Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của căn tin trường học, năm học 2008-2009 Liên Sở Y tế và Sở GD-ĐT TP.HCM đã ra “tối hậu thư”: sẽ đóng cửa những căn tin hoạt động không tuân theo các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thế nhưng hiện nay việc quản lý căn tin cho tốt lại không dễ dàng đối với nhiều trường.
Bánh kẹo không nhãn mác dành cho… học sinh!
Qua tìm hiểu căn tin ở một số trường, chúng tôi nhận thấy tất cả các trường đều khẳng định căn tin đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Thế nhưng theo bác sĩ Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý VSATTP – Sở Y tế TP.HCM thì qua những lần kiểm tra căn tin trường học phát hiện nhiều căn tin bán hàng không nhãn mác. Đặc biệt, có không ít căn tin bán bánh kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ. Những loại bánh kẹo này tương đối rẻ tiền, chỉ 500-1.000 đồng/cái. Nhưng “tiền nào của nấy”, tác hại của các mặt hàng này đối với sức khỏe học sinh là rất lớn. “Có thể trước mắt, các em học sinh (chủ yếu là học sinh tiểu học) chưa có biểu hiện gì về ngộ độc thực phẩm. Song, về lâu dài những nguyên liệu làm bánh kẹo này như đường hóa học, phụ gia cấm sử dụng trong thực phẩm sẽ phát huy tác dụng và gây ngộ độc mãn tính”, bác sĩ Hòa cho biết.
Ngoài bánh kẹo không nhãn mác của Trung Quốc và những cơ sở không đảm bảo điều kiện VSATTP trong nước, nhiều căn tin trường học còn bán bánh tráng phơi sương, nước si rô với đủ màu xanh đỏ tím vàng…
Để được cấp giấy chứng nhận VSATTP, bắt buộc các các căn tin phải đảm bảo những điều kiện vệ sinh như vệ sinh môi trường, vệ sinh trang thiết bị, vệ sinh cống rãnh; nhân viên phục vụ phải có giấy khám sức khỏe, chứng nhận qua lớp tập huấn VSATTP… Nhưng “Giấy chứng nhận VSATTP không mang tính miễn nhiệm kiểm tra. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, các căn tin phải có trách nhiệm tiếp tục duy trì những điều kiện VSATTP theo yêu cầu của Bộ Y tế. Các cơ quan quản lý, phòng y tế quận, huyện (đối với các trường thuộc phòng GD-ĐT quận, huyện quản lý) và Sở Y tế (đối với các trường thuộc Sở GD-ĐT TP quản lý) phải tiến hành hậu kiểm. Nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt và tịch thu, tiêu hủy các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác; vi phạm nghiêm trọng thì thu hồi giấy chứng nhận VSATTP”, bác sĩ Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Hòa, để quản lý căn tin tốt thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, căn tin và cơ quan quản lý nhà nước.
Quản lý căn tin thế nào cho tốt?
Xuất phát từ quan điểm căn tin trường học ra đời là để phục vụ nhu cầu ăn uống của học sinh, thậm chí cả giáo viên nên không ít trường học đã quản lý rất tốt căn tin trường học.
Chẳng hạn như căn tin Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10. Từ năm học 2001-2002, nhà trường cho chị Phượng thầu căn tin với điều kiện chỉ được bán những mặt hàng trong danh mục. “Tất cả các mặt hàng bày bán tại đây đều phải có giấy chứng nhận VSATTP, nhãn mác rõ ràng. Thậm chí đá lạnh cũng phải là đá tinh khiết”, chị Phượng cho biết. Đến năm học 2004-2005, chị Phượng “lãnh” thêm trách nhiệm nấu ăn cho học sinh bán trú.
“Người ta làm ăn nên phải có lời, nếu nhà trường lấy giá thầu cao thì ắt hẳn họ sẽ tìm đủ mọi cách để “moi tiền” của học sinh như bán giá cao, bán hàng không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, giá thầu của nhà trường chỉ bằng 2/3 so với mặt bằng chung. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên động viên để nhân viên căn tin phục vụ tốt hơn”, bà Lý Thị Thanh Thủy, tổ trưởng Tổ bán trú cho biết.
Đặc biệt, Trường TH Võ Trường Toản đã đầu tư cơ sở vật chất khang trang cho căn tin. Từ bán ghế cho đến các vật dụng nấu ăn đều do nhà trường trang bị. Theo đó, từ 4 năm nay, ban giám hiệu nhà trường chưa nhận một lời phàn nàn nào của phụ huynh, học sinh về hoạt động của căn tin.
Mô hình căn tin của Trường TH Nguyễn Huệ, quận 6 có phần đặc biệt so với các trường trên địa bàn thành phố. “Trước đây, nhà trường cũng cho người ngoài đấu thầu nhưng không quản lý được chất lượng phục vụ. Căn tin bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, bán trái cây kèm theo mắm ruốc gây ruồi muỗi rất mất vệ sinh. Vì vậy, từ năm học 2002-2003 nhà trường lấy lại và giao cho công đoàn quản lý. Theo đó, công đoàn phụ trách chính, còn nhân viên phục vụ là bảo mẫu và ba người là người nhà của giáo viên, công nhân viên trong trường. Những người phục vụ căn tin đều phải đảm bảo các điều kiện do Bộ Y tế ban hành như khám sức khỏe, tập huấn lớp VSATTP”, ông Phạm Tiến Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
“Bảo mẫu chỉ làm việc từ 10 giờ trở đi nên buổi sáng có thể làm việc ở căn tin. Bởi, thời gian hoạt động của căn tin chủ yếu là buổi sáng từ 6 giờ đến 7 giờ, lúc đó có đông học sinh và phụ huynh ăn sáng”, một bảo mẫu cho biết.
Theo bà Lý Trần Hà – quản lý chung căn tin thì, tất cả các nhân viên phục vụ căn tin đều làm công ăn lương, mỗi ngày bán được bao nhiêu đều phải nộp tiền cho thủ quỹ của trường. Cuối tháng, sau khi trả lương cho nhân viên căn tin, còn lại nộp vào quỹ công đoàn để cuối năm thưởng tết cho cán bộ – giáo viên – công nhân viên, hè tổ chức đi nghỉ dưỡng… “Nhà trường làm như vậy vừa dễ quản lý vừa phục vụ được nhu cầu ăn uống của học sinh, tránh hàng rong tụ tập”, bà Hà cho biết thêm.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)