Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phân luồng học sinh sau THCS: Cần “hướng nghiệp” cho phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cần tư vấn cho HS THCS chọn đúng trường, đúng nghề để tránh cho các em ngồi nhầm chỗ trong tương lai
Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố kế hoạch tuyển sinh năm học 2011-2012, nhiều trường THCS đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (HS) lớp 9 nhằm giúp các em lựa chọn đúng trường theo năng lực học tập, tránh lãng phí công sức, thời gian… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này, nhiều trường đã gặp không ít khó khăn từ phía phụ huynh (PH).
Tư tưởng “trọng thầy khinh thợ” vẫn tồn tại
Ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp Q.Bình Tân, cho biết công tác tư vấn hướng nghiệp nằm trong chương trình khung của Bộ GD-ĐT, với HS lớp 9 là 9 tiết/ năm. Tuy nhiên, sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, trung tâm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho HS sau THCS với 5 con đường: THPT công lập; THPT dân lập, tư thục; GDTX; trung cấp nghề; tham gia lao động sản xuất. Một trong những trở ngại lớn nhất mà trung tâm phải tìm cách khắc phục là tâm lý của PH, vì hầu hết PH không quan tâm vào thực lực của con em mình mà cho rằng “chỉ có một con đường duy nhất cho tương lai của con họ là phải vào lớp 10”. Ông Nghĩa nói: “Những năm trước, mỗi năm toàn quận chỉ có khoảng 300 HS vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Riêng năm học 2011-2012, quận Bình Tân tổ chức xét tuyển HS vào lớp 10; trong đó có khoảng 25% không đủ điều kiện để xét tuyển vào các trường THPT công lập nên chắc chắn phải đi những con đường còn lại. Theo dự đoán của chúng tôi, sẽ không có nhiều PH cho con em mình vào học các trường nghề”.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, tâm lý PH có sự tác động rất lớn đối với công tác phân luồng HS sau THCS. Mới đây, Trường THCS Nguyễn Văn Phú (Q.11) đã tổ chức buổi tọa đàm về hướng nghiệp, phân luồng cho HS sau THCS. Thầy Nguyễn Minh Hoàng Hải, Tổng phụ trách Đội, kể: “Các em HS đã nêu ra nhiều ý kiến rất hay như: Nếu không đậu vào các trường THPT thì chúng em phải làm gì? Liệu học trường nghề ra có được trọng dụng không? Em nên lựa chọn trường nghề nào tốt nhất để khi ra trường có công ăn việc làm ổn định?… Đặc biệt, một số em HS còn thẳng thắn cho biết bố mẹ đều nhất quyết bắt các em phải thi đậu vào trường THPT công lập”.
PH cũng cần được tư vấn “hướng nghiệp”

Để chọn nghề cho con, ngay cả phụ huynh cũng cần được “hướng nghiệp”. Trong ảnh nhiều phụ huynh chen chúc xem điểm thi vào lớp 10 cho con năm 2010. Ảnh: T.T.Q
Tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cho HS chọn đúng trường, đúng nghề là một trong những yêu cầu hết sức cần thiết để tránh cho các em “ngồi nhầm” vị trí trong tương lai. Nhưng tư vấn như thế nào để PH và HS hiểu, cùng đồng tình thì mới là vấn đề mà nhà trường và xã hội cùng chung tay giải quyết. “Chính PH là người đồng hành trong việc chọn trường, chọn nghề cho HS nên họ cũng cần được định hướng để tư vấn thấu đáo cho các em. Tuy nhiên, một số trường hiện chỉ quan tâm đến việc tổ chức hướng nghiệp cho HS mà “bỏ quên” các khâu “hướng nghiệp” cho PH”, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Trọng Nghĩa thừa nhận: “Lâu nay chúng ta mới chỉ tư vấn cho HS mà quên rằng PH cũng cần được định hướng. Đôi khi HS đã “thông” nhưng lại gặp khó khăn từ phía PH. Vì vậy, trong các chuyên đề hướng nghiệp, ban hướng nghiệp của các trường nên mời một số gương điển hình sản xuất giỏi, trong đó có cả PH từ nhiều ngành khác nhau cùng tham gia với HS”. Là trường THCS đầu tiên được Sở GD-ĐT TP.HCM và Tập đoàn Intel chọn làm mô hình trường học sáng tạo. Trường THCS Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân) nhiều năm qua đã làm khá tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS và PH. Mỗi năm, nhà trường đều mời PH đến trường để cùng bàn bạc và lắng nghe ý kiến HS, từ đó PH sẽ có hướng tư vấn cho con em mình chọn trường như thế nào là phù hợp. Thầy Lê Văn Gia Em, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Không phải PH nào cũng có đầy đủ kiến thức trong việc chọn trường, chọn nghề cho con em nên hàng năm nhà trường đều tạo điều kiện cho PH tham dự các buổi tư vấn hướng nghiệp cùng HS. Để PH có cái nhìn toàn diện hơn về năng lực học tập và khả năng đi tiếp tương lai của HS, nhà trường còn bố trí giáo viên chủ nhiệm cung cấp thêm cho PH nhiều thông tin như điểm, học lực, các phiếu thông tin về khả năng mà các em đi con đường nào sẽ phát huy được năng lực… Vì thế, nhiều năm qua nhà trường luôn có kết quả cao trong công tác phân luồng, hướng nghiệp”.
Bài, ảnh: Dương Bình

 

Một số trường hiện nay chỉ quan tâm đến việc tổ chức hướng nghiệp cho HS mà “bỏ quên” các khâu “hướng nghiệp” cho PH, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM), nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)