Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo động sự biến dạng của tiếng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

 

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, internet là phương tiện được sử dụng rộng rãi và trở thành kênh trao đổi thông tin mới. Theo đó, tiếng Việt có thêm một môi trường mới để giao tiếp và được sử dụng cùng với nhiều biến đổi. Hiện tượng này cũng ít nhiều mất đi tính trong sáng, tính chuẩn mực của tiếng Việt.
Hội chứng thích xài ngôn ngữ lạ
Wey! Hum wa kỉm tra Dzăn làm được hok?
Chài ah, tiu tao roài mài ui!(T-T)
Seo dzạ? Chiện là dư thế lào?
Khó wa, chả trúng tử được jif….
(Tạm dịch là “Hôm qua kiểm tra làm bài được không? Trời à, tiêu tao rồi mày ơi! Sao vậy? chuyện là như thế nào? Khó quá, chẳng trúng tủ được gì.”).
Đây là kiểu ngôn ngữ không còn xa lạ gì đối với giới trẻ trong thời kỳ hội nhập này. Chúng xuất hiện phổ biến trên các trang blog, trang web cá nhân, trên diễn đàn (forum) và khi nói chuyện phiếm trên mạng mà ta tạm gọi là ngôn ngữ @. Nếu không phải là người am hiểu tuổi teen và xa lạ với ngôn ngữ chat, chúng ta sẽ không thể hiểu nổi giới trẻ đang sử dụng kiểu ngôn ngữ nào.
Theo ThS. Đinh Xuân Hảo (GV Trường ĐH Sài Gòn) “Thế hệ 9x tự trao cho mình cái quyền tự chế biến tiếng Việt theo tiêu chí: ngắn, gọn, khó hiểu. Một số 9x xem đó là thế giới riêng của mình, là cách khẳng định đẳng cấp của mình nhằm chơi trội hơn người khác để thể hiện cá tính và phong cách của mình và cho rằng nói chuyện như thế sẽ thú vị hơn nhiều”. Chính vì những nguyên nhân này mà ngôn ngữ chat đang trở thành một trào lưu trong học đường.
Ngọc Hương, học sinh một trường THCS ở quận Bình Thạnh kể: “Dùng mấy từ ngộ ngộ như thế mới vui. Vào phòng chat mà không sử dụng ngôn ngữ chat thì quê lắm, không thể hiện được đẳng cấp gì cả. Vì thế mà các teen bây giờ đua nhau học từ vựng chat nhiều lắm chị ạ, học được từ vựng nào mới là đưa vào bộ nhớ ngay”.
Cùng với việc tự trao cho mình quyền tự chế biến tiếng Việt thì tiếng Việt hiện còn có thể tạm gọi là bị Tây hóa ở một số teen thích sử dụng tiếng nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt. Nghe con nói chuyện điện thoại với bạn, chị Hoa (nhà ở quận 3) tá hỏa vì không hiểu: “Maybe tối nay tớ sẽ go out, nếu cậu cũng ok thì nhớ phone lại cho mình nhé!” hay “Tớ sẽ check mail rồi send cho cậu ngay”. Và hiện nay, các từ như no table, I wanna toilet kiss you, sugar you go go… không còn là tiếng Anh bồi của các bác xích lô mà chúng còn là từ lóng được giới teen thích dùng.
Sự biến dạng của ngôn ngữ trong một bộ phận giới trẻ đang ở mức báo động, đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu đã dùng cụm từ “bát nháo”, “thiên hình vạn trạng”… khi nói về thực trạng này. PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam) đã đặt câu hỏi liệu tiếng Việt có còn trong sáng? PGS.TS Tình còn cho biết, khảo sát bài viết và bài thi của một số trường THPT tại Hà Nội phát hiện được nhiều lỗi được cho là “nằm ngoài kiến thức” như viết tắt, viết hoa, viết kèm tiếng nước ngoài vô lối… và mức độ vi phạm lỗi ngày càng tăng. “Cần đọc nhiều, tham gia giao tiếp xã hội mới hình thành được “ngữ năng” ổn định nhưng thật buồn là một bộ phận giới trẻ ngày nay ít chịu đọc; nhà trường, gia đình ít quan tâm nhắc nhở” – ông Tình tiếc nuối. Tình yêu tiếng dân tộc và ý thức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt trong một bộ phận người dân bị giảm sút; một số bạn trẻ có xu hướng vọng ngoại, thích nổi trội… cũng là những nguyên nhân được các đại biểu đề cập.
Giáo dục ngôn ngữ văn hóa cho học sinh
Đứng trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, rất nhiều người lo lắng và lên tiếng về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, cẩu thả làm “vẩn đục” tiếng Việt. PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển và Bách khoa toàn thư Việt Nam) cho rằng: “Những bức xúc như không phải là không có căn cứ. Đó là hiện tượng nói và viết tiếng Việt tùy tiện, bừa bãi trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là ngôn ngữ trên mạng”.
Việc sử dụng ngôn ngữ tùy tiện này ảnh hưởng rất lớn đến sự trong sáng, phong phú của tiếng Việt. Điều này thể hiện rất rõ ở lứa tuổi học đường, khi mà nhiều em không thể viết một bài văn rõ ràng, súc tích theo đúng chuẩn của tiếng Việt. ThS. Hà Trần Thùy Dương (GV Trường ĐH Huế) cho rằng “Việc quá lạm dụng vào ngôn ngữ chat khiến khả năng tư duy của giới trẻ bằng tiếng Việt ngày càng hạn chế vì các em không còn ý thức trau dồi vốn từ tiếng Việt sao cho phong phú, diễn đạt thật trôi chảy, chính xác nữa”.
Giáo dục cho học sinh ngôn ngữ văn hóa là một trong những điều quan trọng mà nhà trường cần phải đẩy mạnh để chống sự “lai căng” trong ngôn ngữ. Theo ThS. Trương Thị Luyện (GV Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam): “Trách nhiệm của nhà trường trong vấn đề giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho học sinh vô cùng quan trọng. Điều này thể hiện rõ ở chương trình, nội dung giảng dạy. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh cho học sinh sa đà vào lối sử dụng kiểu ngôn ngữ lai căng như hiện tại thì nhà trường không chỉ đẩy mạnh phong trào nâng cao chất lượng dạy và học mà còn phải có những hoạt động mang tính đặc thù về ngôn ngữ nhằm khuyến khích học sinh tham gia, hình thành các em thói quen sử dụng ngôn ngữ lành mạnh, chuẩn mực”.
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, TS. Trần Thị Ngọc Lang (Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) đề xuất ý kiến biên soạn thêm cho học sinh từng vùng miền hệ thống bài tập thích hợp để sửa lỗi chính tả mà học sinh vùng đó hay mắc. Sách giáo khoa hiện hành được soạn để dùng chung cho cả nước dẫn đến tình trạng bài tập chính tả “vừa thừa vừa thiếu”. Chẳng hạn, bài tập phân biệt l/n không cần thiết cho học sinh Nam bộ mà là lỗi chủ yếu của học sinh phía Bắc. Trong khi đó, bài tập phân biệt vần và dấu hỏi, ngã lại chưa đủ để giúp học sinh viết đúng chuẩn chính tả.
Nếu nhà trường là nhân tố cơ bản giúp các bạn trẻ định hướng, rèn luyện cách sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực thì xã hội lại là nhân tố ảnh hưởng đến sở thích sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ. “Trên các phương tiện truyền thông, ngành văn hóa thông tin cần xây dựng và cập nhật các quy định cần thiết về sử dụng ngôn ngữ, cả tiếng Việt và ngoại ngữ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông Nguyễn Mạnh Cường (GV Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) nói.
D.Bình – M.Tâm

 

Bình luận (0)