong Quy chế tuyển sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, sẽ có khoảng 25 trường sẽ "xin" được áp dụng điều 33, Quy chế tuyển sinh.
Đầu vào chất lượng thấp đầu ra cũng sẽ tạo nên những "sản phẩm" đào tạo ĐH, CĐ tương ứng. Ảnh minh họa
Ồ ạt "xin- cho"
Quá trình xét tuyển NV2 vào các trường ĐH, CĐ năm nay đã đi được nửa chặng đường. Ngày càng có thêm nhiều lời chào mời được vận dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh từ các trường ĐH. Trên website của  nhiều trường ngoài công lập (không nằm trong vùng khó khăn) cũng đã quảng bá việc được áp dụng điều 33 cho NV2 với mức điểm chuẩn cách khá xa điểm sàn.
Trong phần tuyển sinh nguyện vọng 2, 3 của trường ĐH Lạc Hồng có phần in đậm quảng cáo: "Đặc biệt: Do nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương, Trường Đại học Lạc Hồng được áp dụng điều 33 trong Quy chế tuyển sinh nên thí sinh sẽ được nhân đôi điểm ưu tiên khu vực". Theo đó, những thí sinh thi khối A, D ở khu vực 1 chỉ cần 10 điểm là đỗ ĐH và 7 điểm đỗ CĐ, khối B, C chỉ cần 11 sẽ đỗ ĐH và 8 điểm đỗ CĐ.
Tương tự như vậy, trường ĐH Lương Thế Vinh cũng "khoe" đã được Bộ cho phép áp dụng điều 33. Trường có thông báo trên website "Thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng 2  vào các ngành Bảo vệ thực vật, Nuôi trồng thuỷ sản và Thú y trường ĐH Lương Thế Vinh được cộng thêm điểm ưu tiên khu vực". Theo đó khu vực 1, quy chế quy định được ưu tiên 1,5 điểm nay tăng 0,5 điểm  thành 2 điểm. Do vậy điểm trúng tuyển đối với thí sinh khu vực này (chưa tính điểm ưu tiên đối tượng) như sau: Khối A, D là 11 điểm, khối B là 12 điểm; khu vực 2 – nông thôn, Quy chế quy định được ưu tiên 1 điểm nay tăng thêm 0,5 điểm thành 1,5 điểm.
Cụ thể điểm trúng tuyển đối với thí sinh khu vực này như sau: Khối A, D là 11,5 điểm, khối B là 12,5 điểm, khu vực 2 (Thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, ngoại thành thành phố trực thuộc Trung ương), Quy chế quy định được ưu tiên 0,5 điểm nay tăng thêm 0,5 điểm  thành 1 điểm. Do đó điểm trúng tuyển đối với thí sinh khu vực này như sau: Khối A, D là 12 điểm, khối B là 13 điểm".
Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng có 5 chuyên ngành thì cả 5 chuyên ngành này đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn. Trường đã áp dụng triệt để việc giãn điểm vùng nên với những thí sinh thuộc khu vực 2 trúng tuyển khối A chỉ còn 9 điểm, khu vực 2 nông thôn còn 8 điểm và khu vực 1 chỉ còn 7 điểm. Trường còn giãn hết cỡ điểm ưu tiên giữa các đối tượng ưu tiên chênh lệch 1 điểm lên 1,5 điểm.
Thí sinh thuộc nhóm ưu tiên 2 được hưởng điểm chênh lệch 1 điểm lên 1,5 điểm. Thí sinh thuộc nhóm ưu tiên 1 được hưởng điểm ưu tiên là 3 điểm. Vì thế, với việc vừa giãn điểm vùng vừa giãn điểm ưu tiên, thí sinh chỉ cần được 4 điểm là có thể ung dung đỗ vào trường. Để tăng sức hút nhà trường còn thông báo, những thí sinh không đủ điểm đỗ vào hệ trung cấp chuyên nghiệp cùng ngành cũng yên tâm đăng ký là đỗ.
Không chỉ những trường trên mà còn có khá nhiều trường viện vào điều 33 để hạ điểm chuẩn xuống dưới điểm sàn. 8 điểm đỗ vào đại học, 5 điểm đỗ vào cao đẳng là thông báo của ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Phan Thiết… Những trường ngoài công lập như ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), ĐH Kinh tế – kỹ thuật (Bình Dương), ĐH Phú Xuân (Huế), ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Bình Dương, ĐH Tây Đô (Cần Thơ) đều thông báo đã được áp dụng điều 33 trong Quy chế tuyển sinh.
Lạm dụng quy chế?
Năm nào các trường ĐH, CĐ top dưới và các trường ngoài công lập cũng "ca" điệp khúc thiếu thí sinh. Trong mùa tuyển sinh năm nay, ngay từ khi kỳ thi ĐH, CĐ vừa kết thúc, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã gửi đơn cầu cứu lên Bộ để xoá bỏ điểm sàn. Không những không bỏ, điểm sàn ĐH, CĐ năm nay vẫn giữ nguyên như năm ngoái. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ điểm sàn không thể hạ hơn được.
Nói là vậy, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết hiện Bộ đã đồng ý cho khoảng 25 trường được áp dụng điều 33. Tuy nhiên, cụ thể đó là những trường nào thì Bộ vẫn chưa công bố.
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, để tránh những luồng dư luận không tốt, Bộ cần phải công khai minh bạch rõ ràng điều kiện được áp dụng điều 33 và những trường được áp dụng.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, trường nào vi phạm sẽ xử lý. Trong mùa tuyển sinh năm ngoái, Bộ đã xử lý 15 trường hợp vi phạm trong tuyển sinh. Đến thời điểm đó, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ sẽ phải chấp nhận sự đã rồi. Chu trình đó là: Vi phạm rồi bị nộp phạt rồi vẫn tiếp tục đào tạo đã lặp đi lặp lại nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên với mức nộp phạt còn khá khiêm tốn so với mức thu từ học phí nên trường vẫn có lãi. Vì thế năm nào các trường cũng sẵn sàng vi phạm và vui vẻ chịu phạt.
Trong quy chế tuyển sinh năm 2010 có quy định các trường không được lấy điểm chuẩn dưới điểm sàn mà Bộ công bố. Tuy nhiên việc đưa điều 33 vào Quy chế tuyển sinh cùng với lưu ý "Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể để các trường được vận dụng quy định này" khiến nhiều người cho quy định này tạo nên cơ chế "xin – cho". Việc thả nổi các trường áp dụng điều 33 khiến lý thuyết "không hạ điểm sàn để đảm bảo chất lượng" đang trở nên phản tác dụng. Nhiều ý kiến cho rằng Quy chế trên đã chính thức "lách luật" điểm sàn, và chất lượng đầu vào đang bị thả nổi.
Phó phòng đào tạo của một trường đại học có tiếng chia sẻ: "Ưu tiên cho những vùng tuyển khó khăn là chủ trương đúng. Tuy nhiên ưu tiên đến đâu và ưu tiên thế nào thì còn phải cân nhắc kỹ. Việc có ai đó lợi dụng kẽ hở từ điều 33 là chuyện của các cơ quan chấp pháp. Về phương diện xã hội, không phải cứ những vùng khó khăn là chất lượng đầu vào được quyền thấp. Nếu như vậy nguồn nhân lực có chất lượng thấp cũng sẽ không giúp ích được cho xã hội. Vì thế tôi cho rằng, Bộ cần nghiên cứu lại điều 33, nếu có ưu tiên cho các trường thì mức điểm cũng không thể chênh lệch nhiều quá như hiện nay".
Không đồng ý với việc Bộ dễ dãi cho các trường áp dụng điều 33 để hạ điểm chuẩn thấp hơn sàn, GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bức xúc: "Câu chữ trong điều 33 cụ thể là cái gì thì phải nêu rõ chứ không phải các trường cứ lên xin Bộ rồi Bộ lại cho. Chính việc xử lý "cho" từng trường riêng đã tạo nên sự mập mờ không rõ ràng. Điểm hạ xuống như vậy thì thấp quá. Không phải tôi mà tất cả mọi người đều cho rằng 8 điểm thì quá yếu rồi, không thể đủ khả năng theo học đại học. Mình đã mở trường một cách tràn lan nên phải hạ điểm xuống quá thấp dẫn đến chất lượng đầu vào quá thấp. Trong khi quy định của Bộ là không được lấy dưới điểm sàn nhưng lại có một quy định như thế này là  quá mâu thuẫn".
GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Ông Nguyễn Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: Những thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ được hưởng mức  chênh lệch điểm trúng tuyển là 1 điểm. Cách làm này giúp trường gọi thêm được khoảng 900 em. Dù xin áp dụng điều này từ khá sớm nhưng trường vẫn phải tuyển thêm trên 5000 chỉ tiêu nguyện vọng 2 gồm 4000 là hệ đại học và 1000 là hệ cao đẳng. Đây được xem là con số kỷ lục của trường cho đến thời điểm hiện tại.
Cũng như vậy, kết quả đầu vào quá thấp nên dù giãn điểm ưu tiên tối đa nhưng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Kon Tum cũng chỉ "vớt" được 229 thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1. Để chống “cháy” trường tuyển thêm 500 chỉ tiêu nguyện vọng 2, 3 với mức điểm bằng điểm nguyện vọng 1.
Tương tự như vậy, ngay từ đầu, ĐH Tây Đô được Bộ cho phép giãn điểm vùng lên 1 điểm, nhưng trường vẫn không hút được thí sinh. Không chỉ đăng tuyển hàng trăm chỉ tiêu nguyện vọng 2 như trường Tây Đô, trường ĐH Cửu Long còn thông báo tuyển nguyện vọng 2, 3 với con số khổng lồ: 2.350 thí sinh.                
Theo Thành Huế – Minh Lý
(Nguoiduatin.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)