Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tạo điều kiện cho nhà giáo trong và ngoài nước cùng đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đang giới thiệu với lãnh đạo Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM về bản đồ quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố

Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục (GD) trên địa bàn TP, đến năm 2020 TP.HCM cơ bản có một nền GD-ĐT tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, giữ vững định hướng XHCN. Một trong những quyết sách mang đến thành công cho chiến lược đổi mới GD nêu trên là yếu tố con người – đội ngũ thầy cô giáo… 
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Giáo dục TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT – xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Giám đốc, đổi mới căn bản, toàn diện nhà trường, xây dựng trường học tiên tiến, coi trọng GD truyền thống, lý tưởng, đạo đức; phát huy năng lực sáng tạo của HS, đào tạo ra những con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu kinh tế, xã hội thời kỳ hội nhập của TP và cả nước. Vậy GD-ĐT TP đã chuẩn bị được những gì cho “trận đánh lớn” này?
– Ông Lê Hồng Sơn: GD-ĐT TP có 6 định hướng, mục tiêu cụ thể cho việc đổi mới căn bản, toàn diện nhà trường. Đó là, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt tiêu chuẩn có 3 phòng học/100 người dân trong độ tuổi từ 3 đến 18 tuổi (kể cả người dân không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3. 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí CSVC…; Đảm bảo đủ số lượng CBQL, GV theo chuẩn quy định ở các cấp học, ngành học. Có 50% GV các cấp đạt trình độ trên chuẩn; Duy trì và nâng cao kết quả đạt được từ Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP…; Phổ cập và nâng cao trình độ tin học cho HS phổ thông, đảm bảo HS có thể ứng dụng tin học trong học tập, nghiên cứu khoa học…; Cuối năm 2015 tỷ lệ phân luồng sau THCS vào GD nghề nghiệp là 15%, 25% HS phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học…; Đến năm 2020 có 100% số người trong độ tuổi được học THCS; 100% HS được học tiếng Anh, được trang bị đủ 4 kỹ năng (nghe, đọc, nói, viết)…
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho 6 định hướng, mục tiêu cụ thể nêu trên sẽ như thế nào thưa ông?
– Phối hợp hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch hệ thống trường lớp trên địa bàn TP theo hướng đa dạng hóa hệ thống các loại hình GD, đảm bảo nhu cầu học tập của tất cả các bậc học, ngành học; Đổi mới và nâng cao chất lượng GD toàn diện theo hướng tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế, coi trọng GD lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội cho HSSV. Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng các cơ sở GD, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập của TP; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý Nhà nước đối với GD-ĐT. Đổi mới chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý GD. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng và giám sát các hoạt động GD… Đầu tư ngân sách gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp theo quy hoạch nhằm khai thác mạnh các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT. Có chính sách hỗ trợ học bổng cho công nhân học tập, nâng cao trình độ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng trường lớp hoặc hỗ trợ chi phí đào tạo; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ CBQL, cán bộ khoa học – công nghệ, doanh nhân và lao động kỹ thuật; Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên lĩnh vực GD-ĐT, đảm bảo phát triển bền vững…
Thưa ông, để đảm bảo giữa sự phát triển của GD và chất lượng GD thì con người là quan trọng nhất. Và tất nhiên ngành GD-ĐT sẽ chăm lo, phát triển đội ngũ này mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn, vậy sở đã có kế hoạch này như thế nào?
– Ngành GD-ĐT TP tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo chất lượng. Xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng CBQL và GV TP, đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng GV các cấp (đặc biệt GV mầm non và tiểu học) cho ngành, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, trình độ ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng thường xuyên cho GV các cấp. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, CBQL GD.
Tham mưu ban hành một số chính sách đặc thù cho đội ngũ CBQL và GV TP, có chế độ hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ. Tạo điều kiện để nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2014, Giám đốc có nhắn nhủ gì đến CB-GV-CNV toàn thành?
– Mặc dù chế độ, chính sách hiện nay đã có cải thiện nhất là chế độ phụ cấp thâm niên cho CB-GV đang được các cấp lãnh đạo tiến hành thống kê, giải quyết nhưng một bộ phận lớn thầy cô giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Với tâm huyết và lòng yêu nghề sẵn có của các thầy cô giáo, lãnh đạo ngành mong muốn và tin tưởng thầy cô tiếp tục cống hiến, phát huy hết năng lực, đạo đức nghề nghiệp cùng sự sáng tạo của mình trong công việc để chăm chút đến từng HS. Làm cho hiệu quả dạy học của từng đơn vị, của ngành tiếp tục được giữ vững và ngày càng phát triển hơn nữa.
Xin cám ơn Giám đốc!
Lê Quang huy (thực hiện)

Bình luận (0)