Người ta thường nói: “Học ăn học nói, học gói học mở” để chỉ việc học phép lễ giáo, giao tiếp bên cạnh việc học văn hóa. Hướng dẫn con cách đọc sách, báo; xây dựng “văn hóa đọc” cho con, cũng là một cách giáo dục nhân cách cho trẻ.
Chị Khanh (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Hồi nhỏ, thầy cô hướng dẫn tôi đọc sách như thế nào, thì nay tôi dạy các con cháu mình thế ấy. Khi con cháu ở tuổi tiểu học, tôi mua những quyển sách dễ đọc của Nhà xuất bản Kim Đồng, hàng tuần mua báo Nhi Đồng. Con lên cấp 2, tôi tìm sách dành cho thiếu nhi như Harry Potter, Thám tử Conan… Tôi khuyên con cháu đọc sách mới luyện được khả năng cảm thụ văn học và tập làm văn, truyện tranh chỉ để giải trí thôi. Lên cấp 3, tự các con, các cháu để dành tiền mua những tác phẩm văn học hay của các nhà văn trong và ngoài nước. Chúng đã có khả năng chọn lọc, không cần đến người mẹ, người bà này nữa”.
|
Thầy Khoa, 30 tuổi, giáo viên, một “con mọt sách” chia sẻ: “Từ nhỏ, ba mẹ đã hướng dẫn tôi cách chọn sách để đọc. Lớn lên, chỉ mới học cấp 2, tôi đã biết tìm đến O Henry, Jack London và các nhà văn nổi tiếng của VN…, trong khi nhiều đứa bạn tôi chúi mũi vào những truyện ma rùng rợn, truyện tranh nhảm nhí”. Theo thầy, đọc sách là một trong những phương pháp rèn luyện suy nghĩ, cách lập luận và góp phần hình thành nhân cách, bởi mỗi tác phẩm văn học giá trị đều mang thông điệp, ý nghĩa nhân văn riêng.
Tuy nhiên, theo cô Bích Ngọc, 54 tuổi, giáo viên Văn: “Không nên để trẻ chìm đắm vào sách truyện, vì trẻ sẽ lơ là việc học. Nguy hiểm hơn là trẻ sẽ dễ hoang tưởng khi sống nhiều với sách. Bên cạnh việc đọc sách, nên hướng trẻ đọc báo. Báo chí tiếp cận nhiều với thời sự cuộc sống, trẻ dễ mở mang tầm nhìn, kiến thức và dễ chấp nhận những cái mới hơn, đồng thời không quá lạc hậu với cuộc sống, nhất là trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay”.
Cũng theo cô Ngọc, nếu không được hướng dẫn, người trẻ sẽ sa đà vào sách thiếu lành mạnh, hoặc lên mạng vào những trang web không tốt, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ, nhân cách của trẻ. Anh Phạm Minh Thiện (Q.3), có con trai là sinh viên năm thứ 3, Đại học Kinh Tế, cho biết: “Tôi thường giới thiệu cho con trai mình đọc những quyển sách hay, hợp với lứa tuổi. Hàng ngày, tôi đưa báo cho con đọc rồi hỏi con có tin tức gì hay để cùng bàn luận. Giờ đây, nó nắm tin tức còn nhiều hơn tôi. Tôi rất hãnh diện khi bạn bè tới nhà chơi bàn luận thời sự, con tôi cũng góp phần với những ý kiến khá hay”.
Thầy Khoa cho rằng: “Không phải thấy con cầm quyển sách đọc là mừng, mà phải xem chúng đọc gì, sách có nội dung lành mạnh, chữ nghĩa có trong sáng không. Ngoài đọc sách, cần giúp trẻ làm quen với báo chí. Không nên để con cái chìm đắm trong sách vở nhiều quá, cần phân định rạch ròi giữa truyện, hư cấu và đời thực để con cái đừng sống trong ảo tưởng”.Chị Ngọc Hương, 45 tuổi, lại có suy nghĩ sâu xa hơn: “Đọc truyện cổ tích hay tác phẩm văn học nước ngoài cũng phải biết chọn lọc. Hiện nay, việc xuất bản và phát hành khá bát nháo, có những truyện cổ tích như Tấm Cám, An Tiêm… mà dùng toàn ngôn ngữ “chát chít” như: “Bít (biết) chít (chết) liền”, những động từ thể hiện bạo lực như “bụp”, “xử”… Điều đó không phù hợp với một đứa trẻ mới biết đọc, đang làm quen với văn hóa đọc mà còn làm “u ám” lối hành văn trong sáng của tiếng Việt, chẳng ích lợi gì cho trẻ”.
TheoNgọc Hà
PNO
Bình luận (0)