Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, dù tổ chức một kỳ thi quốc gia nhưng HS vẫn học theo chương trình bình thường. Trong ảnh: Phụ huynh đưa con đi thi ĐH năm 2014 vừa qua. Ảnh: Đ.Lộc |
Theo dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi và tuyển sinh trong thời gian tới. Do đó, rất có thể năm 2015, chỉ còn một kỳ thi quốc gia. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau đó là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức thành 3 đợt nên quá nặng nề…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: Từ 2011, bộ đã nghiên cứu để làm sao có một kỳ thi nhẹ nhàng và ý tưởng đó đã được đưa vào Luật Giáo dục ĐH 2013, các trường ĐH được phép tự tuyển sinh, rồi NQ29 cũng đưa ra vấn đề này. Việc đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là việc phải làm để làm sao theo hướng một kỳ thi nhẹ nhàng, cùng lúc đạt 2 mục tiêu: Xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Sau khi xem xét thì thấy nếu tổ chức một kỳ thi chung quốc gia thì kỳ thi 3 chung không còn nữa. Các trường ĐH hoàn toàn có thể tự chủ tuyển sinh.
PV: Như vậy, việc sử dụng kết quả có phải là cách duy nhất để các trường ĐH tuyển sinh không, thưa ông?
Đây không phải là cách duy nhất để các trường ĐH, CĐ có thể tuyển sinh. Khác với kỳ thi 3 chung, bắt buộc các trường phải lấy kết quả đó để tuyển sinh với các quy định hết sức ngặt nghèo. Nhưng bây giờ, các trường được tự chủ tuyển sinh thì bộ chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu. Với dữ liệu này, các trường hoàn toàn có thể sử dụng để tuyển sinh viên vào trường hoặc sử dụng một phần kết quả kết hợp với kỳ kiểm tra riêng của mình… thậm chí, nếu thấy cần thiết, yêu cầu tuyển sinh cao hơn thì có thể tổ chức một kỳ thi riêng vào trường mình. Như vậy rất đa dạng, tùy theo yêu cầu của các trường, các ngành nghề của các trường có thể tuyển sinh theo cách nào cũng được.
Vậy làm thế nào để đảm bảo kết quả một kỳ thi được công nhận?
Rõ ràng, độ tin cậy là yếu tố hết sức quan trọng đối với các trường muốn lấy kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ 2014 vừa được tổ chức, các trường cũng cung cấp các giải pháp làm sao để có thể có được kết quả tin cậy. Bởi nếu kết quả đó không tin cậy, các trường sẽ phải tổ chức thêm một kỳ thi riêng thì sẽ gây phức tạp, tốn kém rất nhiều. Vì vậy, trong đề án một kỳ thi quốc gia, bộ cũng đã đề xuất các giải pháp để chúng ta đảm bảo độ tin cậy, công bằng của kỳ thi. Chẳng hạn như tổ chức các điểm thi thành các cụm ở từng tỉnh, rồi chúng ta tổ chức chấm điểm chung các cụm liên tỉnh, các vùng. Cán bộ tham gia kỳ thi gồm sở, trường, ĐH, CĐ, tổ chức thanh tra giám sát kỳ thi. Với giải pháp đó hy vọng kết quả có độ tin cậy để các trường có thể sử dụng được.
Đề thi đổi mới như thế nào để có thể đạt được hai mục đích, thưa ông?
Những năm vừa qua, chúng ta đều đổi mới công tác ra đề thi. Thành công nhất là năm 2014, chúng ta đã ra được đề thi rất phù hợp với khả năng làm bài của học sinh cũng như phân loại được học sinh. Do bài của chúng ta có kết cấu phù hợp như thế nên có thể đưa vào bài thi một số phần cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông, đồng thời cũng đưa những kiến thức nâng cao, phân loại học sinh để tuyển sinh ĐH, CĐ. Thành công trong công tác ra đề thi những năm gần đây khiến chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng ra đề thi với 2 mục đích cho kỳ thi quốc gia sắp tới.
Việc đổi mới thi cử trong năm 2015 sắp tới, theo ông, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thí sinh?
Cách học và dạy ở phổ thông chưa thay đổi gì, dù thi theo môn thi hay thi tổng hợp bài thi với nhiều môn riêng rẽ. Do đó, chưa yêu cầu học sinh phải có kiến thức tích hợp. Học sinh không có gì phải lo lắng, vẫn học như bình thường những kiến thức có trong SGK. Việc thay đổi của một kỳ thi quốc gia đó là rất có lợi cho thí sinh: Một kỳ thi có thể xét tuyển được nhiều trường ĐH. Trong khi đó, trước đây, muốn làm được việc đó, thí sinh phải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và một trong 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thứ hai, thi xong rồi, có kết quả các em mới đăng ký xét tuyển. Do đó, tránh hoàn toàn rủi ro như thi 3 chung trước đây quy định. Đối với những học sinh đã có bằng phổ thông rồi, thì chỉ thi những môn các trường cần xét tuyển. Vì vậy, cả nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi đều có lợi cho thí sinh, các em cứ yên tâm học tập.
Tiếp theo hội nghị hiệu trưởng vừa qua, Bộ GD-ĐT sẽ lên phương án kỳ thi quốc gia sẽ được công bố khi nào, thưa ông?
Bộ cũng đã lấy ý kiến các sở GD-ĐT, thời gian qua cũng lấy ý kiến công luận. Hội nghị vừa qua lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ cả nước. Sau khi có ý kiến của bộ, của sở, của công luận và đặc biệt là ý kiến của các em học sinh sẽ thi trong năm tới, bộ sẽ chốt lại một phương án cuối cùng báo cáo Thủ tướng và Phó thủ tướng. Sau khi báo cáo rồi sẽ công bố sớm cho các em học sinh để các em biết.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)