Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đong đầy cảm xúc cùng “Đối thoại đêm”

Tạp Chí Giáo Dục

Yêu thơ từ thời sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội 2 nhưng mãi đến lúc gần rời bục giảng, chị mới thả hồn thơ của mình vào trong những tập thơ đầu tiên để gửi cho đời những tâm tình sâu kín, dung dị như chính con người chị. Những tập thơ của nhà thơ, nhà giáo Triệu Kim Loan là sự dồn nén cảm xúc được thể hiện rõ trong từng câu chữ.


Bìa tập thơ “Đối thoại đêm”

Năm 2020 khi ra mắt tập thơ Khoảng lặng (NXB Hội Nhà văn) nhiều người cứ ngỡ tác giả Triệu Kim Loan là ai đó. Nhưng đọc thơ chị mới biết đó “đứa con tinh thần” đầu tiên của cô giáo Triệu Kim Loan từng là giáo viên dạy giỏi của nhiều thế hệ học sinh tại TP.HCM. Mới đây, nhiều người yêu thơ đã được cầm trên tay tập thơ Đối thoại đêm của nữ tác giả.

Nếu trước đây, chị lấy cảnh vật để làm bạn tâm tình thì ở Đối thoại đêm người bạn thủ thỉ riêng ấy không ai khác chính là bản thân mình. Cảnh vật, hoài niệm chỉ là cái cớ để cho những xao xuyến, thắc thỏm, buồn vui neo đậu vào. Mà nếu là cảnh vật, quá khứ cũng chỉ là một thứ bâng quơ vô định mà thôi: “Giật mình trôi giấc mơ hoa/ Em phơi giọt nhớ vỡ òa nỗi anh/ Đếm bao nhiêu lá trên cành/ Bấy nhiêu hạt nắng trổ nhành tương tư” (Nguyện ước). Nếu coi thơ chị là một hành trình đãi thóc thì đây là những “hạt gạo vàng” để cho bữa tiệc thơ thơm dẻo, ngọt ngào. Đó cũng là gam màu sàng sảy trong bài Khỏa sóng đời với từng câu thơ lạ lẫm: “Dỗ đời bằng kí thác/ Phút trao lời hoa đăng/ Dỗ con bằng tiếng nấc/ Lấp yêu thương dâng tràn”.

Có thể thấy, sắc màu chủ đạo trong bức tranh thơ Đối thoại đêm là những khúc tâm tình của con tim khi được đối diện với chính lồng ngực của mình: “Buốt lạnh ơi/ Hoàng hôn choàng khăn tím/ Giọt ngâu về/ Đẫm lệ những xanh xưa…” (Tự khúc)

Đọc xong Đối thoại đêm, những câu chuyện tình bay qua tập thơ chỉ là cơn gió thoảng nhưng vẫn đọng lại người đọc niềm tương tư, nỗi tiếc nuối và sự độ lượng bao dung trong đó (Ngày tình yêu góa bụa, Duyên lỡ, Mưa ngâu..). Giọng thơ mang dáng dấp từng trải, chiêm nghiệm nhưng vẫn hiện hữu khuôn mặt trẻ trung, hồn hậu: “Anh muốn vẽ đường chân trời đầy sao/ Xếp hình trái tim có dòng tên ở giữa/ Mỗi vì sao mang sắc màu rất lạ/ Sao sẽ chờ/ Nơi ấy – rằm lên” (Đối thoại đêm)

Bên cạnh những bài thơ để lại dấu chân ở các miền quê hương như Đà Lạt, Hà Nội, Phú Thọ, núi Chứa Chan là những câu thơ trò chuyện với 2 đấng sinh thành khi phải xa cha mẹ nghìn trùng:

“Xứ người con vật vã/ Phút trái rụng vườn nhà/ Giọt buồn không thành tiếng/ Con một mình/ Xót xa…” (Vu lan)

Tôi có may mắn được dự một số tiết thao giảng cấp cụm hệ GDTX và hệ THPT của nhà giáo Triệu Kim Loan. Dù đối tượng học viên là những người lớn tuổi làm đủ nghề từ công nhân, nhân viên, cán bộ hay các em học sinh nhưng bài giảng của cô Kim Loan vẫn truyền được rất nhiều năng lượng cho người học. Giọng đọc truyền cảm, lời giảng ấm áp và phong thái tự tại đã giúp chị thành công dù đó là tiết ôn tập hay bài khái quát. Xuyên suốt trong bài học là hồn thơ của một nhà thơ nữ giúp cho tác phẩm văn học càng được thẩm thấu và thăng hoa. Nhà giáo Triệu Kim Loan từng vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản của ngành GD-ĐT TP.HCM. Khi đứng trên bục giảng, cô say sưa với từng tác phẩm, khi ngồi trước trang viết thì cô để lại những vần thơ ngọt ngào, thấm đẫm chất suy tư…

Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)