Phạm Tuấn Huy (trái) và Cấn Trần Thành Trung (Trường THPT Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM) đem về 2 chiếc huy chương vàng toán Olympic quốc tế |
Năm 2013 đã khép lại, đối với ngành giáo dục có nhiều chuyện vui nhưng cũng có những chuyện buồn. Chuẩn bị cho năm mới 2014, Giáo Dục TP.HCM điểm qua một số sự kiện nổi bật của ngành trong năm vừa qua.
BCH TW Đảng ban hành nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Ngày 4-11-2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được thông qua tại Hội nghị lần thứ 8, BCH TW Đảng (khóa XI). Nghị quyết đã chỉ rõ những năm qua, chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu; quản lý GD-ĐT còn nhiều yếu kém… Vì vậy, nghị quyết đã đưa ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với mục tiêu: Tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương pháp giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập. Để thực hiện nghị quyết, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành một loạt các quyết sách để thay đổi chất lượng GD-ĐT. Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đổi mới đánh giá, thi và tuyển sinh là khâu quan trọng, đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là khâu cốt lõi. Đồng thời, bộ cũng tiến hành đổi mới chương trình SGK sau 2015.
Tổ chức thành công Hội nghị bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á
Bộ GD-ĐT Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEC 47). Đây là lần thứ hai Bộ GD-ĐT Việt Nam tổ chức Hội nghị hội đồng bộ trưởng giáo dục các nước trong khu vực. Hội nghị hội đồng SEAMEO lần thứ 46 thông qua chiến lược phát triển 10 năm của SEAMEO (2011-2020) với 18 dự án nhằm đưa Tổ chức SEAMEO phát triển lên một tầm cao mới. Hội nghị SEAMEC 47 tại Việt Nam tới đây sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua các quyết sách và giải pháp thực hiện chiến lược này.
Giành giải cao trong các kỳ thi quốc tế
Các đoàn HS dự thi Olympic thế giới và khu vực đạt thành tích xuất sắc, đặc biệt là đoàn Olympic toán quốc tế vươn lên vị trí thứ 7 (tăng 2 bậc). Năm 2013, đã có 34 HS Việt Nam đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Trong số đó, nổi bật có HS Ngô Phi Long, được mệnh danh là “cậu bé vàng” vật lý của Việt Nam đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba vì những thành tích cao liên tiếp: Huy chương vàng các cuộc thi Olympic vật lý quốc tế 2012, 2013, huy chương vàng Olympic vật lý châu Á 2013. Ngoài ra, tại các cuộc thi mang tính khu vực và quốc tế Việt Nam cũng đạt giải cao như Intel ISEF, cuộc thi khoa học trẻ…
Việt Nam đạt kết quả cao trong đánh giá của PISA
Việt Nam được đánh giá cao qua kết quả khảo sát chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Theo kết quả được công bố của chương trình đánh giá HS quốc tế PISA 2012 Việt Nam xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt xa HS của Anh và Mỹ. Chương trình thực hiện khảo sát và đánh giá dựa trên ba lĩnh vực: Đọc hiểu, toán học và khoa học cho các HS ở độ tuổi 15 và Việt Nam mới tham gia lần đầu năm 2012. Mặc dù còn nhiều ý kiến phân tích thận trọng về kết quả khảo sát PISA 2012, nhưng thành tích này của HS Việt Nam được thừa nhận là ấn tượng và đáng tự hào.
Nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, HSSV
Bộ GD-ĐT ban hành thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Năm đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện nghị định 49/NĐ-CP/2010 về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Bộ GD-ĐT lần đầu tiên… bị kiện
Năm 2013 cũng là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT bị kiện và có nguy cơ phải hầu tòa. Đó là việc Trường CĐ ASEAN kiện Bộ GD-ĐT ra tòa vì bị dừng tuyển sinh. Những sai phạm của trường được thanh tra bộ kết luận: Đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên CĐ trái phép tại các địa điểm ngoài trường, tuyển sinh liên thông sai đối tượng, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tổ chức hoạt động liên kết đào tạo không đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định, không có giảng viên cơ hữu một số ngành. Tuy nhiên, bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội vì thanh tra Bộ GD-ĐT đã có quyết định xử phạt sai quy định. Động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT trong thời gian gần đây là cho phép trường được tuyển sinh lại.
Bộ GD-ĐT còn bị kiện một lần nữa đó là việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, ĐH Kinh tế Quốc dân. Nguyên nhân là do ông Quế không phục cách giải quyết của Bộ GD-ĐT.
Bạo hành mầm non
Năm 2013 tiếp tục là một năm nhức nhối về bạo hành trẻ mầm non đối với ngành giáo dục. Bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ, Lê Thị Đông Phương, Nguyễn Lê Thiên Lý đã trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh HS. Cơ quan cảnh sát đã ra quyết định khởi tố đối với các bảo mẫu này. Tuy nhiên, phía sau các bản án vẫn là những nỗi đau, những mất mát không gì có thể bù đắp được đối với phụ huynh và các em HS.
Cộng điểm ưu tiênthi ĐH, CĐ cho… Mẹ Việt Nam anh hùng
Đến giờ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng hẳn còn chưa hết băn khoăn với thông tin mình sẽ được cộng điểm thi ĐH. Đúng trong dịp tuyển sinh đợt 1 ĐH, CĐ năm 2013, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 24 về việc sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Trong đó có cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau khi phải nhận quá nhiều búa rìu từ dư luận, Bộ GD-ĐT đã lập tức bãi bỏ mục này.
Thiên Lam
Bình luận (0)