Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bồi dưỡng giáo viên thiếu thực tế…

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ học tại Trường THPT Nhân Chính, TP. Hà Nội

Hiện nay, giáo dục phổ thông có hơn 800.000 giáo viên thuộc các cấp học. Chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông trừ một bộ phận khá, giỏi, còn lại số đông thì lúng túng trong việc vận dụng phương pháp dạy học mới. Đây là đánh giá của Cục Nhà giáo và CBQLCSGD, Bộ GD-ĐT tại hội thảo bồi dưỡng giáo viên đổi mới phương pháp dạy học được tổ chức vừa qua. Nhưng nhìn từ con mắt của người trong cuộc thì ngay cả việc bồi dưỡng cho giáo viên cũng cần được đổi mới.
SGK vẫn được coi là “pháp lệnh”
TS. Lương Việt Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển chương trình giáo dục phổ thông, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định trong thực tế, dạy học ở nhà trường phổ thông Việt Nam hiện nay có thể nói rằng SGK đóng vai trò quan trọng. SGK có các chức năng như cụ thể hóa các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình; hỗ trợ giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp dạy và học, cung cấp thông tin cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng SGK của một bộ phận giáo viên trong dạy học cũng còn tình trạng cứng nhắc, không phù hợp. TS. Thái lấy ví dụ như trong SGK có nội dung gì thì giáo viên cố gắng thuyết trình, giảng giải hết; Trong SGK có gợi ý hoạt động gì, nêu câu hỏi hay đưa ra ví dụ gì thì thực hiện đúng như vậy mà không cần có sự vận dụng linh hoạt phù hợp đối tượng học sinh, phù hợp với điều kiện thực tế; Yêu cầu học sinh học thuộc, nhớ máy móc như trong SGK; dạy học theo kiểu “đọc chép” từ SGK; cứng nhắc về thời gian. Ngoài ra, nhiều giáo viên còn có tình trạng dạy lệch chuẩn, chẳng hạn đưa thêm một cách không thích hợp những kiến thức, bài tập thực hành ngoài chương trình vào giờ học, dẫn tới tình trạng dạy cao hoặc thấp hơn so với yêu cầu cần đạt. Cục Nhà giáo và CBQLCSGD, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông trừ một bộ phận khá, giỏi còn lại số đông lúng túng trong việc vận dụng phương pháp dạy học mới. Nguyên nhân được lãnh đạo Cục đưa ra là do hệ thống các trường sư phạm tuy có tiến bộ một số mặt nhưng vẫn còn bất cập giữa các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất với quy mô đào tạo. Các trường sư phạm trang bị kiến thức, kỹ năng phương pháp dạy học cho giáo sinh còn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông. Nhiều trường CĐ sư phạm vẫn còn tình trạng dạy “chay”. Bên cạnh đó, nguyên nhân do lịch sử để lại cũng được kể đến.
Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà, giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội khẳng định đổi mới phương pháp dạy học được hay không cốt yếu ở mỗi giáo viên. Cô cũng kiến nghị cần có chế tài bắt buộc giáo viên đổi mới phương pháp dạy học.
Bồi dưỡng giáo viên, làm… cho có
Lâu nay, tài liệu bồi dưỡng đa phần viết theo kiểu thông báo giải thích, có một số câu hỏi cuối chương, nặng về tái hiện kiến thức đã cung cấp. Cần phải nâng cao hiệu quả tự bồi dưỡng tại chỗ, cần chuyển mạnh cách biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo hướng viết cho người tự học, tăng cường tính tích cực chủ động của người học. Đây là nhận xét của GS.TS Trần Bá Hoành, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Giám đốc dự án Việt Bỉ (thuộc Bộ GD-ĐT) Nguyễn Lăng Bình khẳng định nhiều giáo viên tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhưng nhận thức chưa đầy đủ về bản chất của vấn đề, đồng thời chưa nắm vững kỹ năng, kỹ thuật trong tổ chức các hoạt động dạy – học. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên một phần do công tác bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học còn nhiều bất cập. Ông Bình lấy một loạt ví dụ như thời gian tập huấn chưa tương thích giữa thời gian tập huấn ở Trung ương và địa phương. Nếu như tập huấn ở Trung ương trung bình từ 5 – 6 ngày/môn học thì ở địa phương chỉ từ 0,5 đến 2 ngày/môn học. Như vậy, thời gian tập huấn ở địa phương chỉ đủ để thông báo, giới thiệu nội dung tập huấn. Nội dung tập huấn đơn điệu, lặp đi, lặp lại, nhiều giáo viên cho rằng “điều đã biết thì cứ nói mãi, điều muốn biết thì không giải thích được”. Phương pháp tập huấn còn nặng về thuyết giảng, chưa chú ý đến hứng thú và hình thành kỹ năng cho người học.
Đổi mới phương pháp dạy học đã được ngành giáo dục thực hiện từ năm 2002 nhưng đến nay, hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế. Không chỉ giáo viên phải tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy mà ngay cả cách thức bồi dưỡng giáo viên cũng cần phải được thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Nghiêm Huê
Tự đánh giá của giáo viên THCS về mức độ thực hiện đổi mới phương pháp dạy học cho thấy: có 73,05% giáo viên thường xuyên quan tâm thực hiện phương pháp đổi mới dạy học. Trong đó có 81,51% giáo viên luôn quan tâm tạo điều kiện để học sinh tìm tòi, phát hiện kiến thức, 76,61% khuyến khích sự hợp tác, cùng tham gia của tất cả học sinh, 63,70% dành nhiều thời gian để học sinh thực hành, luyện tập.
 

Bình luận (0)