Chất lượng đại học Việt Nam đổ dốc liên tục và không biết đã chạm đáy hay chưa, nhưng những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy rất đáng quan ngại.
Đáng buồn nhất là trong môi trường đại học lại không thiếu những mánh khóe trục lợi. Hai chữ “giáo dục” có lúc, có nơi chỉ còn là tấm bình phong cho hoạt động kinh doanh của một số nhóm người.
Không thể vơ đũa cả nắm vì vẫn có một số trường đại học đào tạo có quy củ, nhưng số trường đó rất ít, trong lúc trường loại “cấp ba rưỡi” lại quá nhiều. Những trường này kinh doanh đa dạng, đa sản phẩm, kể cả liên kết với các trường ngoài nước hay các trung tâm đào tạo mang danh nghĩa nước ngoài để thu hút khách hàng và “bán” bằng cấp. Có những trung tâm đào tạo cấp luôn bằng thạc sĩ, mặc đù không được cấp phép, không có chức năng đào tạo đại học và sau đại học.
Trường đại học mọc lên như nấm sau mưa cho nên dư trường mà thiếu người học. Chính vì vậy nên các trường chạy đua tiếp thị, đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi để thu hút khách hàng. Đến khi tận cùng cũng không có người học thì “vơ bèo vạt tép” cho đủ sở hụi. Nhiều học sinh thi rớt đại học đang chuẩn bị ôn thi cho năm sau hay đi học nghề thì bỗng dưng nhận được cùng một lúc mấy giấy báo trúng tuyển. Các trường đại học này không quan tâm đến đầu vào, cũng chẳng cần chất lượng đầu ra. Họ chỉ quan tâm tới có nhiều người học, thu được nhiều tiền.
Một hình thức đào tạo đang gây tranh cãi là có những trường công mở lớp chất lượng cao. Sinh viên cùng học một trường, một ngành, nhưng nếu theo học lớp chất lượng cao thì sẽ có bằng đại học chất lượng cao. Tất nhiên, sinh viên theo học các lớp này phải đóng học phí cao hơn nhiều so với lớp thường (“tiền nào của nấy” mà). Với đà này, sắp tới sẽ có hai loại bằng đại học, loại bằng chất lượng cao và bằng (chất lượng thấp). Thật khó có thể hình dung được diện mạo méo mó của đào tạo đại học.
Do đâu nên nỗi? Câu trả lời là trách nhiệm thuộc về Bộ GD – ĐT. Bộ quản lý kém nên các trường mới tự tung tự tác như vậy. Đến khi xảy ra thưa kiện, bằng cấp nhốn nháo thì chạy theo giải quyết hậu quả. Bộ cấp phép cho hàng loạt trường đại học ra đời, nhưng không quản được năng lực cũng như chất lượng đào tạo của các trường đó. Đối với các trường làm sai quy chế, liên kết đào tạo, cấp bằng không đúng quy định, tại sao không ngăn chặn từ đầu. Những cơ quan nào của bộ, cá nhân nào tham gia vào việc thẩm định, cấp phép hoặc buông lỏng quản lý, Bộ không biết thì ai biết?
Về hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học 2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường”. Không biết tình trạng đại học – học đại hiện nay là mối nguy của đất nước hay cũng chỉ là bình thường như hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử. Nếu xem đây là bình thường thì quả thật rất không bình thường.
Chân Ngôn (Theo DVO)
Bình luận (0)