Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển nguyện vọng 3 tại Nghệ An: Nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn hai tuần thông báo việc xét tuyển nguyện vọng 3, tình trạng không mặn mà của thí sinh đã khiến nhiều trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An khá lo lắng. Chỉ tiêu còn nhiều, trong khi lượng thí sinh đăng ký ít, hoặc không có. Một số chuyên gia của các trường đại học, cao đẳng cho rằng, nguy cơ phải đóng cửa ngành học là điều có thể xảy ra.
Ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật cơ khí chế tạo máy, kỹ thuật ô tô… được nhìn nhận là những nghề có nhu cầu lớn, hầu như học viên ra trường không lo thiếu việc, nên các chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh rất cao. Đây không phải nghề nóng hay nghề mới, nhưng xã hội luôn có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, đã qua hai lần xét tuyển nguyện vọng 1 và 2, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh vẫn không tuyển đủ 1.380 chỉ tiêu. Hiện nay, trường vẫn đang còn 600 chỉ tiêu cho nguyện vọng 3 ở bậc đại học và cao đẳng, riêng bậc đại học có 450 chỉ tiêu. Sau hơn một tuần thông báo việc xét tuyển nguyện vọng 3, nhà trường cũng chỉ tiếp nhận được gần 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Ông Lê Thế Vinh – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết: Khó tuyển nhất vẫn là ngành sư phạm kỹ thuật. Mặc dù đây là ngành học chính và ngành sinh viên không phải đóng tiền học phí, nhưng kết thúc việc xét tuyển nguyện vọng 2, nhà trường cũng chỉ nhận được 10 hồ sơ. Với việc quá ít thí sinh trúng tuyển vào một ngành, trường sẽ không đủ kinh phí để đào tạo. Vì vậy, nguy cơ phải đóng cửa ngành học này là điều có thể sẽ xảy ra.
Còn tại trường Đại học Vạn Xuân, nhà trường lại tìm cách vận động thí sinh sang học ngành khác. Theo dự kiến, khoa Công nghệ sinh học của trường này sẽ mở một lớp với 30 sinh viên, tuy nhiên đến thời điểm này, mới chỉ nhận được hơn nửa chỉ tiêu đề ra. Tương tự ở các ngành học khác thuộc khối kinh tế như tài chính, ngân hàng, kinh doanh, kinh tế, kế toán, hiện vẫn chưa nhận đủ sinh viên vào học.
Tỉnh Nghệ An hiện có trên 10 trường đại học, cao đẳng. Đến thời điểm này, chỉ có hai trường Đại học Vinh và Đại học Y khoa Vinh đã nhận đủ học sinh theo chỉ tiêu, còn các trường khác mới chỉ nhận được 70% chỉ tiêu. Chuyên gia tuyển sinh của những trường này đều chung một quan điểm là có kéo dài thêm thời gian xét tuyển, thì ngành thiếu người học vẫn không mấy sáng sủa hơn do nguồn tuyển đã cạn kiệt, đó là chưa kể đến nguyên nhân lượng thí sinh “ảo”. Vì vậy, nhiều trường còn chỉ tiêu đã xin chuyển các chỉ tiêu còn thiếu sang hệ cao đẳng, trung cấp hoặc dạy nghề. Thực tế cho thấy, với bậc học này, khi ra trường, sinh viên có nhiều cơ hội vào làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất ngoại tỉnh.
Việc khó tuyển sinh đang trở thành trăn trở thường trực của những trường đại học, cao đẳng chưa có thương hiệu trong những năm gần đây, đặc biệt là trường có chuyên ngành đào tạo cử nhân sư phạm. Trước thực trạng này, các nhà trường cần truyền thông, quảng bá chất lượng giảng dạy của nhà trường tới các trường trung học phổ thông, các địa phương. Song song đó là liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp, với địa phương để đào tạo theo nhu cầu, tránh hiện tượng đào tạo thừa mà không có việc làm, việc làm không phù hợp hoặc đào tạo thiếu ngành mà nhu cầu xã hội cần./.

Theo TTXVN

Bình luận (0)