Thực tập có lương đem lại nhiều lợi ích cho SV, tuy nhiên không phải bạn nào cũng có cơ hội và khả năng đáp ứng. Ảnh chụp SV ngành kế toán thực tập tại một công ty tư nhân |
Khi được tính công cho quá trình thực tập, sinh viên (SV) còn được giao việc nghiêm túc, gắn trách nhiệm nhiều hơn đồng thời được lao động như một nhân viên thực thụ.
SV hiện có xu hướng tìm kiếm cơ hội thực tập tại những công ty, doanh nghiệp chịu… trả tiền để học hỏi kinh nghiệm và chuyên môn.
Cơ hội tốt, áp lực cao
SV Lê Trí Minh (ngành điều khiển tự động Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) vừa trải qua kỳ thực tập tại một công ty chuyên sản xuất máy đọc mã vạch ở TP.HCM. Mỗi ngày 8 tiếng làm việc, Minh được công ty chi trả 120 ngàn đồng. Bên cạnh đó, em còn được hỗ trợ tiền ăn trưa, đóng bảo hiểm. Minh cho biết, đối với SV thực tập, mức hỗ trợ dĩ nhiên không bằng lương nhân viên chính thức, tuy nhiên điều kiện làm việc như vậy đã là lý tưởng mà không phải SV nào cũng có được. Trước đó, Minh đã trải qua vòng kiểm tra kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phỏng vấn bằng tiếng Anh.
Tương tự, Huỳnh Nam Khoa (SV Khoa Điện – Điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng may mắn được thực tập trong một công ty của nước ngoài tại TP.HCM. Nơi đây, bên cạnh việc được hỗ trợ chi phí thực tập hơn 4 triệu đồng/khóa, Khoa còn được hướng dẫn và tạo điều kiện thực hiện đề tài luận văn tốt nghiệp của mình. Theo Khoa, khoản hỗ trợ chi phí nhận được không nhiều nhưng thuận lợi lớn nhất chính là việc được sử dụng một số điều kiện thiết bị máy móc phục vụ đề tài luận văn tốt nghiệp. Bởi với đề tài của em, để thực hiện tốt cần phụ thuộc vào một số thiết bị đắt tiền, có khi trị giá đến tiền tỷ.
Môi trường làm việc tốt, chuyên nghiệp ngược lại đòi hỏi SV phải “hết mình” và có tính trách nhiệm cao. Lê Trí Minh chia sẻ, đi kèm với “lương” là áp lực. Khi được giao việc, bản thân phải cố gắng nghiêm túc và hoàn thành đến cùng. Huỳnh Nam Khoa cũng nêu thực tế bản thân: “Để theo được công việc, em đặt ra kế hoạch hằng tháng và cố gắng chia nhỏ thực hiện từng phần trong mỗi tuần. Mỗi tuần em đều có báo cáo quá trình thực hiện, kết quả… với người hướng dẫn. Quá trình như vậy, em có cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên môn”.
Chủ động kiếm… tiền
Trên thực tế, không phải SV nào cũng chịu khó đầu tư và thực sự quyết tâm ứng dụng kiến thức cho quá trình thực tập. Nhiều em thực tập cho có, xin dấu xác nhận của cơ quan, công ty để hoàn thành báo cáo lấy điểm. Và thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng mạnh dạn giao việc cho SV bởi sợ… hư hỏng thiết bị, tổn thất. Đỗ Mạnh Tiến (SV một trường ĐH tại TP.HCM) quan niệm chỉ cần có địa điểm thực tập, được xem và được hỏi là đã tốt lắm rồi chứ không dám mơ đến được làm thực tế và càng không bao giờ có khái niệm “đòi lương”. “Và khi không trả lương thực tập, công ty có thể sẽ không đoái hoài đến SV, chỉ ký giấy sau đợt thực tập. Còn nếu có lương, họ sẽ được sử dụng sức của SV và khi đó các em mới có thể được thực tập một cách nghiêm túc” – một SV khác ý kiến. Cũng theo SV này, “lương” khi đi thực tập của em còn gấp đôi của chị gái đang làm chính thức tại một cơ quan Nhà nước. Đó là niềm vinh dự nhưng cũng tạo áp lực rất lớn.
Huỳnh Nam Khoa cũng dẫn chứng: “Có sự khác biệt rất lớn giữa thực tập có lương và không lương đối với SV. Ngay cả một số người bạn mà em thấy, khi thực tập không công, thường chủ yếu được giao việc vặt, ít có cơ hội sử dụng kiến thức chuyên môn. Đa số có việc thì làm, không thì thôi, rất ít ràng buộc trách nhiệm hay hiệu quả công việc dẫn đến lãng phí thời gian và công sức. Còn thực tập có tính công, nhất là tại các công ty nước ngoài đồng nghĩa được giao việc gắn với kiến thức chuyên môn, đòi hỏi SV không được ngồi không một chỗ mà phải động não. Trước những yêu cầu cao, chuyên nghiệp thì SV phải tìm mọi cách để đáp ứng, điều này rất có lợi cho chính SV trong việc lĩnh hội kiến thức, mở rộng tầm hiểu biết”. Cũng theo kinh nghiệm bản thân Khoa, để thực tập có thù lao, SV cần phải tạo ra giá trị, hiệu quả công việc trước. Kiến thức được trang bị trong môi trường ĐH rất nặng lý thuyết, các SV cần chọn lọc những mảng kiến thức nào công ty cần để trang bị cho thật chắc. Muốn vậy, các bạn cần phải tìm hiểu thông tin về các công ty, đơn vị mình có nguyện vọng thực tập trước. Điều quan trọng là SV cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các công ty chứ không nên ngồi đợi nhà trường phân nơi thực tập bởi hiện nay số lượng công ty có trả lương thực tập cho SV rất nhiều.
Ông Trần Phúc An (Giám đốc Công ty Semi Việt) nhìn nhận, doanh nghiệp sẽ trả công, hỗ trợ tài chính cho SV nếu các em đem lại hiệu quả, lợi nhuận cho họ trong quá trình thực tập. Thực tế, thời gian đầu thực tập, đa số SV chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, chưa tạo ra hiệu quả do đó rất khó để được trả công. Sau quá trình thực tập, những SV nào tiềm năng, có năng lực thì sẽ được doanh nghiệp tìm cách giữ lại. Tuy nhiên cũng theo ông An, vấn đề trả lương cho SV thực tập cũng tùy từng công ty và tùy vào lĩnh vực công việc.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)